CHƯƠNG 5. NHỮNG KỶ NIỆM ĐÁNG NHỚ TRONG KHI GIỮ MỤC GỠ RỐI TƠ LÒNG
Tôi nghỉ viết từ năm 1972, vậy mà cho đến bây giờ, mỗi khi nói đến tôi, nhiều người còn nhắc về mục Gỡ Rối Tơ Lòng của tôi và còn nói là với mục này tôi đã giúp chị em, bạn đọc gần xa không ít. Lại có người khi thấy những nhà xuất bản sau 1975 tái bản lại những quyển tiểu thuyết của tôi thì không khỏi tiếc rẻ là tại sao tôi không cho in lại những bức thư hỏi chuyện tâm tình và những câu trả lời của tôi
Thậm chí có nhiều tờ báo sau 1975 còn đề nghị tôi giữ mục này với nhuận bút khá cao. Nhưng tôi đã từ chối không dám nhận. Vẫn biết thời đại nào rồi cũng có chuyện yêu thương, ngang trái, chuyện tình cảm éo le, nhưng độc giả ngày hôm nay không phải là độc giả của ngày xưa. Và sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời, sự suy tư của con người tất nhiên phải khác, cách cư xử cũng chịu ảnh hường của lối sống mới. Trả lời không phải dễ dàng. Thời nào có người nấy, rồi đây sẽ có người giữ mục này và họ sẽ thích hợp hơn.
1. TÔI ĐÃ KHỞI SỰ VIẾT MỤC GỠ RỐI TƠ LÒNG TỪ BAO GIỜ? VÀ TẠI SAO TÔI LẠI VIẾT MỤC NÀY?
Có thể nói tôi là người đầu tiên khởi xướng viết mục Gỡ Rối Tơ Lòng và được đăng trên báo Sài Gòn Mới vào năm 1953. Nguyên nhân là gì lúc ấy để có tài liệu viết bài về phong trào phụ nữ trên thế giới, tôi đã thường xuyên mua những tạp chí phụ nữ xuất bản ở Pháp. Trong đó có mấy tờ tuần báo Marie Claire và Elle, La Femme.
Ngay ở trang đầu báo Marie Claire có mục Couer À Couer (Từ trái tim đến trái tim). Độc giả nữ tâm sự, hỏi về những chuyện tình cảm và được một cây bút nữ trả lời ngắn gọn rất hấp dẫn. Thấy vậy tôi bỗng nghĩ đến một số đông phụ nữ Việt Nam vẫn có những tâm sự tương tự mà không biết hỏi ai nên liền đề nghị với bà Bút Trà, chủ nhiệm báo Sài Gòn Mới, để tôi viết mục Gỡ Rối Tơ Lòng và ký bút hiệu Tùng Long. Bà Bút Trà đồng ý ngay và tờ báo liền quảng cáo về mục Gỡ Rối Tơ Lòng.
Lúc đầu tôi ký Tùng Long, nhưng vì thời bấy giờ ít phụ nữ sống bằng nghề viết văn làm báo, mà có một số cây bút đàn ông viết những bài có liên quan đến phụ nữ, đến đời sống của phụ nữ lại ký tên cô Thanh Tuyền, cô Như Mai hay cô Bích Châu… nên lúc đầu khi thấy tôi ký tên Tùng Long, chị em còn dè dặt không biết bút hiệu Tùng Long là của đàn bà hay đàn ông nên chưa dám mạnh dạn gởi tâm sự đến cho tôi giải đáp. Có nhiều bức thư hỏi tôi: Tùng Long là đàn ông hay đàn bà vậy? Và vì lẽ ấy nên tôi phải ký “Bà Tùng Long” cho họ yên lòng. Tôi không ngờ mục này được bạn đọc gần xa hưởng ứng, chị em và cả nam độc giả cũng gởi tâm sự đến nhờ tôi giải đáp. Chỉ trong vòng vài ba tháng, mục Gỡ Rối Tơ Lòng cũng như chuyện Chúa Tiền Chúa Bạc (chuyện feuilleton thứ 2 của tôi đăng trên báo Sài Gòn Mới) đã đem lại cho tờ báo một độc giả đáng kể. Các đại lý báo đều xin thêm báo và tên tôi bắt đầu được nhiều người chú ý.
Không như mục Coeur À Coeur của báo Marie Claire hay Question Du Coeur (Câu hỏi của trái tim) của báo Elle, chỉ trả lời ngắn gọn và một kỳ báo có thể trả lời cho 5-7 người, tôi đưa lên báo mỗi ngày một vấn đề, có khi đăng trọn bài viết của độc giả, có khi tóm tắt khi họ viết quá dài rồi sau đó trả lời. Nhờ vậy mà độc giả rất thích mục này, nhiều chị em có cùng tâm sự cùng vấn đề đều có thể tìm thấy lời giải đáp mà không cần phải gởi tâm sự của mình đến nữa. Tôi không yêu cầu họ phải viết tên thật, không cần địa chỉ rõ ràng, chỉ cần có cốt truyện là trả lời.
Qua mục này tôi đã nêu lên nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống phụ nữ ở xã hội thời bấy giờ, như vấn đề tình ái và sự nghiệp, vấn đề hôn nhân, tình yêu và bổn phận, vấn đề hôn nhân cưỡng bức và tự do kết hôn… Nói tóm lại tất cả vấn đề có liên quan đến đời sống, quyền lợi của phụ nữ.
Lúc đầu chị em còn e dè không biết bà Tùng Long là ai, một phụ nữ thật sự bênh vực quyền lợi của chị em hay là một đàn ông lợi dụng mục này để tìm những bạn gái khờ khạo và đưa họ vào con đường tội lỗi, hay lợi dụng chuyện đau khổ của họ bày vẽ kiện tụng, xúi họ bỏ chồng, bỏ con. Nhưng sau nhiều lần thấy tôi xuất hiện trên báo chí vì có chân trong các đoàn thể xã hội, như Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Dục Anh, Bình dân học hội, hay có tên ở các buổi họp bầu cử ban trị sự của Hội Bảo vệ Luân lý, rồi Hội Phụ huynh Học sinh các trường trung học, lúc bấy giờ chị em mới mạnh dạn trao gởi tâm sự cho tôi. Nhưng không phải chỉ có chị em bạn gái nhờ tôi gỡ rối tơ lòng, mà ngay cả các nam độc giả một khi có sự rắc rối tình cảm cũng tham gia mục này, kể tâm sự của họ một cách thành thật và mong ở tôi một sự giải đáp hay những lời khuyên chân thành.
Thật tình mà nói và cũng không phải tôi tự hào hay khoe khoang, chứ lúc giữ mục này tôi chưa đầy bốn mươi tuổi và vẫn được xem là một phụ nữ đẹp. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp một ai có ý sàm sỡ hay chọc ghẹo, mà tất cả ai đã gặp tôi đều có ý kính nể là khác. Và cũng trong thời kỳ giữ mục này, qua các bài tôi trả lời, có khi lời lẽ thật nghiêm khắc, có khi xem bạn đọc như một người ruột thịt, một đứa học trò, tự cho mình có quyền khuyên lơn và cả rầy la không tiếc lời. Vậy mà không hề có một người nào tức giận chửi rủa tôi lên mặt dạy đời hoặc viết thư phản đối cách giải thích của tôi không hợp lý hợp tình. Trái lại, tôi chỉ nhận được những thư cảm ơn.
Giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng độ một năm ở báo Sài Gòn Mới, vì tạo được độ rung xã hội nên tôi được các báo khác mời cộng tác đứng mục tương tự. Nhưng tôi chỉ viết thêm ở hai tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn và Phụ Nữ Ngày Mai cũng với mục này, vì đây là hai tờ báo do hai đứa con của chị Bút Trà đứng ra làm.
Thư từ của bạn đọc bốn phương tới tấp gởi đến, mỗi ngày một nhiều. Trong thời kỳ giữ mục này, tôi có thông báo không tiếp ai tại tòa soạn và tại nhà, mà chỉ trả lời qua thư từ gởi đến tòa soạn. Như thế đỡ mất thì giờ và tôi cũng không nhận một sự trả công, đền ơn đáp nghĩa nào ngoài nhuận bút của báo.
Tôi không ngờ tôi được độc giả tin cậy đến như vậy, thư càng ngày càng nhiều và tôi đã mất nhiều thì giờ để học và để trả lời. Có nhiều vấn đề liên quan đến cả một cuộc đời người trong cuộc, có liên quan đến gia đình và xã hội, tôi phải suy nghĩ suốt mấy ngày liền, không dám trả lời bừa bãi. Nhất là những vấn đề mà chị em đặt ra là phải ly dị không thể sống trong địa ngục trần gian, không chịu được sự áp bức của mẹ chồng, tôi thật phải đắn đo suy nghĩ, cân nhắc mới trả lời. Đây là cả một vấn đề trách nhiệm tinh thần không phải là một chuyện tầm thường để mình muốn viết sao cũng được. Rồi thì những chuyện các cô gái đi làm công bị chủ lợi dụng tình dục, chuyện các cô thư ký bị giám đốc đòi hỏi chuyện yêu thương lạt nẻo, chuyện chồng có vợ bé, chuyện mẹ chồng đày đọa, chuyện ép duyên, thôi thì không sót chuyện gì! Lần lần tôi bị thu hút vào những cảnh đời muôn mặt, những chuyện trái ngang mà không một nhà văn với đầu óc tưởng tượng phong phú cỡ nào có thể viết ra được. Và cũng nhờ vào tâm sự của các bạn xa gần, từ thôn quê đến thành thị, mà tôi có được rất nhiều đề tài để viết những bộ tiểu thuyết đăng hằng ngày hằng tuần ở các báo mà tôi hợp tác.
Cái kho tài liệu quí báu ấy nói lên đời sống của phần đông phụ nữ lúc bấy giờ. Họ cần có người để tâm sự cho vơi nỗi lòng, để được nghe những lời khuyên nhủ, để được thấy mình có được một chỗ dựa và nêu lên những vấn đề cần thiết cho người phụ nữ mà phong tục tập quán đã làm cho họ mất nhiều quyền lợi và cơ hội để nói lên tiếng nói của họ.
Tôi giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng ở báo Sài Gòn Mới ròng rã hai chục năm trời, vậy mà không hề nhận được một thư nào trách móc sao tôi trả lời sai lệch, hoặc xúi xử độc giả ly dị hay chống chế lại mẹ chồng. Tôi toàn khuyên lơn, giúp chị em dàn xếp an lòng, chuyện nhà sao cho hợp lý hợp tình, không để họ đi đến gãy đổ hoặc chống đối quyết liệt.
Khi giữ mục này cho báo Sài Gòn Mới, tôi nhận được rất nhiều thư cảm ơn của bạn đọc, cả gia đình kẻ gởi hỏi tâm sự, nhờ đó mà chồng hiểu cảnh vợ, nhận thấy những lời khuyên của tôi là đúng, mẹ chồng hiểu cảnh con dâu mà nương tay không tàn nhẫn như trước. Cũng có những ông chồng quay về với tổ ấm gia đình vì những lời khuyên của tôi đối với bà vợ ghen tuông, giận dữ, đã viết thư cảm ơn tôi. Những đứa con bỏ đi vì gặp cảnh mẹ ghẻ con chồng cũng đã quay về nhà và bà dì ghẻ nhờ đọc bài giải đáp của tôi cũng đã đối xử tử tế với con ghẻ. Nhiều lắm và nhiều lắm những thư từ cảm ơn như thế, và nhờ vậy mà suốt trong hai mươi năm trời giữ mục này tôi cảm thấy mình có một trách nhiệm tinh thần không phải nhỏ và luôn luôn đi con đường mà tôi đã vạch sẵn là phục vụ bạn đọc một cách chân thành, không vì một mục đích nào khác hơn là đem lại sự hài hòa và tình thương yêu cho mọi người ở mọi tầng lớp xã hội.
Chị Bút Trà không muốn tôi giữ mục này cho các báo nào khác ngoài báo Sài Gòn Mới và hai tờ Phụ Nữ Ngày Mai, Phụ Nữ Diễn Đàn.
Nhưng rồi cuộc sống mỗi ngày mỗi khác, tôi có cả một gia đình phải lo nên chị tôi cũng không thể ép buộc tôi phải là cây bút độc quyền của báo chị. Vì vậy mấy năm sau đó, tôi có người bạn cùng hoạt động cho các đoàn thể, cho các hội phụ huynh là anh Huỳnh Thanh Vị đứng ra chủ trương tờ Đồng Nai mời tôi giữ hai mục, một truyện dài và mục Gỡ Rối Tơ Lòng, thì chị Bút Trà không thể ngăn cản tôi được nữa. Là vì trước đó khi ông và Đinh Văn Khai, chủ nhiệm báo Tiếng Chuông, vào tận nhà mời tôi viết hai mục này và trả tiền rất hậu hỉ thì chị Bút Trà đem việc này ra trình bày trong một cuộc họp các chủ báo và nói rằng ông Đinh Văn Khai đã mua chuộc cây bút chủ yếu của báo Sài Gòn Mới với mục đích lấy độc giả của báo Sài Gòn Mới. Ông Đinh Văn Khai làm như vậy là bất chính, là cạnh tranh không hợp pháp, nhờ Hội các chủ nhiệm giải quyết giùm. Việc này các chủ báo có bày tỏ ý kiến là bà Bút Trà đâu phải mua đứa cây bút nữ này và theo lời họ thì họ biết bà Bút Trà trả tiền nhuận bút cho ký giả rẻ hơn các báo khác… Ông Đinh Văn Khai vì việc này không muốn mang tiếng là kẻ tranh giành bất chánh một ký giả liền cho tôi nghỉ và phải trả bồi thường ba tháng lương y như là tôi đã viết hết truyện dài trên báo ông để cho êm chuyện. Và nhờ vậy mà các ký giả hợp tác với Sài Gòn Mới được hưởng nhuận bút theo các chủ báo ấn định (truyện dài mỗi tháng là 6000đ – truyện ngắn 1000đ hay 2000đ tùy đăng một kỳ hay hai kỳ). Nhưng rồi cũng từ đó một ký giả có thể viết cho hai, ba tờ báo.
Nhờ chuyện này mà khi Huỳnh Thanh Vị ra tờ Đồng Nai, anh đến ngay tòa soạn Sài Gòn Mới tìm tôi và thương lượng nhờ tôi viết cho anh hai mục như trên báo Sài Gòn Mới. Anh cũng đem chuyện này nói với chị Bút Trà. Tôi và chị đành phải đồng ý. Trong sự đồng ý này còn có một nguyên nhân khác. Huỳnh Thanh Vị hoạt động nhiều về chính trị, quen biết nhiều nhân vật có uy tín trong chánh phủ đương thời, nên bà Bút Trà nể nang không dám động đến. Tôi đề nghị Huỳnh Thanh Vị đổi tên mục Gỡ Rối Tơ Lòng ra là Tâm Tình Cởi Mở để khỏi làm bà Bút Trà lo nghĩ nhiều.
Mục Tâm Tình Cởi Mở mở ra ở báo Đồng Nai cũng được độc giả chiếu cố ngay và cũng nhờ hai tiểu thuyết đăng song song, một là Cô gái Đồ Long của nhà văn Kim Dung do dịch giả Lưu Quốc Nghĩ dịch, và hai là truyện dài Giòng Đời của tôi. Nhưng tờ Đồng Nai như trên tôi đã nói là một tờ báo có mục đích chính trị, chống đối chế độ Ngô Đình Diệm, nên báo không thọ được quá hai, ba tuần. Sau khi báo Đồng Nai tạm đóng cửa chờ sự vận động bên trong thì Trịnh Viết Thành, một ký giả và cũng là láng giềng cùng cư xá với tôi lúc ấy (cư xá Chu Mạnh Trinh), đưa Quốc Phong là chủ nhiệm báo Tiếng Vang đến thăm tôi và yêu cầu hợp tác với Tiếng Vang bằng cách đem hai mục của tôi ở báo Đồng Nai qua Tiếng Vang.
Theo một bài người bạn trong làng báo cho tôi biết thì tờ Tiếng Vang đang sống dở chết dở, và họ đang đi tìm các cây bút có tên tuổi và được độc giả trong Nam ưa chuộng để dựng tờ báo dậy. Lúc ấy các báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền, Ngôn Luận của Hồ Anh, Tiếng Vang của Quốc Phong, là những tờ báo hằng ngày mà số độc giả quá ít, không quá 5.000 số mỗi ngày, vì độc giả không quen với lối văn Bắc. Khi được Huỳnh Thanh Vị cho biết là tờ Đồng Nai gặp rắc rối về mặt chính quyền không biết có được tái bản không thì tôi liền nhận lời viết cho Tiếng Vang, với điều kiện sẽ viết một truyện dài khác, chớ không tái đăng và viết tiếp Giòng Đời. Làm như vậy tôi muốn chơi xem tờ Đồng Nai có thể tái bản được nữa không và cũng để bạn đọc thấy tôi không phải chỉ biết có tiền…
Tiểu thuyết đầu tôi viết cho Tiếng Vang là Đường Tơ Đứt Nối và viết bằng một lối trau chuốt theo kiểu các nhà văn ngoài Bắc, cố ý để cho họ thấy rằng khi muốn viết thật văn chương tôi cũng có thể viết được.
Sau khi Đường Tơ Dứt Nối chấm dứt sau ba bốn tháng trên báo Tiếng Vang và thấy tờ Đồng Nai không còn cơ may nào tái bản, tôi liền đem Giòng Đời qua Tiếng Vang và lúc bấy giờ, theo lời Trịnh Viết Thành, báo Tiếng Vang đã đứng vững rồi, không còn sợ gì nữa, đã có một số độc giả đủ cho mặt tài chánh của báo.
Tôi đã giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng và mục Tâm Tình Cởi Mở cho hai báo Sài Gòn Mới và Tiếng Vang cho đến năm 1972. Lúc bấy giờ chánh phủ của Nguyễn Văn Thiệu ra sắc lệnh các báo hằng ngày phải đóng 20 triệu thì mới tiếp tục được xuất bản. Một số báo của tư nhân như báo Sài Gòn Mới và Tiếng Vang đều không đóng tiền và đành chịu bỏ nghề báo sang qua làm các công việc khác. Các báo có sự ủng hộ của một cơ quan chánh phủ thì vẫn tiếp tục ra báo.
2.
Trước khi nói đến chuyện vui buồn, điều đáng nói trước là nhờ giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng mà tôi phải tự tìm hiểu và học hỏi thêm được nhiều thứ mà khi ở dưới mái trường tôi chưa học đến.
Bạn đọc gửi thư không chỉ hỏi chuyện tâm tình mà dần dần trên mục này còn có nhiều người hỏi về pháp luật, về thuốc men điều trị, về những chuyện trên thế giới và những trào lưu tân tiến ở xã hội phương Tây. Có cả các em học sinh yêu cầu chỉ về chuyện chọn trường, chuyện kiếm ký túc xá, thôi thì không thiếu thứ gì. Độc giả quả tin cậy ở kiến thức của tôi, tưởng đâu tôi là nhà bác học sao chứ! Vì vậy mà tôi phải đọc nhiều sách, phải đọc thật nhiều.
Tôi đã phải đọc rất nhiều sách về pháp luật, có vấn đề gì nan giải, tôi liên lạc với bà Nguyễn Phước Đại hay bà Huỳnh Ngọc Anh, hai nữ luật sư tên tuổi lúc bấy giờ và cũng ở trong đoàn thể phụ nữ với tôi. Còn về y học thì tôi đã học khoa châm cứu với thượng tọa Thích Tâm Ấn trong khi đến nhờ ông chữa cho bệnh nhức đầu.
Đêm đêm sau khi viết bài xong, tôi đọc sách, đọc báo nước ngoài đến khuya mới ngủ và thật tôi thật không thể ngờ nhờ vậy mà tôi đã có một số vốn kiến thức ở nhiều lãnh vực. Những quyển sách học làm người, những quyển tiểu thuyết trinh thám là những sách mà tôi thích nhất. Tôi không thích tiểu thuyết tình cảm. Có đọc chăng là khi còn học ở trường, vì phải học văn chương Pháp ở mọi thời kỳ.
Vậy mà sau này tôi lại viết những chuyện tình cảm tâm lý là do cái kho tài liệu mà các bạn đọc đã giao phó cho tôi, đã gởi gắm cho tôi và cho tôi thấy các khía cạnh sâu xa của tình cảm con người, lòng nhân hậu, sự độc ác, tánh hung dữ, sự thù hận của con người đối với con người như thế nào. Sau năm 1972, tôi còn có nhiều đề tài để viết, nhưng tôi lại không viết nữa vì tôi không giống như các nhà văn viết để đó chờ có cơ hội mới in. Tôi chỉ muốn viết cho những ai có nhu cầu đọc liền mà thôi. Vì có sẵn quá nhiều đề tài như vậy nên khi ngồi lại viết, tôi viết rất dễ dàng, không cần phải sửa đi sửa lại.
Bây giờ tôi đưa ra đây một vài chuyện mà tại sao tôi phải luôn luôn học hỏi để có thể giải đáp cho bạn đọc thân mến của tôi:
- Trong một bức thư gởi từ Vũng Tàu của một em nữ sinh, em bày tỏ với tôi rằng: Em đi bác sĩ vì tóc em rụng quá nhiều. Bác sĩ chữa trị cho em lại là bạn của anh trai của em, từ một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đổi ra đây làm việc ở ty y tế tỉnh và có phòng mạch riêng.
Vị bác sĩ này đã bắt em đi liên tiếp 12 lần để ông ta điều trị và theo dõi, tiêm thuốc, thay vì cho thuốc về nhà uống hoặc chích. Mỗi lần ông ta điều trị, ông ta thường kéo dài thời gian để nói chuyện với em, hỏi em về đủ thứ chuyện rồi dần dần có những cử chỉ không đúng, như quá thân mật trong khi tiêm thuốc hay khi tiễn đưa ra cửa. Dần dà ông ta lại mời em đi chơi và cố tình kéo dài thời gian chữa trị mà theo em nhận xét không thích đáng.
Em bèn viết thư hỏi tôi vậy là ông ta thành thật hay muốn kéo dài thời gian chữa trị để chọc ghẹo em hay bày tỏ tình cảm với em.
Gặp trường hợp như thế này lẽ dĩ nhiên tôi phải biết thuốc mới trả lời cho em được.
Tôi liền trả lời cho em là tóc rụng đôi khi do thiếu Vitamin C, cần uống Vitamin C hay chích Vitascorbol độ 3-4 mũi. Tiếp đó nếu không hết thì chích Bépanthène hay Biotine khoảng 5-6 mũi là tóc không còn rụng nữa. Tôi khuyên em đừng thức khuya nhiều. Đi ra ngoài trời nên đội nón và phải lựa những thứ dầu gội đầu tốt để gội.
Còn về chuyện ông bác sĩ này muốn kéo dài sự chữa trị là cố ý muốn tán tỉnh em. Như vậy không chính đáng. Nếu ông ta là người đứng đắn thì ông ta có thể đến nhà gặp em vì ông ta là bạn của anh em kia mà. Người ta không lạ gì cách câu khách và kéo dài thời gian điều trị của một số bác sĩ thiếu lương tâm hay muốn làm giàu, chứ cái bệnh rụng tóc ở các thiếu nữ đang lớn thì có khó chữa đâu.
Và việc gì xảy ra sau khi có bài trả lời của tôi trên báo, các bạn biết không?
Em học sinh này sau đó viết thư cảm ơn tôi và cho tôi biết là ông bác sĩ này có đọc bài trả lời của tôi, ông ta liền đến gặp anh của em để xin lỗi về chuyện ông ta đã sai lầm, thật ra ông ta đã có vợ con ở quê nhà.
Một lời giải đáp như vậy cũng có ảnh hưởng tới một bác sĩ tỉnh lẻ và họ cũng nể nang cây bút chuyện giải đáp tâm tình thời bấy giờ. Sau cô nữ sinh này còn viết thư cho tôi biết tên thật của cô và địa chỉ của cô ở Vũng Tàu. Còn mời tôi khi nào ra Vũng Tàu thì cho cô hay, cô sẽ đón tôi về nhà. Nhưng tôi chưa hề biết mặt cô ấy và cũng không hề đến nhà cô ở Vũng Tàu.
- Giữ mục này có nhiều chuyện đã đem lại cho tôi niềm an ủi rất lớn, khích lệ để đủ can đảm và bền bỉ đứng mục cả hai mươi năm mà không hề chán nản. Có lần một giáo viên đã viết thư tâm sự với tôi là đã chọn lầm nghề dạy học. Bấy giờ sau khi thi đậu ra trường sư phạm và được bổ nhiệm ở một trường tiểu học, cô rất chán nản trước bao khó khăn, và nghề dạy học chỉ là một nghề bạc bẽo, tiền lương đã ít mà sự lao tâm nhọc trí lại nhiều và còn hơn thế nữa, trách nhiệm quá nặng nề vì phải uốn nắn những tâm hồn ngây thơ nên người sau này.
Tôi đã viết một bài dài trả lời cho cô giáo này vì tôi cũng là một nhà giáo đã từng dạy học trò từ bậc tiểu học, rồi trung học trong suốt hơn mười năm trời. Đây là một vấn đề rất thời sự, rất nóng hổi, nên tôi cố đem hết tâm huyết ra để mà bênh vực cho nghề dạy trẻ.
Ngày này sau trên 20 năm viết bài này, và không còn tài liệu, bài báo cũ, nhưng tôi vẫn nhớ rõ ràng những gì tôi viết cho cô ấy. Tôi vô đề bằng cách khen cô đã đặt ra vấn đề trách nhiệm, và đã có tinh thần trách nhiệm thì không thể là một giáo viên tầm thường không yêu nghề được.
Tôi bênh vực nghề dạy học, tôi không hề xem nó là một nghề bạc bẽo, tôi chỉ nói những điều mà tôi học được, thu thập được khi đặt chân vào nghề này.
Tôi bảo dạy là học hỏi, dạy là sáng tạo và dạy là nuôi dưỡng những gì tốt đẹp trong ta. Tôi đã kể những kỷ niệm buồn vui khi tôi mới đặt chân vào lớp học lần đầu tiên, và những gì các học sinh gặt hái được sau một năm học với tôi và những tình cảm gắn bó giữa tôi và học sinh…
Tôi thật không ngờ lời giải đáp ấy của tôi lại được vị hiệu trưởng trường Sư Phạm ở Sài Gòn hồi đó lấy làm tài liệu để dạy học trò. Thật là một an ủi lớn cho tôi và các bạn cũng hiểu rằng độc giả của tôi không phải là những người bình dân ít học như một số người đã nói và phê bình, mà trong giới trí thức cũng có nhiều người là độc giả trung thành của tôi.
Có lần trường này ngỏ ý muốn cho tôi nói chuyện với học sinh – giáo sinh trong trường nhưng rồi tôi quá bận rộn với nhiều công việc và không thu xếp được thời giờ, thật là một điều đáng tiếc và cũng là sự thất lễ của tôi không đáp ứng được lòng mến mộ của thầy cô giáo trong trường.
- Một chuyện vui khác mà tôi sắp kể ra đây để các bạn thấy rằng những lời giải đáp của tôi ở mục Gỡ Rối Tơ Lòng cũng đem lại hạnh phúc cho những cặp vợ chồng sắp tan vỡ.
Một hôm mở chồng thư bạn đọc, tôi đọc thấy tâm sự của một giáo viên hỏi về chuyện yêu thương của mình.
Cô ta viết rằng cô đã có chồng và có hai con. Cô đang sống hạnh phúc vì cuộc hôn nhân của cô là một cuộc hôn nhân do luyến ái, thương nhau, hiểu nhau rồi mới xin cha mẹ đứng ra gầy dựng.
Bỗng nhiên ở trường cô có một giáo viên nam mới đổi đến và người này đã gây ngay tiếng sét ái tình cho cô vì đã đẹp lại thông minh, hoạt bát, biết làm vui lòng người đẹp bằng những cử chỉ lịch sự. Rồi cô và người ấy đã yêu nhau, ban đầu âm thầm , dè dặt, sau công khai bất chấp dư luận. Thế là cô có ý muốn ly dị với chồng để rồi sẽ kết hôn với ông giáo này. Cô hỏi ý kiến của tôi.
Các bạn có biết tôi trả lời ra sao không?
Tôi vô đề, viết ngay rằng:
“Tôi đã đọc kỹ thư em, đọc đi đọc lại để tìm hiểu tâm trạng của em và cũng để đo thử sự si mê của em đến mức độ nào rồi. Tôi có còn thuốc chữa trị cho em không? Tôi có còn đủ lời lẽ để khuyên lơn em không?
Trước khi trả lời, tôi muốn nói cho em biết, nếu em là em ruột của tôi, thì tôi sẽ bảo em nằm xuống cho tôi đánh 10 roi trước đã.
Em bảo cuộc hôn nhân của em do tình yêu mà có, lại đã có hai con và đang sống trong hạnh phúc. Vậy mà bây giờ vì gặp một giáo viên lịch sự, đẹp trai, thông minh, em đem lòng yêu thương và muốn ly dị với chồnbg để kết hôn với anh ta. Như vậy có hợp lý hợp tình không?
Không kể chồng em ra, hai con em, chúng nó có tội tình gì mà bỗng dưng lại phải sống xa cha mẹ?
Và người đàn ông sau này có thể chấp nhận cho em đem hai con về nuôi không? Rồi cảnh cha ghẻ và con riêng cua vợ, em có biết sẽ không bao giờ suôn sẻ không?
Cho rằng chồng em bằng lòng cho em ly dị và anh ấy giữ hai con thì rồi một ngày nào đó chồng em có vợ và em có biết cảnh mẹ ghẻ con chồng có bao giờ êm đẹp như tình mẹ ruột hay không? Đó là tôi nói với trường hợp chồng em nhận lời và cũng đang bốc đồng bị một tiếng sét ái tình như em!
Còn nếu chồng em còn yêu em thì sao? Thì là một sự sụp đổ tai hại em không thể lường trước được đâu và em sẽ là người gây ra bao nhiêu đau khổ và thất vọng cho nhiều người.
Em đã biết gì về người bạn trai mới chưa? Và chồng em có đã hay biết gì về ý định của em không?
Tôi thấy rõ ràng đây là một chuyện yêu thương lạt nẻo. Rồi đây em sẽ ăn năn suốt đời cho chuyện bốc đồng này của em. Em hãy vì các con, vì bổn phận thiêng liêng của người mẹ mà quên đi sự bốc đồng trong giây phút…”.
Tôi đã khuyên cô ấy rất nhiều và rồi tôi không hiểu cô ta có chịu nghe lời tôi không? Và rồi với bao nhiêu công việc mỗi ngày, tôi cũng không có thời gian để theo dõi chuyện này nữa. Tôi đã ra điều lệ cho bạn gửi thư hỏi chuyện tâm tình là không cần viết tên thật, địa chỉ thật. Tôi chỉ cần có cốt truyện để trả lời là đủ.
Thế rồi hai tháng sau tôi nhận được thư của một nam độc giả cho tôi biết ông ta là chồng của người giáo viên đã nhờ tôi gỡ rối tơ lòng về chuyện trên và cảm ơn tôi đã giúp gia đình ông khỏi gãy đổ, các con khỏi xa cha xa mẹ. Ông xin phép tôi được đưa vợ đến thăm tôi.
Tôi rất mừng và đã phá lệ là không tiếp ai ở nhà. Gặp đôi vợ chồng ấy, tôi thấy họ rất xứng đôi và tôi đã khen người chồng hiểu được sự yếu lòng của vợ mà không phiền trách vợ, tha thứ cho vợ. Cô giáo kia vì muốn làm yên lòng chồng đã xin chuyển đến một trường khác sau đó.
Đây là một trong hàng trăm câu chuyện mà nhờ những lời khuyên của tôi, độc giả nam nữ đã tìm thấy sự bình an của gia đình, và tôi cũng thầm cảm ơn Trời Phật đã cho tôi có cơ hội giúp các bạn đọc bằng lời khuyên của mình mà các lời khuyên ấy có hiệu quả. Và tôi cũng rất tự hào là bạn đọc đã tin cậy và thương yêu tôi rất nhiều cho nên họ mới nghe lời khuyên của tôi. Vả điều này đã giúp tôi cần dè dặt trong khi giải quyết những vấn đề lòng.
- Dưới đây là một chuyện khác từ một độc giả ở tận bên Lào đã gởi về cho tôi một bức thư chữ viết vừa xấu vừa sai chính tả, chứng tỏ ông ta là người ít học và đã lớn tuổi.
Theo lời ông tâm sự thì ông đã trên 50 tuổi, quê ở ngoài Bắc, vì tìm kế sinh nhai nên lúc nhỏ phải theo bạn bè trong làng qua tận bên Lào để làm phu khuân vác. Ông gặp một cô gái cùng cảnh ngộ trên đất khách quê người và cùng nhau lập gia đình. Theo ông kể, hồi đó ông làm công lãnh độ 5 xu một ngày, khi hái trà, khi làm phu khuân vác. Còn vợ ông cũng vậy, suốt ngày vất vả ở đồn điền. Suốt bao nhiêu năm nhọc nhằn, hai vợ chồng đã tạo dựng được một gia đình êm ấm, có chín đứa con và không còn làm phu, làm thợ nữa mà quay qua buôn bán xuôi ngược trên đường Vientianne – Hà Nội. Rồi họ làm giàu, gầy dựng con cái nên bề gia thất. Các con đầu được đi học tử tế. Đột nhiên bà vợ bây giờ đã giàu có, có nhiều bạn bè sang trọng đâm ra chê ông ta dốt nát và đòi có nhà lầu, xe hơi, có kẻ ăn người ở như các người giàu có.
Ông thì vẫn giữ nếp sống bình thường., không bao giờ quên những ngày trẻ trung phải kiếm sống bằng 5 xu tiền công mỗi ngày và dạy con cái phải tiết kiệm, lo học hành để có cuộc sống nhàn hạ hơn ông lúc thiếu thời.
Bà vợ lại không chịu như vậy, cứ đua đòi theo bạn bè, chưng diện, bài bạc và lâu lâu về Sài Gòn học thêm cách chưng diện ăn chơi. Nói ông không nghe, bà liền đòi ly dị. Bà vào Sài Gòn mua một căn phố lầu, đưa các con về đó ở ăn học và cũng là nơi bà đi về nói là làm ăn, sự thật để sống một cuộc sống giàu sang, sung sướng hơn.
Ông đem chuyện kể hết trong một lá thư dài hai trang giấy lớn, viết không mạch lạc mà thỉnh thoảng lại than thở nỗi nọ niềm kia và nhờ tôi làm sao khuyên giùm vợ ông.
Những chuyện như thế này rất thường xảy ra ở các gia đình từ cảnh nghèo nàn trở nên giàu có và rồi chồng hay vợ lại cảm thầy chồng mình dốt nát, hay vợ mình xấu xí, đâm ta chán nản và quên cả nghĩa tào khang. Tôi cũng đã suy nghĩ cả mấy ngày để trả lời bà này, trả lời thế nào để bà ta khi đọc tự phân tích, vì tôi chỉ trả lời cho người hỏi, không thể khuyên người không hỏi tôi.
Vậy mà tôi đã thành công khi sau đó một tháng, ông lại viết cho tôi một bức thư cảm ơn tôi đã trả lời giải đáp cho ông mà khi vợ ông đọc lại cảm động và thấy mình có lỗi. Là vì tôi không hề chê trácg bà mà tôi chỉ khuyên ông thay đổi cuộc sống, có tiền thì cũng có quyền tạo cho mình một cuộc sống khá giả hơn, miễn là đừng tiêu xài hoang phí. Huống chi cả hai vợ chồng đang còn ở cái tuổi làm lụng được, bây giờ đã là thương gia thì có thể buôn bán kiếm tiền nhiều hơn, cũng phải cho con cái có những ngày đầy đủ ấm no, và cho vợ con được như những người đàn bà có tiền, có những lúc đi giải trí, có những kỳ nghỉ mát, chồng vợ, con cái bên nhau. Tôi viết: “Với một người đàn bà đã ngoài 50 tuổi, có cả chín đứa con, có dâu có rể lại đang sống trong cảnh giàu có thì ai điên gì mà muốn ly dị phải không? Lỗi là lỗi ở ông thôi. Có người mẹ nào đã nuôi chín con nên người, bây giờ đứa đã có chồng, đứa đã có vợ, lại chịu bỏ đi lấy chồng khác? Mà lấy ai bây giờ? Nhìn lại tóc mình đã bạc, da đã nhăn, dù mỹ viện có tài gì thì cũng chỉ tạo được cái bề ngoài, chớ còn bên trong cơ thể, già vẫn già. Lấy người trẻ chăng? Ai mà ưng, họ có ưng thì cũng vì đồng tiền chớ đâu có tình nghĩa gì? Lấy người trên 60 tuổi chăng? Để về lo cho họ phải không? Mà cái thời kỳ lo cho chồng, vợ ông đã trang trải gần suốt cuộc đời rồi, nay liệu bà có thể làm lại với một người đàn ông khác, người đàn ông đã già có nhiều đòi hỏi, nhiều bệnh tật? Tôi không nghĩ vợ ông lại kém suy xét như vậy. Hay là bà chỉ muốn hăm dọa ông, để ông chịu thay đổi cuộc sống cho bà dễ thở một chút, vì khi đã có tiền, ai mà không muốn co một nơi ăn chốn ở ra hồn, để đền bù những ngày còn trẻ đã vất vả nhiều…”
Rồi sau đó độ hai, ba tháng gì đó, mỗi lần tôi ở dưới lầu bước lên tòa soạn (tòa soạn báo Sài Gòn Mới ở lầu 1 của một dãy phố dài trên đường Phạm Ngũ Lão) thì có một người đàn ông đứng tuổi, ngồi chờ ở cái ghế bên ngoài, và cứ thầm thì nói chuyện với chú gác dan. Như vậy cả hai ba ngày, tôi thấy có chuyện lạ hỏi thì chú nói: - Đó là một độc giả từ bên Lào qua muốn xin gặp bà mà tôi không cho nên ông ta cứ đến hoài.
Nghe vậy tôi cho mời ông ta vào thì ra ông ta chính là người độc giả đã viết thư kể chuyện tâm tình như trên. Lại một lần nữa tôi phải phá lệ là tiếp một độc giả vì ông ta ở Lào qua. Ông ta cảm ơn và trao cho tôi một thùng quà nói là của vợ ông gởi biếu tôi và cảm ơn tôi đã can thiệp kịp và giúp bà tìm thấy hạnh phúc gia đình. Trong thùng quà ấy có sáu cái ly thật đẹp và một xấp gấm. Tôi từ chối mãi không được nên phải nhận và những cái ly ấy đến bây giờ tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Hôm ấy ông nhờ tôi viết giùm ông một bài nhỏ có tính chất gia phả kể lại cuộc đời vợ chồng ông và ông sẽ in lên một tấm giấy gấm để đóng khuôn và treo lên giữa nhà để các con ông thấy rằng cha mẹ đã vất vả như thế nào mới có được ngày nay. Và hôm ông ăn tân gia, ông bà có đến mời tôi dự nhưng tôi lại bận một chuyến công tác ở xa không đến dự được. Tôi rất tiếc không đến để thấy cảnh đoàn tụ của ông ta.
- Khi giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng, tôi còn gặp một chuyện thật hi hữu, nhớ đời và cũng là một sự khích lệ lớn lao cho tôi.
Nguyên là, một hôm vào khoảng năm 1958, nghĩa là sau khi tôi giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng được năm năm, trong chồng thư độc giả tôi có nhận được một lá thư của một độc giả ở Nha Trang gởi vào nhờ tôi giải đáp một vấn đề nan giải mà theo bà vì là người trong cuộc nên không được sáng suốt.
Nguyên bà có một người con trai duy nhất mà bà đã đánh đổi bằng một cuộc tình muộn màng thì nay con bà đã chết, để lại cho bà một cô dâu và ba đứa cháu còn thơ dại. Mấy lâu nay con và dâu của bà sống chung với và trong một ngôi nhà rộng và bà rất yêu thương mấy đứa cháu vì đây là tất cả những gì mà bà có trong cuộc đời bà. Con trai bà vừa chết được đâu một năm thì cô dâu đã đòi đưa các con về ở với mẹ cô. Mấy đứa cháu dù bà thương yêu nhưng không đứa nào chịu ở với bà, nhất định theo mẹ. Bà cũng biết con dâu của bà còn trẻ lại đẹp và là một phụ nữ có nghề nghiệp nên khi ra ngoài xã hội vẫn có nhiều người đàn ông đeo đuổi. Bà không muốn đã mất con và bây giờ còn phải mất cả dâu, cháu. Bà sẽ sống ra sao? Bà đã viết thư tâm sự với tôi và hỏi ý kiến tôi.
Vì đây là một câu chuyện thường xảy ra trong các gia đình Việt Nam và là một câu chuyện trong lãnh vực phụ nữ và tình cảm con người, tôi liền nêu lên trước, như một vấn đề ưu tiên hàng đầu và tôi đã giải quyết như sau:
Bà phải thông cảm cho cảnh con dâu góa bụa nhưng còn quá trẻ. Lúc sống với chồng thì chồng luôn xa nhà vì bận công tác, nên luôn cảm thấy cô đơn và trong thâm tâm nay chắc cũng muốn bước thêm bước nữa. Nhưng vì còn ái ngại cảnh mẹ chồng và tình bà cháu tha thiết nên chưa dám bày tỏ nỗi lòng. Vì vậy nên mượn cớ mẹ mình cũng già, cũng cô đơn nên xin về ở với mẹ. Bà nên dò xét thử cô con dâu đã quen với ai, hay là cứ nêu thẳng vấn đề là bà không muốn cho con dâu phải thủ tiết thờ chồng vì còn quá trẻ. Bà cứ đề nghị bà sẽ xem cô ta như là con gái của bà và bà sẵn sàng đứng ra gả chồng cho cô. Rồi bà cứ nêu thử một vài đám nào đó hỏi ý kiến cô và nếu quả thật cô đã có người yêu thì cô sẽ tỏ thật với bà. Bà cứ tuyên bố và sẽ sẵn sàng đứng ra tác thành nhưng nhất định bắt rể vì nhà rộng, và như vậy bà sẽ không xa mấy đứa cháu. Chúng nó có bố dượng thì tất nhiên càng thương yêu bà. Bà lại hay đi vắng nhà để về quê ở Nghệ An, hoặc đi Huế thăm quê chồng. Và con dâu bà và chồng cô có thể tự do trong ngôi nhà của bà. Bà sẽ không mất dâu, mất cháu mà còn có thêm một người rể, một người đàn ông mà rất cần cho một gia đình như gia đình của bà.
Tôi trả lời như thế và độ một tuần sau, chị Bút Trà đã gọi điện thoại từ tòa soạn báo Sài Gòn Mới hỏi ý kiến tôi vì có một độc giả đã già, từ Nha Trang vào muốn gặp tôi. Tôi đã tuyên bố là không tiếp độc giả hỏi về chuyện tâm tình mà chỉ trả lời trên báo theo thư từ gửi về. Nếu phải tiếp độc giả thì tôi còn đâu thì giờ để làm việc vì mỗi ngày tôi chỉ ở tòa báo có một buổi để coi lại bài vở đã sắp chữ để cho lên khuôn và viết những tin tức thời sự hay bài xã luận nếu nhà báo không có người túc trực. Nửa ngày khác thì tôi lại bận ở các trường tư thục. Chị tôi cũng hiểu như thế nên chị tôi nói đây là một trường hợp đặc biệt, thím phá lệ một lần đi vì bà cụ đã già mà từ Nha Trang vào, thím nên nể tình bà ta. Thế là tôi phải nể lời chị tôi nhận lời. Độ một giờ sau tống thư văn của nhà báo đã đưa bà độc giả từ Nha Trang vào đến nhà tôi. Bà ngồi chờ tôi ở phòng khách và tôi mặc áo dài để ra tiếp bà. Vừa ra đến phòng khách tôi không khỏi ngạc nhiên vì bà rất giống một người mà tôi đã quen thân từ trên hai chục năm qua. Bà đứng dậy và tự xưng mình là người gởi thư về mục tâm tình hỏi về trường hợp cô dâu. Trong một cử chỉ của bà khi đưa tay sửa kính cận, tôi bỗng la lên mừng rỡ: “Thưa cô, cô là cô Trần Phạm Thị Loan phải không, em là Bạch Vân, học trò cũ của cô khi học ở Đà Nẵng đây mà!”. Bà vui mừng khôn xiết vì đã có những năm tôi học với bà và thời gian ấy suốt cả cuộc đời tôi, tôi không bao giờ quên. Thế là chúng tôi đã nói chuyện cả buổi sáng. Bà cho tôi biết bà đã là độc giả của tôi ngay những bài đầu tiên tôi viết trên báo Sài Gòn Mới và Phụ Nữ Diễn Đàn. Bà cũng kể cho tôi biết bài giải đáp của tôi rất hợp lý và cũng đã lọt vào mắt cô con dâu vì cô ta cũng là độc giả của tôi.
Khi bà đem chuyện này bàn với cô dâu thì cô đã khóc và thú thật là cô đã quen với một người đàn ông khác và người này góa vợ, không có con, là giáo viên dạy ở trường trung học, không còn cha mẹ, sống với một người cô từ lúc nhỏ. Thế là và đòi gặp người giáo viên kia và thấy ông này cũng là người đứng đắn, bà liền ngỏ ý tác thành như lời tôi đã đề nghị với bà. Mọi việc xong xuôi và mới vào gặp tôi, định cảm ơn tôi và cũng luôn thể biết mặt tôi.
Tôi thật vô cùng cảm động trong trường hợp này. Nào ngờ những lời khuyên của tôi lại nhắm vào một cô giáo đã từng dạy tôi học hai năm lớp nhì ở trường Nữ tiểu học Đà Nẵng.
Còn bà cũng rất vui mừng khi thấy đứa học trò ngày nào bây giờ đã có một địa vị trong làng văn trận bút. Bà thường đòi hỏi quyền bình đẳng cho phụ nữ, bà là một người yêu nước, từng tham gia phong trào của các cụ Phan Châu Trinh, Phan Sào Nam, đã từng bị bọn Pháp tra tấn giam cầm, nay gặp tôi với ngòi bút đã nêu lên quyền lợi của phụ nữ, giúp chị em ở mọi giới và nhất là giới bình dân vươn lên một cuộc sống có văn hóa, hiểu biết bổn phận ở gia đình và ngoài xã hội, bà bảo bà rất hãnh diện.
Trước khi trở về Nha Trang, bà có đến thăm tôi một lần nữa tại tòa soạn báo Sài Gòn Mới và tặng tôi bài thơ sau đây:
Trót chục năm thừa lại gặp đây,
Tùng Long ấy cũng Bạch Vân này.
Đề cao bạn gái hằng lên tiếng,
“Gỡ Rối Tơ Lòng” lại khéo tay.
Tiểu thuyết dồi dào xem chẳng ngán,
Văn chương thâm thúy đọc càng say,
Giang sơn bút ngọc thường tô điểm.
Phụ nữ danh thơm hưởng phước lây.
Trần Phạm Thị Loan (1965)
- Trong khi giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng, tôi còn một chuyện thật buồn cười mà cũng rất cảm động xin kể tiếp ra đây. Sở dĩ tôi kể vì câu chuyện này lòng tôi lúc nào cũng áy náy và cũng không khỏi lấy làm lạ vì chuyện xảy ra hơi đặc biệt.
Vào năm 1960-62, thời kỳ mà tên tôi đã vang lên trong làng báo, không phải như một nhà văn của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, hay của hội nhà văn này nhà văn nọ, hay có chân trong Hội Văn bút Quốc Tế v.v… và v.v… mà tôi được độc giả thương yêu, tên tôi ai cũng biết qua các báo chạy nhất thời bấy giờ. Tiểu thuyết và mục Gỡ Rối Tơ Lòng của tôi, độc giả ngoài chợ, trong hang cùng ngõ hẻm, trong các làng mạc xa xôi của miền quê đều đọc. Vào lúc ấy, tôi nhận được một bức thư dài cả 50 trang giấy viết tay, thứ giấy học trò và viết cả hai mặt bằng một nét chữ rất đẹp và rất già dặn. Nét chữ đàn ông có học thức và đã lớn tuổi, có thể tới 40-50. Người ấy viết rất cầu kỳ và có thể nói lối văn của người rối loạn tâm thần vì học nhiều, học rộng hay vì hoàn cảnh xã hội không làm được ý nguyện của mình mà mất trí.
Các bạn thử nghĩ một bức thư dày cộm có thể nói là trên 50 trang giấy viết kín không một khoảng trống mà tôi phải đọc lại cả 5-6 lần vẫn chưa hiểu hết ý tứ, tâm tình nguyện vọng của người độc giả đặc biệt này.
Vào đề ông ta hết lời thán phục tôi đã giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng một cách vô tư và hữu ích cho nhiều bạn đọc trong ấy có ông ta. Ông ta viết là đã theo dõi mục này từ năm 1953 khi tôi bắt đầu viết ở Sài Gòn Mới, nhưng đến hôm nay ông mới dám viết cho tôi bức thư tâm sự kể về cuộc đời ông. Nhưng qua những trang kể lể ấy, thú thật tôi không làm sao hiểu được nhiều đoạn ông muốn nói gì. Ông không nói về chuyện gia đình vợ con, ông không than phiền về những trắc trở hay thất bại mà ông đã gặp trên đường đời. Ông chỉ kể xã hội lúc bấy giờ và điều ông ước mong một ngày tười sáng hơn, tôi cũng không dám tin tôi nghĩ như thế là đúng. Vì qua những chuyện ông kể xa gần, dường như có một nỗi uẩn khuất gì đó, một mối tình không đem lại hạnh phúc cho ai tôi cũng không hiểu nỗi. Nhưng có đoạn chót ông viết rằng:
Người ông tin cậy nhất trên đời này là tôi, người ông kính nể nhất trên đời này là tôi, nhưng ông biết ông không bao giờ dám xin gặp tôi vì ông biết đến độc giả phái nữ tôi còn không chịu tiếp, chỉ trả lời qua thư từ thì ông làm sao dám xin một đặc ân như vậy. Huống chi chuyện của ông khó nói lắm.
Ông chỉ xin tôi một điều: Khi nào ông hấp hối, tôi hãy vui lòng đến an ủi ông một lời, cầu nguyện cho ông một câu để ông vui lòng yên nghỉ. Rồi ông cho tôi địa chỉ một số nhà nào đó ở đường Vĩnh Viễn. Nhưng ông không cho tôi tên họ, tuổi tác hay hoàn cảnh, nghề nghiệp thật sự của ông.
Thú thật với các bạn, khi đọc cái đoạn chót này, tôi vô cùng kinh ngạc và vô cùng bối rối. Hay đây là một người mắc bệnh tâm thần chăng? Cũng có thể lắm vì nhiều đoạn trong thư tôi không làm sao hiểu được.
Tôi lại đọc kỹ thư của ông không biết bao nhiêu lần nữa và tôi có nhắn tin trên mục Gỡ Rối Tơ Lòng (tôi không ghi số nhà chỉ để ở đường Vĩnh Viễn). Từ ấy tôi không nhận được thư từ gì của ông gởi về mục này. Tôi cũng không hề đi thử con đường Vĩnh Viễn hay cho người dò hỏi chủ nhà này là ai. Tôi đã nói giữ mục này nhận thư thì trả lời, không cần biết tên thật của họ, bất đắc dĩ lắm mới cho gặp nếu bạn đọc ấy thật sự nhờ tôi giúp tìm một việc làm hay giới thiệu đến một luật sư, bác sĩ mà tôi quen.
Các bạn chắc cũng đã nghĩ như tôi, độc giả nào mà lại đòi hỏi một chuyện quá kỳ lạ, tôi đâu phải là một mục sư Tin lành, một cha đạo Thiên chúa giáo hay một tu sĩ Phật giáo để được mời đến đọc kinh, rửa tội cho tín đồ trong giờ lâm chung.
Khổ nỗi sự đòi hỏi này lại do một bức thư tâm tình khó hiểu, nhờ cậy một chuyện mà không biết sẽ xảy ra như thế nào, vào lúc nào. Lại nữa tôi là một người đàn bà đã có chồng con, làm sao bỗng dưng tôi lại có mặt lúc người ấy lâm chung để làm gì?
Tôi đã suy nghĩ mãi về lời yêu cầu này và tôi cũng có phần tự trách mình tại sao bỏ qua việc này không tìm hỏi nguyên nhân, tại sao không giúp được một người đau khổ như từ trước tôi đã giúp được với mục Gỡ Rối Tơ Lòng này, trong khả năng của tôi.
Ở đời thường có những chuyện như thế đó, mình có thể giúp cả trăm người rồi lại có người mình không thể giúp được. Nhưng lương tâm tôi vẫn không yên chút nào mỗi khi nghĩ đến bức thư kỳ lạ của một độc giả ghi là ở đường Vĩnh Viễn Sài Gòn mà khi đọc tôi cảm thấy người ấy không bình thường, muốn nói một điều gì mà không thể bày tỏ được, giữa cuộc đời đảo điên, điên đảo lúc ấy chăng?
- Giữ mục này tôi còn giới thiệu cho nhiều độc giả cả nam lẫn nữ có được việc làm nhờ tôi có nhiều bạn bè quen biết. Tôi cũng xin cho nhiều em học sinh nghèo được vào học trường công, vì tôi làm ở Hội phụ huynh học sinh. Tôi còn đưa nhiều người đến xin khám bác sĩ miễn phí, hay xin vào các bệnh viện để được giải phẫu nếu có. Ai nhờ tôi một việc gì mà tôi có thể giúp là tôi không hề từ nan. Tôi dám đến xin yết kiến một ông tỉnh trưởng mà khi được tiếp và được mời ngồi rồi tôi liền nói:
- Thưa ông tỉnh trưởng, tôi đến đây hôm nay không phải để xin xỏ một việc riêng tư cho tôi hay cho bà con tôi, mà xin cho ông tỉnh trưởng giúp cho một em học sinh nghèo…
Nguyên do như thế này. Lúc ấy tôi đang viết cho báo Văn nghệ Tiền phong của Hồ Anh. Mỗi ngày tống thư văn của nhà báo đem báo biếu đến tận nhà và lấy bài tôi viết đem về tòa soạn. Chú này rất thân với các con tôi.
Một hôm chú đến gặp tôi, có vẻ lúng túng. Tôi hỏi có việc gì thì chú nói muốn nhờ tôi một việc. Thật ra chú không dám, nhưng các ông nhà báo nói chú phải đến nhờ bà Tùng Long. Tôi hỏi việc gì thì chú liền nói:
- Tôi chỉ có mỗi một đứa con gái. Nó thi vào lớp đệ thất trường nữ trung học Lê Văn Duyệt, nhưng tôi chỉ sợ nó rớt, vậy xin bà giúp cho tôi một tiếng để các bà giáo chấm nới tay cho cháu nhờ. Cháu cũng không đến nỗi tệ, cháu học giỏi ở trường tiểu học. Đã vậy tôi làm sao từ chối được, nên tôi phải nhận lời:
- Được, để tôi xem thử có cơ hội không đã. Chú cứ yên lòng đi, tôi đã hứa thì tôi giúp.
Nguyên lúc ấy bà hiệu trưởng trường nữ Lê Văn Duyệt với tôi không thân nhau, còn chống đối tôi là khác, vì tôi ở trong ban phụ huynh thấy bà làm nhiều chuyện bất công, không chính đáng, tôi có phê bình và yêu cầu sửa đổi. Bà nể tôi là nhà báo nên phải sữa đổi cách làm việc. Do đó mà nay nếu tôi xin xỏ cho một đứa học trò, lại không phải là con cháu tôi, tôi sợ không có kết quả. Vì vậy tôi tìm đến ông tỉnh trưởng và đã mở đầu câu chuyện như thế.
Ông tỉnh trưởng hỏi:
- Bà có bao giờ nhờ gì chúng tôi đâu, bây giờ bà đã đến thì việc gì giúp được bà tôi không ngần ngại đâu.
Thế là tôi đem câu chuyện chú tống thư văn của báo Văn nghệ Tiền phong ra nói. Tôi nhờ ông tỉnh trưởng gọi điện thoại cho bà hiệu trưởng để rồi hỏi tên con bé cùng số báo danh. Chỉ cần hỏi là bà hiệu trưởng hiểu ngay. Nhưng trong việc này thật ra cũng không cần lắm chỉ vì chú tống thư văn quá thương con mà lo cho nó thôi. Con bé đủ điểm đậu. Và tôi cũng đã nói cho chú tống thư văn biết tôi đã đi hỏi giùm và con chú đã đậu. Chú đem quà cho tôi, tôi không nhận.
Tôi chỉ nêu ra đây vài ba chuyện để các bạn thấy rằng hồi đó giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng tôi đã giải đáp cho biết bao là chuyện. Lần lần đi đến đâu, ở các đám đông, một người nào quen biết thấy tôi là y như kéo cả đám đông chạy lại để xem mặt tôi. Có lần tôi được mời đi dự một chuyến công du về miền Đông với các bà trong Ban chấp hành Hội Phụ Nữ Liên Đới của bà Ngô Đình Nhu. Các bà ấy toàn là những mệnh phụ phu nhân, ăn mặc rất sang trọng, hột xoàn đeo sáng chói. Còn tôi thì vẫn bộ đồ trắng bằng hàng nội hóa. Họ đi trực thăng đến, tôi đi xe hơi lên và cùng gặp nhau ở ngoài cổng dinh Tỉnh trưởng Biên Hòa. Lúc bấy giờ ở bên ngoài, một số hội viên của Hội Phụ Nữ, một số thân hào nhân sĩ đã chầu chực đón tiếp bà Ngô Đình Nhu từ lâu. Họ muốn thấy tận mắt con người của bà bằng xương bằng thịt mà tên tuổi lúc bấy giờ được nhiều người nói đến với không bao nhiêu thiện cảm.
Lúc bấy giờ, trong đám này có một giáo sư cùng dạy với tôi ở một trường tư thục nhận ra tôi và kêu lên: “Bà Tùng Long kìa!”. Thế là họ ào ra chào tôi, khiến bà Ngô Đình Nhu phải xoay lại nhìn tôi và cười. Thì ra hôm ấy họ đến đây ngoài mục đích đi đón bà Ngô Đình Nhu, còn có một mục đích thứ hai là tìm thấy bà Tùng Long mà bấy lâu họ đã là độc giả.
Sau đó một ông bạn của tôi đã nói với tôi: “Chị sung sướng thật đấy! Người ta ái mộ chị còn hơn bà Ngô Đình Nhu. Phải rồi. Tôi đâu có làm chính trị. Người làm chính trị thường bị ghét!
Cái lần được đi mười tỉnh miền Đông với phái đoàn phụ nữ ấy, ngoài bà Ngô Đình Nhu ra không một bà nào được người ta tìm xem mặt cả, mà chỉ có một mình tôi. Kể cũng oai thật, nhưng tôi cảm thấy càng được quần chúng độc giả ái mộ bao nhiêu thì mình càng phải cố gắng bấy nhiêu để khỏi phụ lòng của họ. Và suốt 20 năm làm báo, tôi không hề nghĩ đến lợi ích riêng tư của tôi mà chỉ nghĩ làm sao nêu lên được tinh thần yêu nước, yêu gia đình, duy trì thuần phong mỹ tục và hô hào phụ nữ chức nghiệp, phụ nữ bảo vệ nhân phẩm…
Đời con người, dù ở thời nào, xã hội nào, mà làm được một việc hữu ích, đóng góp một phần nhỏ mọn vào công việc chung thì cũng là chuyện đáng mừng rồi, phải không các bạn? Không kể việc làm báo, tôi còn dạy học, mà việc dạy học của tôi cũng có nhiều kỷ niệm đáng tự hào. Cho đến ngày nay, những học trò cũ của tôi đã đi vào tuổi sáu mươi, đã là bà ngoại, bà nội mà vẫn còn nhớ đến tôi, như vậy không phải là một niềm tự hào cho tôi rồi sao?
Ngay nay ngồi viết lại đoạn giữ mục Gỡ Rối Tơ Lòng theo trí nhớ, tôi thấy lòng mình vui vui. Tánh tôi không hề giữ những gì tôi đã viết. Thời làm báo tôi không hề giữ một kỷ niệm nào, tôi chỉ cắm cúi làm việc với mục đích nuôi con, dạy con, hy vọng các con trở thành người hữu dụng sau này. Và cũng nghĩ rồi có con nối nghiệp mình dạy học hay làm báo. Tôi không hề vạch cho chúng con đường tương lai để chúng chọn một nghề theo ý muốn của tôi. Tôi cứ để chúng tự nhiên chọn nghề mà chúng cho là thích hợp. Nhưng rồi cuộc đời ít khi chiều ai, các nghề con tôi chọn hay con tôi đang làm chưa hẳn là nghề chúng nó thích.
Còn về những bài người ta viết về tôi trên báo hay gởi thư cho tôi, tôi đọc qua một lần là đủ, không hề lưu giữ để làm đề tài in thành sách sau này. Vì vậy cho nên ngày hôm nay có người muốn viết về những bài Tâm Tình Cởi Mở hay Gỡ Rối Tơ Lòng, tôi cũng không có tài liệu. Theo Đức Phật, tất cả đều là không, chỉ có cái tâm mới đáng kể. Tôi là một Phật tử nhưng chưa phải là một người tu hành có công phu, có đủ thì giờ để nghiên cứu, nhưng tôi lại không thích bo bo giữ những cái gì thuộc về cái tôi, mất thì tiếc rẻ được thì ích kỷ.
Tôi sở dĩ viết những trang kỷ niệm này không phải để đề cao cái tôi mà là để có cơ hội tiếp tục viết cho qua những ngày tuổi cao sức yếu không biết làm gì để giải trí, không biết dùng thì giờ để làm gì. Mà có lần tôi đọc trong một quyển sách thấy có lời này của đức Phật khi nói về thiền: tập trung tư tưởng để viết, suy gẫm một vấn đề gì cũng là một lối thiền cho con người được sống yên lành bình thản.
Còn một nhà bác học nọ thì nói rằng: “Những người làm việc bằng trí óc, ở tuổi cao cũng không đãng trí có thể sống khỏe mạnh, không bệnh hoạn, lo buồn”.
Đó là nguyên nhân ở tuổi 80 rồi 81, 82, 83, và năm nay ở tuổi 86 tôi vẫn mỗi ngày ngồi viết năm mười trang để có thể thiền – tìm một thú vui trong cuộc sống sắp tàn.
Chưa hẳn có người hay các con tôi có thì giờ đọc đến những gì tôi đã viết ở đây, nhưng tôi cứ viết vì viết là nguồn vui muôn thuở của tôi.
CHƯƠNG 6. KHÔNG MUỐN LÀM CHÁNH TRỊ NHƯNG KHÔNG THỂ THOÁT
Trong làng báo Sài Gòn trước năm 1975 có Huỳnh Thanh Vị, chủ báo Đồng Nai, là một nhà báo có xu hướng đối lập. Khi Huỳnh Thanh Vị mời tôi cộng tác, tôi cũng biết anh ta đang làm chánh trị nhưng không rõ là ở nhóm nào, vì tôi không quan tâm đến chuyện nầy khi tôi chỉ chuyên viết tiểu thuyết tình cảm và giải đáp chuyện tâm tình cho độc giả.
Có lần (sau năm 1963, nghĩa là sau khi Dương Văn Minh đảo chánh Ngô Đình Diệm), Huỳnh Thanh Vị hỏi tôi vậy chớ chị có quen với Dương Văn Minh (DVM) không? Tôi trả lời nói quen hay không quen đều có thể được. Khi DVM còn học ở Chasseloup Laubat thì tôi học ở Gia Long, ngang lớp nhau và cũng có thể cùng tuổi. Chúng tôi cùng ở một đường gần vườn Bờ Rô (nay là Công viên Văn hóa TP.HCM), là đường Lareynière sau đổi tên Đoàn Thị Điểm và bây giờ là Trương Định). DVM là con một gia đình công chức, đông em, và các em gái của DVM đều là bạn học của các em tôi. Minh cũng như tôi, là con lớn trong gia đình. Thì ra Vị là thành viên trong nhóm ba phe (chính quyền miền Nam, Mặt trận Giải phóng và thành phần thứ ba, trung lập) mà tôi thì không làm chánh trị. Ngoài việc nuôi con và làm công tác xã hội, tôi không hề tham gia chuyệh chánh trị. Khi viết văn tôi cũng chỉ viết về đề tài tâm lý xã hội mà thôi.
Sau đó DVM lại bị một đám quân nhân khác do tướng Nguyễn Khánh cầm đầu lật đổ với lý do Minh thân Pháp. Rồi DVM bị ép phải bỏ nước ra đi sống lưu vong một thời gian. Sau này lại được Nguyễn Văn Thiệu cho về và thành lập nhóm ba phe. Khi Huỳnh Thanh Vị hỏi tôi là giai đoạn lúc sau nầy, và tôi trả lời cho Vị như vậy đó.
Hùnh Thanh Vị nói:
- Dương Văn Minh nói có biết chị và bây giờ muốn gặp chị.
Tôi cười:
- Gặp để làm gì?
Tôi bỗng nghĩ lại về thời còn đi học, DVM là một trong những người ái mộ tôi trong khi tôi luôn luôn phớt tỉnh.
Vị nói:
- Anh ấy muốn mời chị vào nhóm ba phe.
Tôi lắc đầu:
- Anh thừa biết tôi không hề làm chánh trị, mà dù tôi có là người làm chánh trị đi nữa thì tôi cũng không bao giờ hợp tác với ông Minh.
Vị hỏi:
- Tại sao?
Tôi liền nói, vừa nói vừa xách cặp đứng dậy ra về:
- Khi cờ đến tay mà còn không phất được thì bây giờ có cơ hội nào để làm nữa?
Tôi đã nói bao nhiêu lần là tôi không thích tham gia chuyện chánh trị. Khi dẫn mấy đứa con từ vùng Quảng Ngãi thuộc Liên khu 5 về Sài Gòn, tôi đã tự hứa với lòng là từ đây chỉ làm việc nuôi con, chọn các trường tư thục chớ không dạy trường công, và viết văn làm báo tức là làm nghề tự do.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ một chuyện cũng hơi lạ. Khi tôi đưa mấy đứa con từ Quảng Ngãi về Hội An, rồi từ Hội An ra Đà Nẵng, để từ Đà Nẵng xin giấy tờ đi Sài Gòn, ở Đà Nẵng tôi có bà con bên ngoại nên về ở nhà của dì tôi. Dì tôi góa chồng, còn cô em con dì tôi thì làm hãng Hàng không dân sự. Cô này là thư ký riêng cho ông giám đốc người Pháp, thỉnh thoảng ông ta đến nhà thăm và chuyện trò thân mật, chắc cũng là bồ bịch gì đó. Vì tôi biết tiếng Pháp nên em tôi giới thiệu ông ta. Tôi có nói tôi đưa lũ con từ vùng Liên khu 5 về Sài Gòn vì ở đó tôi không sống nổi do cái đói của những năm 1951-1952. Ông ta hỏi làm sao tôi trốn đi được với một lũ con nhỏ vừa đi vừa khóc như vậy?
Phải rồi, với một lũ con ồn ào như vậy thì làm gì có chuyện trốn đi được? Tôi nói tôi đang dạy cho chính phủ cách mạng và đã xin nghỉ, rồi xin giấy tờ công an Việt minh để về Sài Gòn. Ông ta lấy làm lạ hỏi: “Sao bà lại xin được giấy tờ?”. Tôi nói: “Vì bạn bè của nhà tôi đều làm trong chính quyền, thông cảm cho tình cảnh của tôi nên để cho tôi đem lũ nhỏ đi, còn nhà tôi vẫn ở lại”.
Ông ta đắn đo một hồi rồi nói:
- Tôi có một lời khuyên bà, không biết bà có nghe không?
Tôi liền nói:
- Xin ông cứ nói.
Ông nói:
- Nếu vào Sài Gòn, bà nên tìm những hãng tư mà làm, đừng làm với các cơ quan nhà nước.
Tôi cảm ơn và lúc ấy tôi không khỏi lấy làm lạ tại sao ông ta là người Pháp mà lại khuyên tôi như vậy.
Vào Sài Gòn, tôi ở với cha mẹ tôi ở đường Lương Hữu Khánh và mở lớp dạy Pháp văn và Việt văn tư ở nhà cho tụi học trò theo học chương trình Pháp. Được mấy tháng, vì anh chồng tôi làm chủ báo, các cháu tôi cũng có đứa làm chủ nhiệm báo tuần, nên tôi có đất để hoạt động. Sau đó, tôi lại được các trường tư như Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauriers mời dạy.
Tôi có một số bạn đang dạy ở trường Gia Long vận động với bà hiệu trưởng lúc bấy giờ là bà Huỳnh Hữu Hội mời tôi vào dạy hoặc làm trong ban giám thị của trường, nhưng tôi thấy không tiện vì đây là trường công lập, phải qua Bộ Giáo dục. Còn ở trường Tôn Thọ Tường mà tôi từng dạy khi mới vào đời thì bây giờ là bà Nguyễn Văn Nhã vẫn còn làm hiệu trưởng. Khi tôi vào thăm, bà rất vui mừng sau bao nhiêu năm xa cách và tỏ ý nếu tôi cần thì cứ lên Bộ Giáo dục ghi tên lại, tôi thấy nếu làm cho nhà nước thì đồng lương không đủ nuôi các con, vả lại thì giờ cũng bị ràng buộc. Tôi dạy ở ngoài được nhiều tiền hơn, lại tự do về sự đi đứng và thì giờ.
Mỗi tháng tôi dạy ở các trường tư thục cũng được 10.000đ, lúc bấy giờ bằng hai lượng vàng. Tiền viết cho Phụ Nữ Ngày Mai và Phụ Nữ Diễn Đàn cùng Văn Nghệ Tiền Phong được 15.000đ, tiền viết hai mục ở Tiếng Vang là 12.000đ. Tiền lãnh ở Sàigòn Mới cũng 12.000đ. Tính ra vàng là cả chục cây. Lương như vậy đâu phải là nhỏ.
Tánh tôi lại không chịu nịnh bợ ai, kẹt vô trường Gia Long làm gì? Tôi còn nhớ tuy tôi không nhận lời dạy ở trường Gia Long, nhưng con gái lớn của tôi là Nguyễn Thị Thanh Hương, khi ở Quảng Ngãi về thi vô lớp sáu trường Gia Long đã đậu cao và được học bổng. Lúc ấy tôi chưa quen bà Huỳnh Hữu Hội. Nhưng sau đóbà mời tôi đến nhà chơi và trong một cuộc bầu cử hội phụ huynh học sinh trường, tôi đắc cử. Tôi có chút tên ở làng báo và được độc giả ưu ái nên đi đến đâu và bất cứ nới nào có bầu cử là tôi không sao từ chối được. Do đó mà tôi luôn bị đắc cử vào Hội phụ huynh học sinh các trường có con theo học: Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), Võ Trường Toản, Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong), Lê Văn Duyệt (nay là Võ Thị Sáu) rồi cả Hội bảo vệ luân lý, được bầu cử ngay sau một lần lên phát biểu ý kiến ở Đại hội, rồi lại được bầu làm cố vấn cho Hội phụ nữ Việt Nam, cho Bình dân học hội – Đây là vào khoảng các năm từ 1956 đến năm 1961.
Làm việc ích lợi chung thì tôi làm, nhưng nếu để phục vụ riêng một nhân vật nào thì tôi không bao giờ chịu làm, do đó cũng có sự mếch lòng với nhiều người vì không lợi dụng tôi được. Hồi đó bà Huỳnh Hữu Hội có một cô con gái học ở Marie Curie, được học bổng đi Anh Quốc. Bà muốn tôi viết bài khen con bà trên báo, và ngỏ ý này với Nguyễn Như Hằng, bạn thân của tôi, đang làm giám học ở trường, nhờ Như Hằng nói giúp với tôi. Như Hằng nói là bạn thân nên rất hiểu tôi, tôi không bao giờ dùng mặt báo cho chuyện riêng tư, nên Như Hằng không chịu nói.
Tôi còn nhớ câu Như Hằng nói với tôi:
- Tao thấy mầy không bao giờ khen ai., nhất là người có chức quyền.
Bà Huỳnh Hữu Hội liền nhờ chị Ngô Thị Tý vì chị này cũng là bạn về vai chị với tôi và chị lại làm ở Ban Giám thị trường. Nhân lúc tôi bị bệnh, chị đến thăm cho tôi hai chai nước mắm ngon rồi ngỏ ý tôi nên viết một bài khen con gái bà Huỳnh Hữu Hội. Khen một nhân tài trẻ, một học sinh chăm chỉ thành công thì tôi sẵn sàng viết mấy bài cũng được, nhưng tôi biết con gái bà Hội không phải học giỏi, chỉ vì bà chạy chọt mà cô nầy được học bổng, nên tôi từ chối viện lẽ không thể viết được vì báo không phải là báo của tôi, tôi chỉ viết thuê mấy mục thôi. Bà Hội liền ngỏ ý nếu tôi giúp bà thì bà sẽ cho con gái thứ hai của tôi đang học lớp đệ tam ở trường Đạt Đức vào trường Gia Long. Đây là một sự đổi chác tôi không thích, nên tôi đã từ chối sự ưu ái của bà.
Sự ngay thẳng này của tôi thường bị nhà tôi cho là quá đáng, làm mất cảm tình của bạn bè. Nhưng sau việc này, bà Huỳnh Hữu Hội vẫn tử tế với tôi vì bà rất cần tôi ở Hội phụ huynh (con bà không có thực tài nên qua Anh đã không đậu vào trường Oxford mà phải học ở một trường tư).
Nói để các bạn thấy mua chuộc tôi không phải là chuyện dễ. Tánh tôi như vậy đó nên ít có bạn bè, và tôi thích giúp đỡ người thất thế hơn là giúp những người đã có địa vị còn dựa vào địa vị của mình để đi lên, đi lên mãi.
1. TẠI SAO ĐƯỢC MỜI LÀM HỘI ĐỒNG TỈNH GIA ĐỊNH MÀ TÔI TỪ CHỐI?
Khi ông Ngô Đình Diệm ra ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ ba thì muốn làm ra vẻ dân chủ, cho những liên danh khác ra tranh cử. Lúc bấy giờ có nhiều liên danh ra tranh cử là do chính phủ đương thời đứng bên trong cổ võ để bên ngoài người ta thấy chính phủ Ngô Đình Diệm thật tình là một chính phủ dân chủ. (Nếu tôi nhớ không lầm thì có liên danh của luật sư Trương Đình Du, của một nhà thầu khoán nào đó, rồi của bác sĩ Phan Quang Đán).
Một hôm tôi đang làm việc ở báo Sàigòn Mới thì ông Bùi Đăng Độ, một người bạn vai em của cha tôi, lúc ở Đà Nẵng tôi thường gọi ông bằng “chú”. Lâu lắm mới gặp lại, tôi không khỏi lấy làm lạ vì cha tôi đã mất và từ ngày cha tôi đổi vào Sài Gòn thì không còn gặp chú nữa.
Tôi vui vẻ hỏi chú:
- Lâu quá không gặp chú. Hôm nay chú đến tìm cháu có việc gì ạ?
Chú nhìn quanh tòa soạn rồi hỏi tôi:
- Ở đây chúng ta có thể nói chuyện được không? Vì đây là một chuyện rất quan trọng, và người ta, một nhân vật quan trọng, nhờ chú đến thương lượng với cháu.
- Chú thấy đó, cháu ngồi một mình một phòng. Có việc gì chú cứ nói, nhưng cháu xin nói trước với chú là lúc nầy cháu bận lắm, nếu là cộng tác với một tờ báo thì cháu xin chịu, không thể làm được.
- Không, không phải là chuyện làm báo.
- Thưa chú vậy là chuyện gì?
Chú ngần ngại một lát, rồi hỏi:
- Cháu có biết ông Nguyễn Thế Truyền không?
- Cháu có biết qua tên tuổi nhưng chưa hề gặp. Cũng là một nhà chính trị, đã từng làm cách mạng chống Pháp hồi đó.
- Đúng, nhưng bây giờ ông Nguyễn Thế Truyền muốn ra ứng cử Tổng thống nhiệm kỳ nầy.
Tôi vội vàng hỏi:
- Để tranh cử với đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm sao? Ồ, cháu thật tình không biết gì nhiều về chánh trị, nhưng cháu nghĩ rằng một khi ông Diệm còn ra tái cử thì sẽ không có liên danh nào khác đánh đổ ông ta được. Làm chánh trị kiểu độc tài mà chú.
Ông Bùi Đăng Dộ nhìn tôi rồi nói:
- Đã đến lúc phải đánh đổ sự độc tài.
- Bằng cách gì? Và Nguyễn Thế Truyền đâu phải là đối thủ.
Ông Bùi Đăng Độ có vẻ sốt ruột:
- Để chú đi ngay vào câu chuyện cho cháu rõ.
- Xin chú nói ngay, cháu nghe đây.
Chú Độ liền nói:
- Ông Nguyễn Thế Truyền ra tranh cử với ông Ngô Đình Diệm, ông cần một phó Tổng thống nên nhờ chú đến mời cháu đứng vào liên danh với ông.
Thật là một chuyện bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của tôi! Tôi ngồi khựng hồi lâu nhìn ông Độ rồi cười:
- Tại sao không mời chú? Chú cũng là một người chống Pháp hồi đó với ba cháu và ông Phan Thành Tài. Chú cũng là một nhà chánh trị, lại là đàn ông. Đàn bà không nên làm chánh trị.
Ông Bùi Đăng Độ thở dài:
- Chú thì tài cán gì! Hồi đó ông Phan Thành Tài cầm đầu phong trào Duy Tân thì ba cháu và chú còn trẻ. Sau này sinh kế, cũng vì trên đầu còn cha mẹ già, dưới gối còn con nhỏ, nên cha cháu cũng như chú phải ra làm công chức, như vậy đâu phải nhà chánh trị, đâu có xứng đáng gì mà ứng cử. Cháu bây giờ là cây bút nổi tiếng, từ thành thị đến thôn quê hỏi đến tên bà Tùng Long ai mà không biết. Cháu giúp ông Truyền một tay đi.
Tôi bật cười:
- Người ta biết tên cháu vì họ là độc giả của cháu. Cháu đang ở trên một lãnh vực khác, người ta đang ái mộ cháu, việc gì cháu đi làm một chuyện khiến người ta chê cười và ghét bỏ.
- Cháu suy nghĩ kỹ lại đi.
- Dù cháu có suy nghĩ cả tháng thì đáp số vẫn là không. Cháu không bàn cãi với chú về chuyện chánh trị, vì cháu dốt chánh trị lắm, vả lại chú là chú của cháu. Nhưng chú cũng thấy, ra tranh cử để làm gì? Làm sao thắng được ông Diệm, một đương kim Tổng thống? Họ có Đảng cần lao, quân đội, công chức… Nội các là của họ. Bên Tây, bên Mỹ thì còn họa may.
Thấy chưa thể thuyết phục được tôi, chú Độ liền nói:
- Cháu hãy về bàn lại với Hồng Tiêu, rồi ngày mai hay ngày mốt chú sẽ đến thăm hai cháu.
Tôi nói ngay:
- Việc của cháu là của cháu, đâu có gì phải bàn với nhà cháu. Làm một việc gì mà thấy trước thất bại thì cháu không làm, huống chi là chuyện chánh trị. Nhà cháu chưa bao giờ can thiệp vào việc làm của cháu.
Chú Độ lắc đầu rồi ra về, có vẻ tiếc rẻ cho tôi có một cơ hội như vậy mà lại từ chối.
Thì ra nổi tiếng trong chuyện viết lách, có một số độc giả ái mộ cũng là một lợi khí để người ta bước vào con đường chánh trị. Lúc ấy tôi đang nổi tiếng thật, làng báo đã trải thảm đỏ cho tôi đi, độc giả đã bao quanh tôi một tấm lụa hồng danh vọng, mọi người đều biết đến tôi như là một cây bút đúng đắn, chủ tâm xây dựng một phong trào lành mạnh cho giới trẻ, cho chị em phụ nữ đương thời.
Sau đó tôi đem chuyện này kể lại cho nhà tôi nghe thì nhà tôi nói:
- Em không chịu nghĩ kỹ rồi hãy trả lời. Một chuyện quan trọng như vậy mà tại sao em không bàn với anh, lại từ chối ngay vậy? Nhà chú Độ ở đâu, để anh đến hỏi kỹ chú xem sao.
- Hỏi kỹ cái gì?
- Nguyễn Thế Truyền ra ứng cử là dựa vào ai?
Tôi cười và nói:
- Dựa vào ai mặc kệ. Em không cần đứng vào cái danh sách ấy để có tên làm trò cười cho thiên hạ mà rồi làng báo sẽ cuốn mất tấm thảm đỏ mà họ đã trải cho em đi, độc giả sẽ xoay lưng lại em.
Nhà tôi lắc đầu:
- Em cứng đầu thật đấy. Em chả hiểu gì về chánh trị cả.
- Thì ra đã bảo là em không làm chánh trị mà.
Ngày hôm sau, nhà tôi ra tòa soạn và kể lại chuyện ông Độ đến mời tôi đứng vào liên danh ông Nguyễn Thế Truyền mà tôi không hỏi ý kiến của nhà tôi và anh chị tôi, đã từ chối dứt khoát.
Anh Bút Trà liền mời tôi vào phòng chủ nhiệm, rồi cũng bằng cái giọng của nhà tôi, bảo:
- Sao chuyện quan trọng như vậy mà thím không vào bàn ngay với tôi?
Anh Bút Trà rất nể tôi vì nhiều lẽ: tôi có học, giúp anh chị tôi được nhiền việc: thư ký, thông dịch viên cho chị tôi, thay mặt anh tôi đi dự những buổi họp báo ở dinh Thống đốc, ở Sở mật thám Catinat để nghe cấp lãnh đạo của tụi Pháp phê phán đường lối các tờ báo. Anh Bút Trà thường lánh mặt để tôi đi dự vì bọn Pháp hay nể đàn bà, lần nào họp mấy ông chủ bút chủ nhiệm gì cũng đứng cả, chỉ có tôi và chị Thụy An là được ngồi.
Trước câu hỏi của anh chồng tôi, tôi nhìn thẳng vào mặt anh và nói:
- Thưa anh, em tài cán gì mà ra tranh cử chức Phó Tổng thống trong liên danh Nguyễn Thế Truyền? Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai: Nguyễn Thế Truyền làm sao thắng được Ngô Đình Diệm, đương kim Tổng thống? Điều thứ ba và cũng là điều định đoạt: Em không muốn làm chánh trị.
- Thím nói hết chưa?
- Dạ rồi.
- Vậy bây giờ đến phiên tôi giải thích cho thím. Thím nói thím không làm chánh trị là thím không hiểu thế nào là làm chánh trị. Thím viết bài hô hào chị em phải có nghề nghiệp để khỏi bị nam giới khinh rẻ, thế không phải làlàm chánh trị sao? Thím hô hào phụ nữ phải tham gia công tác xã hội, tranh đấu quyền lợi làm người, bình quyền bình đẳng với nam giới, rồi hô hào bảo vệ phụ nữ, nhi đồng, chống áp bức, nghèo đói, vậy không phải là làm chánh trị sao?
- Em làm việc xã hội.
- Thím để tôi nói. Làm việc xã hội là bắt nguồn để làm chánh trị. Thím hãy nhìn qua các nước trên thế giới, những nước kém mở mang như nước mình. Khi dân tình còn dốt nát, đói rét thì ai nói gì họ nghe nấy, miễn có cơm ăn áo mặc. Và khi được đi học để mở mang dân trí, thì họ làm gì thím cũng biết chớ. Họ đòi đủ thứ quyền khác, rồi đòi nước được độc lập, đòi xua đuổi bọn thực dân phong kiến . Tôi nói ít thím hiểu nhiều, và bây giờ thím còn khư khư tuyên bố không làm chính trị nữa không?
Tôi làm thinh thì anh tôi lại nói thêm:
- Ông Nguyễn Thế Truyền đã là một chính khách từng vào tù ra khám, chạy ra các nước khác để tranh đấu độc lập cho Việt Nam. Tuy ông ta thất bại, không được may mắn như ông Ngô Đình Diệm, nhưng cũng là một người đáng kính. Bây giờ thấy mình già rồi mà không làm được điều gì, cuộc đời sắp tàn, ông ta muốn vùng vẫy một phen, được hay không cũng phỉ nguyền ước vọng. Chuyện thành công hay thất bại ở đời khó luận. Hiện giờ dân chúng không còn sùng bái NĐD như hồi ông ta mới về nước, mà bị mang tiếng là độc tài, gia đình trị, làm tay sai cho Mỹ. Ông Truyền cũng có tham vọng lắm chớ.
- Vậy sao ông ta không mời một người có thành tích chính trị, hay mời anh, mời các nhà báo có tên tuổi, mà mời em, một phụ nữ chỉ biết viết văn để nuôi con?
- Bởi vì thím là một phụ nữ, mà phụ nữ là hơn một nửa quốc dân. Thím được phụ nữ và cả nam giới ái mộ nữa, thím chưa có một vết bẩn gì về chuyện lợi dụng đảng phái này đảng phái nọ để làm bàn đạp tiến thân. Cũng có nhiều phụ nữ có tài nhưng họ không có một công chúng to lớn như thím. Các bà luật sư Nguyễn Xuân An, Huỳnh Ngọc Anh, giáo sư hiệu trưởng Tăng Xuân An, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, lại đang ở trong đoàn thể này đoàn thể kia, còn thím, thím là một nhà văn, một nhà giáo độc lập, thím không hiểu như vậy sao? Thím có mất mát gì đâu, người ta lo hết cho thím, chỉ khi phải nói trước công chúng, thím mới ra sức, ra tài. Với nghề nghiệp, sức học của thím, thím dư sức thuyết phục những cử tri độc giả của thím.
Thấy bộ mặt lạnh lùng và cương quyết của tôi, nhà tôi nãy giờ cũng có mặt ở đó, liền nói:
- Anh đừng thuyết phục Bạch Vân vô ích. Chính ông nhạc của tôi cũng đã nói là vợ tôi lì lắm. Một khi đã quyết định việc gì – ngay từ khi còn nhỏ – thì không chịu nghe ai nói cả.
Anh Bút Trà cũng vốn là tay kinh tài, nên định đáng vào chuyện tiền bạc để cầu may:
- Còn một việc này nữa. Nhiều khi ông Truyền bị mua chuộc, thím hiểu không?
- Bị mua chuộc?
- Có thể như thế này: Như nhiều nhà độc tài khác trên thế giới, ông Diệm không muốn ra ứng cử một mình, sợ mang tiếng là độc tài. Nên ông mới bày ra chuyện hô hào các liên danh khác ra tranh cử, rồi bỏ tiền cho các liên danh này in áp-phích, đi cổ động… Ông Truyền sẽ có một số tiền và tên ông, tiểu sử của ông lại một phen được nhắc lại, sau đó có tiền sống những ngày già đỡ vất vả…
Tôi lắc đầu chán nản nhìn nhà tôi, và nhà tôi hiểu ngay là tôi rất ghét cái trò làm vật hy sinh cho người khác.
Tôi liền nói:
- Thưa anh, nếu vậy thì em từ chối rất phải. Đứng trong một liên danh như vậy thì sau nầy còn gì tên tuổi của em? Và em sẽ nói sao với các con em về việc làm vụ lợi vô lý này? Em cần gì? Tiền bạc nuôi con nên người phải do em làm một cách lương thiện. Hiện giờ em đâu đến nỗi nghèo đói, em dạy học và viết văn cũng đủ sức nuôi con rồi. Tên tuổi ai không muốn, nhưng tên tuổi tạo nên bằng cách lừa đảo, gian dối, vụ lợi, làm trò bung xung thì em không cần.
Anh tôi chịu thua:
- Vậy tùy thím. Nhưng tôi rất tiếc cho thím.
Sau đó liên danh Nguyễn Thế Truyền tìm một người khác làm Phó tổng thống ra ứng cử, tôi không để ý nên quên mất cái tên rồi. Lẽ dĩ nhiên là thất cử.
Thế rồi, lại xảy ra một chuyện khác: Tỉnh trưởng Nguyễn Đức Xích của tỉnh Gia Định lúc bấy giờ mời tôi đến dự một cuộc họp tại dinh tỉnh trưởng cùng vài nhân vật khác trong quận để nói về chuyện Tổng thống Ngô Đình Diệm tái ứng cử nhiệm kỳ 3. Sau đó ông ngỏ ý kiếm những người có tâm huyết đứng ra cổ động cho Ngô Đình Diệm. Sau buổi họp nầy, ông Xích còn mời riêng từng người đến nhà riêng ở Gò Vấp vào một buổi tối, làm ra vẻ bí mật không tiết lộ cho ai biết, để giao việc… Thế là tôi bị ở thế kẹt! Nhưng tôi nói với nhà tôi là anh đừng lo, người ta lấy thế lực, quyền uy ép mình, nhưng mình cũng có cách từ chối hoặc chỉ thi hành theo mệnh theo ý mình.
Nhà tôi lắc đầu:
- Đó, em thấy chưa? Em không muốn làm chánh trị người ta cũng không để yên cho em đâu.
Mỗi cổ động viên phải nói chuyện trước một đám đông, ở một địa điểm riêng nằm trong cơ quan nhà nước.
Tôi không rõ ngoài tôi ra, các cổ động viên khác là ai. Tôi phải nói trước một số phụ nữ đại biểu từ các tỉnh khác về dự, để rồi khi về khu vực của họ, họ sẽ phổ biến lại. Đây là một việc làm đầy hình thức và cũng thật buồn cười, cổ động dân chủ theo lối lấy vải thưa che mắt thánh. Những người đến dự là những người do chính quyền địa phương cử đến, trong phong trào Phụ Nữ Liên đới của bà Ngô Đình Nhu, hoặc trong phong trào Cần lao Nhân vị, Thanh niên Cộng hòa của Ngô Đình Nhu. Nhưng sau khi tôi nói chuyện xong và xuống tiếp xúc riêng với họ thì họ mới nói: “Chúng em đến để biết mặt bà, mấy lâu nay đọc bài của bà viết mà chưa một lần hội kiến. Chúng em chỉ ao ước có từng ấy việc”.
Rồi ngày bầu cử đến, lẽ dĩ nhiên liên danh của Ngô Đình Diệm tái đắc cử nhiệm kỳ ba.
Tôi vẫn vùi đầu vào công việc ở nhà báo, ở các trường, và dạy dỗ các con, nên cũng không lưu tâm nhiều về chuyện người ta đang ăn mừng thắng lợi chính trị, đây là vào khoảng đầu năm 1962. Nhưng họ không quên tôi, người đã bị họ đưa ra đi cổ động cho liên danh đắc cử. Tôi được mời dự một bữa tiệc thịnh soạn ở dinh tỉnh trưởng Gia Định đãi những người có công. Toàn là nhân sĩ trong tỉnh cùng với đại diện chánh quyền. Khi ngồi vào bàn, tôi được ông Phó tỉnh trưởng Thiệp mời mở một cái giỏ bày trên bàn trước khi vào tiệc và ăn món chim bồ câu ra ràng rôti. Không quen với tiệc tùng linh đình, tôi mở cái giỏ thì một cặp chim bồ câu bay thoát ra khiến tôi không khỏi ngạc nhiên, và có lẽ vẻ mặt của tôi lúc ấy buồn cười, ngộ nghĩnh lắm hay sao mà ai cũng vui vẻ thật sự.
Tôi còn nhớ trong buổi tiệc ấy có anh Văn Hoàn, một nhà báo cùng tuổi với anh Bút Trà, và anh Thiếu Sơn, một nhà văn có khuynh hướng cộng sản. Tôi đâu ngờ hai người này cũng cùng một cảnh ngộ như tôi là cổ động viên cho liên danh Ngô Đình Diệm. Anh Thiếu Sơn thì đường lối chính trị rõ ràng như vậy, còn anh Văn Hoàn cũng là một cây bút có tài, có lập trường, thực học, không phải con người chạy theo chính phủ. Tôi ngồi ở đầu bàn bên nầy nên không có dịp nói chuyện với hai anh ấy, lại nữa tôi không thích kẹt vào cái thế nầy, nên hôm ấy không được vui. Ông Xích thấy vậy để ông Thiệp, phó tỉnh trưởng, ngồi bên tôi trong khi ông phải ngồi ở ghế chủ tọa. Thấy tôi không vui, ông Thiệp kiếm chuyện hỏi về công việc đi dạy và viết lách của tôi, cùng các việc khác. Sau đó hết chuyện nói, ông Thiệp hỏi tôi tại sao tôi có cái tên Tùng Long, có phải nhà tôi tên là Tùng Long không? Vì vậy mà lẽ ra chỉ ký Tùng Long lại đèo thêm chữ bà. Sẵn đó tôi mới giải thích tên tôi là Lê Thị Bạch Vân mà trong văn chương chữ Hán có câu Văn Tùng Long, Phong Tùng Hổ (mây theo rồng, gió theo cọp). Tôi tên Vân nên lấy bút hiệu là Tùng Long, ai tên Hổ thường lấy bút hiệu Tùng Phong. Nhà tôi tên thật là Nguyễn Đức Huy, bút hiệu Hồng Tiêu. Còn lý do tại sao tôi không ký Tùng Long như các nhà văn khác ký Minh Đức, Thủy Tiên, Ngọc Anh…, tôi trả lời ông Thiệp rằng phụ nữ viết văn đã có người ký Đam Phương nữ sĩ, Lam Đài nữ sĩ, Manh Manh nữ sĩ; nhưng cũng có người ký bà Phương Lan( vợ của Bùi Thế Mỹ, một cây bút cùng thời với nhóm Tự lực văn đoàn, anh Đào Trinh Nhất, ông Phan Khôi…). Sau nầy chị Lan Phương, vợ của anh Nguyễn Văn An, đôi khi cũng ký Bà Lan Phương. Trước tôi cũng có bà Phan Thị Bạch Vân dùng tiếng “bà” đặt trước bút hiệu. Là vì hồi đó những cây bút phụ nữ đếm trên đầu ngón tay, nên người ta sợ lộn với tên các nhà văn nam mới ký như vậy. Còn tôi, lúc mới cầm bút chập chững đi vào làng văn làng báo, tôi không dám nghĩ mình là một nhà văn, một nữ sĩ, mà tôi nghĩ mình có thể như bà Stael bên Pháp khi viết những bài báo về tâm lý giới trẻ hay viết những bài có tính cách giáo dục thanh thiếu niên thường ký Mme Stael. Còn một cây bút phụ nữ khác chuyên viết về giáo dục phụ nữ hay thanh thiếu niên cũng ký Mme Maintenon. Tôi nghĩ mình ký Bà Tùng Long ở các mục Gỡ Rối Tơ Lòng, Tâm Tình Cởi Mở cũng không sao, mà rồi sau này thành thói quen ai cũng gọi tôi là Bà Tùng Long, và bất cứ bài báo nào, tiểu thuyết nào của tôi họ cũng muốn tôi ký như vậy.
Sau bữa tiệc ấy mấy hôm, ông Nguyễn Đức Xích cử ông Thiệp đến nhà tôi, vừa để xem qua nhà cửa của tôi, vừa cho biết tỉnh Gia Định sẽ thành lập một Hội đồng tỉnh gồm các nhân sĩ để cùng với ông tỉnh trưởng lo cho sự phồn thịnh của tỉnh, phúc lợi của dân. Ông ngỏ ý mời tôi tham gia Hội đồng tỉnh. Tôi biết đây là một cách trả ơn về chuyện tôi có trong nhóm cổ động cho ông Diệm, và cũng để gom góp hết các nhân sĩ trong tỉnh lại cho dễ bề kiểm soát và sai khiến, vì khi đã ăn xôi chùa làm sao khỏi nghẹn họng?
Tôi nói:
- Xin anh cho tôi suy nghĩ lại. Nếu phải nhận chức Hội đồng tỉnh Gia Định thì tôi phải thu xếp nhiều vì tôi bận lắm. Với đám con chín đứa, tôi phải làm cật lực mới đủ nuôi chúng.
Lúc ấy ông Thiệp nói:
- Chị ở căn nhà này có vẻ chật hẹp quá. Hay chị để chúng tôi giúp chị một căn nhà ở một cư xá khác rộng rãi hơn. Chị nghĩ sao?
Phải rồi, nếu tôi chịu lòn cúi một chút thì tôi cũng có thể có nhà rộng, có xe hơi như các chính khách thời bấy giờ và không biết chừng nào họ còn cho tôi làm chủ một tờ báo. Nhưng tánh tôi lại không thích như vậy.
Nhà tôi nói:
- Em làm sao từ chối đây?
- Thì cứ từ chối, có cách để từ chối, vì người ta bảo để trả ơn cho mình thì quá dễ để từ chối.
Nhà tôi nói:
- Để xem em làm sao đây.
Rồi anh còn ngạo:
- Làm bà Hội đồng oai đấy chứ! Vậy là em sắp làm chính trị chính em rồi đó.
Tôi rất bực mình về chuyện nầy và suốt mấy đêm tôi không sao ngủ được. Ba hôm sau, ông Thiệp lại đến và khoe với tôi là ông đã tìm ra cho tôi một căn nhà trong dãy nhà mới cất ở đường Đinh Bộ Lĩnh. Dãy nhà gồm một trệt, hai lầu, đầy đủ tiện nghi của bà Hứa Phước Mỹ và bà sẵn sàng nhường cho tôi một căn. Tôi nói với ông Thiệp về việc nầy tôi sẽ đến gặp ông Tỉnh trưởng để trả lời cụ thể. Ông Thiệp thấy rõ là tôi muốn từ chối và nhìn tôi một các kinh ngạc như tôi là một người ở hành tinh khác. Một chức vị Hội đồng tỉnh, với bao sự giúp đỡ của chính quyền, một căn nhà khang trang và còn bao nhiêu chuyện khác có lợi cho con cái tôi sau nầy… mà tôi có thể từ chối ư? Bao nhiêu người van xin cầu lụy mà dễ gì có. Ôi! Thì ra trên đời này còn có người ngu dại ngông cuồng như tôi, chắc ông ta đang nghĩ như thế. Riêng tôi, tôi bỗng nghĩ rằng mình viết báo chỉ để nuôi con, khăng khăng cứ nghĩ như thế nào ngờ nhờ cây bút mà gây được sự ưu ái của độc giả, và đo đó lại bị chính quyền lợi dụng uy tín của mình để đưa mình vào con đường mà họ cho là danh lợi, tiến thân. Phải, ngay các ông đàn ông còn khó có thể từ chối, còn đưa hai tay ra chấp nhận, nữa là một người đàn bà đang lao tâm nhọc trí làm hết mình để nuôi con. Thế mà tôi từ chối! Thật sự là vậy chớ không phải là chuyện bịa đặt.
Ngày hôm sau, tôi đến dinh Tỉnh trưởng Gia Định gặp ông Xích. Ông ta nguyên là một sĩ quan quân đội được phái về giữ chức tỉnh trưởng, lại nghe đâu là con đỡ đầu của ông Ngô Đình Diệm. Ông ta hãy còn trẻ, nhỏ tuổi hơn tôi, người miền Trung. Ông tiếp tôi rất lễ độ nhưng có sự dè dặt. Tôi nói ngay vào mục đích của tôi đến đây và cảm ơn ông đã nhờ ông Thiệp đến gặp tôi mấy lần. Tôi hỏi ông Xích:
- Thưa ông Tỉnh trưởng, việc tôi cổ động cho liên danh Tổng thống, ông Tỉnh trưởng cho là một công lao lớn phải lkhông? Và kẻ có công theo ông phải được trọng thưởng phải không?
Ông Xích đưa tay ra nói:
- Thưa bà, tôi phải nói ngay đây, không phải chỉ là đền ơn mà còn chọn vào guồng máy xã hội một người có tài có đức như bà.
- Thưa Tỉnh trưởng, vậy tôi xin hỏi: Người tốt bụng cho ơn huệ, vậy thì người được cho có quyền nhận hoặc từ chối phải không?
Ông Tỉnh trưởng có vẻ lúng túng:
- Vâng, đó là quyền của bà.
- Tôi không dám nói hai tiếng từ chối mà xin nói rằng tôi không thể nhận lời. Vì tôi có nhiều lý do để trình bày ra đây. Điều thứ nhất, tôi có một gia đình gồm một ông chồng và chín đứa con tôi phải lo. Chừng đó chuyện đã thu hút gần hết thì giờ của tôi rồi. Lo cho gia đình, tôi phải làm việc. Như ông thấy đó, tôi viết cho sáu tờ báo ngày và tuần, tôi còn phải làm công tác xã hội. Và như ông đã biết, cấp trên nhận thấy Hội phụ nữ Việt Nam của bà Bút Trà kết nạp toàn những chị em mà chánh quyền thấy lai lịch không được rõ ràng lại không có học thức nhiều, nên mới buộc bà Bút Trà tìm những người khác thay thế. Bà Bút Trà phải đưa chị Lê Quang Kim vào làm Phó Chủ rịch, rồi phu nhân của các ông trong chánh phủ vào làm cố vấn và còn đề cử tôi làm Tổng thư ký thì Hội phụ nữ Việt Nam của bà Bút Trà mới được tồn tại. Rồi chính ông tỉnh trưởng tiền nhiệm của ông đã đưa tôi vào làm trong phong trào Phụ nữ Liên đới miền Đông dưới quyền của phu nhân tướng Văn Thành Cao. Tôi lại phải có chân trong Hội bảo vệ luân lý, các hội chống mù chữ, hội phụ huynh học sinh các trường mà con tôi đang học. Nếu làm Hội đồng tỉnh trường Gia Định thì tôi làm sao có thì giờ nữa? Như ông thấy đó, vì nhiều lý do tôi không dám nhận. Xin ông tìm một phụ nữ khác nếu ông cần thấy có một phụ nữ trong Hội đồng. Lương Hội đồng cao lắm chỉ mười lăm nghìn. Hiện phải viết và dạy cật lực tôi mới kiếm được trên năm mươi nghìn đồng để đủ nuôi con và lo cho gia đình.
Ông Xích cười:
- Bà có thể kiếm nhiều món tiền khác với chức vị Hội đồng của bà.
Tôi cũng cười:
- Tôi nghĩ đại diện cho dân là phải lo quyền lợi cho dân, chớ còn kiếm tiền do chức vị này là gì tôi không hiểu. Tôi ngu dốt về chuyện làm tiền lắm.
Ông Xích thấy nói thế nào tôi cũng khăng khăng từ chối, từ chối một cách hết sức lễ độ và thành khẩn, nên ông nói:
- Ngày ra mắt Ban Hội đồng cận kề quá, chúng tôi làm sao tìm được một phụ nữ thay thế cho bà? Bao nhiêu phụ nữ có học thức và tài đức đã bị kết nạp vào phong trào Phụ nữ Liên đới của bà Nhu rồi.
Nhưng rồi ông Thiệp vẫn tìm ra một phụ nữ: bà Trần Thị Xá, một người công giáo và là giáo viên dạy tiểu học.
Tôi đã từ chối thẳng thừng nhưng tỉnh Gia Định không thể làm gì tôi được vì họ phải nể mặt tôi, và bất cứ ngày lễ lạc gì của tỉnh, họ đều mời tôi, và trong thâm tâm của các nhà cầm quyền vẫn nể nang tôi, phục tôi là khác.
Ngày Ban hội đồng ra mắt, tôi được mời đến dự và đích thân Tỉnh trưởng Xích đã mời tôi vào hàng ghế đầu, nhưng tôi chỉ ngồi vào hàng ghế sau. Khi bầu cử, anh văn Hoàn trúng ghế chủ tịch, còn anh Thiếu Sơn thì là ủy viên của một ban gì đó. Tôi thấy vẻ mặt của hai người có vẻ nghiêm trọng, không vui. Khi ra mắt Ban hội đồng xong, tôi xin phép ông tỉnh trưởng ra về, cả ông Xích lẫn ông Thiệp đều nói với tôi: “Lẽ ra cái ghế chủ tịch của ông Hoàn là của bà”. Tôi cảm ơn và nói:
- Tôi cũng rất tiếc nhưng thì giờ không cho phép.
Khi tôi đi ngang qua chỗ anh Hoàn và anh Thiếu Sơn thì cả hai đều nói:
- Chị Tùng Long, tại sao chị không nhận?
Tôi chỉ đọc một câu để đùa với họ: Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp.
Cả Thiếu Sơn và Văn Hoài đều làm thinh. Tôi biết họ ở cái thế bị ép và không tiện từ chối…
Trong khi làm báo và dự các buổi họp về phụ nữ hay xã hội, tôi gặp và quen chị Khánh Trang, giám đốc công ty bảo hiểm Hưng Việt. Chị đi du học về và là vợ của anh Hoàng Minh Tuyn, một sáng lập viên của tờ Bách Khoa. Công việc của chị đang làm ăn khá thì chị được và Ngô Đình Nhu (NĐN) mời làm bí thư cho bà. Những lần gặp tôi, chị ân cần vui vẻ cứ mời tôi đến nhà chị chơi. Thấy chị lịch sự, dễ thương, quen biết đông, tôi cũng mến chị và có lần đi ngang nhà chị, tôi ghé lại thăm, nói năm ba câu xã giao, hỏi thăm sức khỏe của chị rồi tôi lại đi. Những buổi lễ, ngồi trên khán đài, chị Khánh Trang thường đưa tay chào tôi.
Một bà bạn nói với tôi:
- Bí thư của bà cố vấn đó, chị quen lúc nào vậy? Mọi việc đều qua tay bà ta trước khi đến và cố vấn.
Tôi cười hỏi:
- Vậy sao?
Lẽ dĩ nhiên chị Khánh Trang đã biết tôi không nhận lời đứng trong liên danh của Nguyễn Thế Truyền, từ chối chức Hội đồng tỉnh Gia Định, nhưng tôi có chân trong Hội phụ nữ Việt Nam, tôi lại có chân trong phong trào Phụ nữ Liên đới miền Đông với chức Phó Chủ tịch. Chị tin chắc lần hồi rồi thế nào chị cũng có thể dùng tình cảm để lôi kéo tôi vào chuyện chánh trị.
Ngay như chị Nguyễn Phước Đại, một luật sư nổi tiếng thời bấy giờ, không thích tham gia việc gì dù là việc xã hội chớ đừng nói là chánh trị. Vậy mà với cái vốn cả Anh văn lẫn Pháp văn, thoạt đầu chị được “nhờ” tiếp những nhân vật nữ đến Việt Nam như và Suxanne Labin, những nữ luật sư ở châu Âu, những đại diện cho Usom, Usaid. Được nhờ như vậy, chị làm sao từ chối được. Rồi vì có một việc rắc rối đến chính quyền do một người thân trong gia đình chị, vì sức ép của thân mẫu, chị phải nhờ đến bà cố vấn, nên sau đó để đền đáp công ơn, chị phải nhận ra tranh cử bổ sung một dân biểu đang nửa nhiệm kỳ 2 đã qua đời. Vì vậy chị thành nữ dân biểu của khóa 3 Quốc hội.
Đầu tiên chị Khánh Trang chỉ nói với tôi về Hội phụ nữ Việt Nam do bà Bút Trà làm chủ tịch. Nhờ có tờ Sàigòn Mới trong tay nên bà Bút Trà cổ động rất mạnh cho Hội phụ nữ, mở mỗi tỉnh một chi hội và mỗi năm vào tháng chạp, liên kết với Bình dân học hội cũng do bà làm chủ tịch mà mở ra cây mùa Xuân, vận động đi xin quà các tiệm buôn vải, các chị em có lòng từ thiện, rồi phân phát cho trẻ em nghèo. Việc làm này rất có ý nghĩa, vì vậy bà Bút Trà rất được chị em tán thưởng và lẽ dĩ nhiên trong hội của bà toàn là chị em bình dân, nên những người có tư tưởng chống thực dân bắt đầu len lỏi vào và để tìm cơ hội tuyên truyền chống Pháp.
Khi Hội mới ra đời thì chị Ái Lan, một đảng viên cộng sản (hoạt động ngầm) làm thư ký. Sau đó chị bị bắt và chị Lê Thị Quí lên thay thế. Chị này cũng có cảm tình với cộng sản. Chị em trong Hội, như chị Lê Quang Kim, chị Ana Lê Văn Cang, và nhiều chị em khác có tên trong ban trị sự là để che mắt chánh quyền mà thôi. Thật sự chị Lê Quang Kim làm chủ tịch Chi Hội phụ nữ Quốc tế ở Việt Nam, thỉnh thoảng mới đi họp bên Hội phụ nữ Việt Nam. Còn chị Ana Cang thì bận ở báo Tin Điển của cha chị nên thỉnh thoảng mới đến họp, vả lại cái lối ăn mặc kỳ dị của chị, lúc nào cũng chiếc áo dài đen phết đất, nói thì toàn tiếng Pháp, nên chị chả được lòng ai. Lúc bấy giờ tôi vừa từ Liên khu 5 đưa mấy đứa con về Sài Gòn, lo tìm sinh kế để nuôi con, chị tôi cũng mời tôi dự một chân trong Hội. Nhưng tôi còn nghèo, phục sức nửa quê nửa tỉnh, lại thêm chưa quen với cách tiếp đón các nhân vật trong chính quyền, nên chị Bút Trà chưa cho tôi xuất đầu lộ diện ở những buổi lễ, mà chỉ giúp chị trong việc sổ sách, viết diễn văn… Lần lần thấy tôi quen việc và tên tuổi được nhiều người biết nên chị mới đối xử với tôi như các bà khác. Lại thêm khi có khách ngoại quốc đến viếng Hội, chị phải cần đến tôi để làm thông dịch. Đến khi tôi được bà Nhu chú ý, được tỉnh Gia Định giới thiệu vô phong trào Liên đới miền Đông gồm 13 tỉnh, lúc ấy chị mới thật sự nể tôi và mỗi khi có các cuộc họp báo chí, các cuộc lễ lớn, chị đều nhờ tôi đi dự. Chớ trước đó chị không dám đưa tôi ra vì sợ bắc cầu cho tôi qua. Trong các cuộc họp báo, mặc dù tôi phục sức rất giản dị, lúc nào cũng mặc bộ áo dài trắng và không có một món nữ trang nào ngoài chiếc nhẫn cưới, trong khi các bà khác đều áo quần lòa loẹt, hột xoàn sáng giới, mặc dù họ chỉ là bà Văn Cầm, vợ một chủ rạp hát, hay bà Trần Văn Khiêm, vợ một thương gia. Sau này, tôi có tên tuổi trong làng báo, mặc dù phục sức giản dị, mặc dù không có hột xoàn, nữ trang quí giá, trong các cuộc họp họ vẫn mời tôi lên ngồi hàng ghế trước, có khi còn mời tôi lên bàn chủ tọa, phát biểu ý kiến rồi bị ép vào các hội như Hội bảo vệ luân lý, Nghiệp đoàn ký giả miền Nam… thì chị Bút Trà mới thấy có muốn ém tài tôi cũng không được. Đến khi chị thấy tỉnh Gia Định đối xử với tôi rất tử tế, mời tôi vô Hội đồng tỉnh mà tôi từ chối, rồi lại trúng vào Ban Chấp hành Hội phụ nữ liên đới của miền Đông, thì chị đã thay đổi thái độ. Và sau đó vì Hội phụ nữ Việt Nam của chị lúc bấy giờ có nhiều chị em hoạt động cho cộng sản nên bị nhà cầm quyền kêu lên kêu xuống như chị Ái Lan, chị Quí, bà Phụng, bà Phạm Xuân Lạng cùng nhiều chị em khác ở các tỉnh, họ là những người nằm vùng hoạt động cho phong trào cách mạng. Rồi có những chị em bị bắt kêu án tù như chị Ái Lan, nên nhà cầm quyền đã bắt đầu để ý đến Hội phụ nữ của chị, vì vậy khi chị thấy tôi được mời vào Hội phụ nữ Liên đới của bà Nhu thì năn nỉ tôi đừng từ chối, để có gì tôi có thể lên tiếng nói minh oan cho Hội phụ nữ Việt Nam.
Tôi sở dĩ nhận vô Hội phụ nữ Liên đới một phần là để che chở cho Hội phụ nữ Việt Nam, phần khác tôi đã từ chối Hội đồng tỉnh rồi, không thể viện lý do gì khác để từ chối một chân ở Hội phụ nữ Liên đới. Biết đâu dựa vào hội nầy tôi có thể giúp chị em được nhiều việc. Lại nữa, thật ra với cái chức Phó chủ tịch phong trào Liên đới miền Đông, tôi cũng chẳng làm gì ngoài các buổi họp hằng tháng hay đi dự những buổi tiếp tân nầy nọ. Nhiều người bạn khuyên tôi không nên từ chối những việc ấy nếu muốn được yên thân để nuôi con.
Lúc ấy lại xảy ra chuyện ông Phan Ngô, giám học trường Tân Thịnh nơi tôi dạy, bị bắt cùng với anh Thiên Giang, một giáo sư dạy sử địa của trường. Anh Phan Ngô vốn là Đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, tôi không biết lúc ấy anh có còn hoạt động không. Nhưng còn anh Thiên Giang chính là cộng sản, đã từng vào tù ra khám từ lúc còn ở ngoài Trung. Việc các anh ấy bị bắt không có gì đáng lạ vì họ có hoạt động chính trị, nhưng sau đó khi qua mấy tháng điều tra, họ được thả về thì các anh Phan Ngô và Thiên Giang đền nói riêng cho tôi biết là khi lấy cung hai người, họ đều hỏi về tôi: “Có phải bà Tùng Long là cộng sản không? Tại sao bà ấy ở Liên khu 5 lại được chánh quyền ở đó cho bà dẫn các con về Sài Gòn?”
Anh Phan Ngô nói với tôi là anh đã trả lời: “Bà Tùng Long không thể là một người hoạt động chính trị được vì bà có cả một lũ con nheo nhóc, lo làm nuôi chúng còn không có thì giờ thì còn thì giờ đâu mà làm chính trị. Tất cảnhững việc bà làm đều là công tác xã hội để có thể có thêm tiếng tăm mà viết báo và dạy học”. Còn anh Thiên Giang thì cương quyết là tôi không hề làm chính trị, mà chỉ dạy học và viết tiểu thuyết.
Cả hai người đều khuyên tôi nên dè dặt. Họ nói: Ngay Thiếu Sơn là một cộng sản nằm vùng dậy mà khi người ta mời anh làm Hội đồng tỉnh Gia Định anh còn không từ chối, thì chị làm sao là một phụ nữ lại không gia nhập vào phong trào Liên đới khi người ta đã để ý mời chị?
Tôi đã nói rõ trong các bài người ta phỏng vấn tôi vì lẽ gì tôi phải đem các con về Quảng Ngãi năm 1943 và rồi kẹt ở đó cho đến năm 1952 mới được phép đưa các con về lại Sài Gòn. Bọn Pháp nghi tôi cũng có lý do vì tại sao chánh quyền cộng sản lúc đó lại để tôi chính thức ra đi khi tôi đang làm Liên hiệu trưởng ở Nghĩa Kỳ. Chỉ vì lẽ các con tôi đói, nạn đói hoành hành ngoài Bắc ngoài Trung, người người chết như rạ, vì lẽ ấy họ cho phép tôi đi, gặp không biết bao nhiêu gian nan vất vả tôi mới về đến Sài Gòn và làm lại tất cả từ đầu để nuôi dạy một bầy con nên người và để cho nhà tôi có thể ngồi yên ngâm thơ, không hợp tác với Pháp, với Nhật và sau đó với Mỹ.
Lúc tôi về Sài Gòn được vài ba năm và đã viết báo, đi dạy, tham gia vài công tác xã hội, làm vài hội phụ huynh học sinh nơi các trường có con tôi học, thì những người hoạt động cho cách mạng chắc cũng đã theo dõi công việc của tôi nên thỉnh thoảng cũng có người nằm vùng rải rác ở các nhà báo, các nhà in, nhà xuất bản thường đến gặp tôi bàn chuyện in sách hay mời viết những truyện nhi đồng… Việc gì làm có tiền để nuôi con thì tôi nhận thương lượng, ký giao kèo. Nhưng khi các anh em đến rủ tôi vào Hội truyền bá Quốc ngữ, một Hội mà tôi biết có nhiều người hoạt động ngầm, thì tôi từ chối vì phải lo cho các con, không có thì giờ rảnh. Xét cho cùng tôi không nghiêng về phía nào cả, tôi không thích làm chánh trị. Phía Quốc gia thời Ngô Đình Diệm cũng có những hoạt động không phải hoàn toàn có lợi cho nhân dân miền Nam. Bọn tham ô cậy thế cậy quyền ở đâu cũng có, mà Ngô Đình Diệm thì như kẻ ngồi trong tháp ngà, mọi việc đều bị mấy người em thao túng. Làm chính trị theo tôi nhận xét không thể không tàn nhẫn, mạnh tay, và cứ nói vì quyền lợi quốc dân mà không cần biết quốc dân có đồng ý hay không.
Mỗi năm cứ đến ngày Tết, tôi lại nhận được một tấm carte gửi qua bưu điện do Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng và khuyến khích. Hai ba năm liên tiếp như vậy – chắc của những người hoạt động ở thành phố Sài Gòn – Gia Định gửi, không có địa chỉ. Tôi nhận và cất kỹ, và có lẽ do những việc này mà nhà chức trách lúc khai thác ông Phan Ngô và ông Thiên Giang đã hỏi đến tôi, nhưng không có bằng chứng gì nên không đếm xỉa nữa. Còn không thì họ đếm xỉa đến tôi bằng cách mời tôi tham gia vào Hội đồng tỉnh Gia định, cổ động cho liên danh ứng cử của Ngô Đình Diệm, tham gia phong trào Phụ nữ miền Đông để theo dõi, kiểm soát sự đi đứng của tôi.
2. TẠI SAO TÔI RA ỨNG CỬ KHÓA III QUỐC HỘI?
Một hôm chị Bút Trà mời tôi vào phòng và nói:
- Thím ngồi đây để hai chị em mình có việc nói chuyện.
Tôi ngồi xuống trên nệm bên cạnh của chị, vì chị tôi thường lấy phòng ngủ để làm chỗ tiếp khách là những người thân, những ký giả vai em của chị, kể cả trưởng nhà in hay thợ chạy máy. Trên đầu giường của chị là một cái kệ chia ra làm nhiều ngăn, mỗi ngăn chứa đựng những sổ sách, giấy tờ cần thiết… Đây vừa là phòng làm việc, chỗ tiếp khách, phòng ngủ, và cả phòng ăn nữa. Chị theo lối làm việc giản tiện của người Hoa mà chị chịu ảnh hưởng qua cuộc hôn nhân đầu tiên của chị với một thương gia ở Chợ Lớn.
Chị nói:
- Thím Tùng Long à, họ muốn sáp nhập Hội phụ nữ Việt Nam của mình vào Hội phụ nữ Liên đới của bà Nhu!
Trước đó, bác sĩ Trần Kim tuyến (phụ trách an ninh chính trị của chế độ Ngô Đình Diệm) đã có mời tôi lên và khuyên tôi nên bàn với bà Bút Trà nếu muốn duy trì Hội phụ nữ Việt Nam thì phải cải cách, tổ chức lại Ban Trị sự của Hội, vì bà cố vấn cũng như chính quyền đang nghi ngờ; thậm chí đã có những bằng chứng thấy rõ, như việc một số thành viên của Hội bị bắt, bị kết án là hoạt động cho cộng sản.
Tôi liền trả lời:
- Thưa bác sĩ, tôi chỉ là cố vấn của Hội mà Hội thì có cả chục cố vấn, tôi bận nhiều công việc lắm, ít khi đi họp mà chỉ dự những buổi lễ lạc, tiếp tân.
Bác sĩ Tuyến nói:
- Tôi đã bàn với bà Bút Trà rồi và tôi đề nghị với bà ấy nên mời bà Tùng Long làm Tổng thư ký. Bà ấy cũng đã trả lời là bà bận nhiều việc lắm, mà việc hội thì đâu có lương hướng gì, chắc chắn bà sẽ không nhận. Tôi thì hiểu bà không muốn chen vào một tổ chức có những thành phần cộng sản, chớ còn chuyện viết lách thì vừa làm Tổng thư ký hội vừa làm báo cũng không phải là khó, chỉ cần bỏ bớt giờ dạy là được. Tôi đã mời bà Bút Trà lên đây để khuyên bà ấy giao chức Tổng thư ký Hội phụ nữ Việt Nam cho bà đảm trách.
- Xin bác sĩ cho phép tôi thu xếp lại công việc vì thú thật với bác sĩ tôi chỉ thích viết văn và dạy học. Còn chuyện làm việc xã hội, tham gia hội này hội nọ chỉ là chuyện trách nhiệm chung mà thôi, không có tôi thì cũng có người khác đảm đang được.
Đưa tôi ra tận cửa, bác sĩ Tuyến còn nhắc lại: “Chỉ với bà thì bà cố vấn mới bằng lòng và mới cho phép Hội phụ nữ Việt Nam hoạt động”.
Mặc dù tôi không chịu nhận chức Tổng thư ký Hội phụ nữ Việt nam, các chị em trong hội cũng như chị Bút Trà cứ năn nỉ tôi nên nhận, để tìm cách cứu lấy cái hội mà chị Bút Trà đã mất bao công sức xây dựng từ đời chính phủ Nguyễn Văn Tâm. Vì lẽ đó mà tôi phải nhận chức Tổng thư ký và phải bỏ dần những giờ dạy ở các trường, khiến các hiệu trưởng Phan Ngô ở trường Les Lauriers và Phan Thuyết ở trường Đạt Đức vô cùng mến tiếc, và cả đám học trò cũng vậy. Thật ra lúc ấy tôi cũng đang bị nám phổi và bác sĩ Boucheron đã khuyên tôi nghỉ dạy…
Bây giờ họ còn đòi sáp nhập Hội phụ nữ Việt Nam vào Hội phụ nữ liên đới! Không khỏi tức bực, tôi nói:
- Như vậy là họ muốn dẹp hẳn cái hội của mình rồi, cho sáp nhập vào đó thì còn làm được việc gì nữa? Hội phụ nữ Liên đới của bà Nhu là một hội chính trị, để nắm hết phụ nữ theo bà hầu như có lợi cho chánh quyền Ngô Đình Diệm. Phụ nữ Bán quân sự, Thanh nữ Cộng hòa, tất cả những tổ chức đó cũng chỉ có một mục đích củng cố quyền lực cho gia đình họ Ngô. Bây giờ chị tính sao?
Chị tôi cũng tức lắm:
- Sáp nhập gì? Đó là kiểu họ giải tán khéo hội của mình thôi.
- Vậy chị tính sao?
- Còn tính gì nữa? Đã có giấy của bà cố vấn định ngày đưa người xuống hợp thức hóa sự sáp nhập hội mình vào phong trào Liên đới rồi.
- Thế thì chị phải mở một cuộc họp nội bộ ngay tức khắc để nói rõ ý đồ của bà Nhu, rồi mình bàn cách đối phó, bằng cách xin trì hoãn.
Chị Bút Trà của tôi là chủ nhiệm báo Sàigòn Mới. Sau ngày đơn vị nhảy dù định lật đổ chính phủ Diệm (1-11-1960), một vài tờ báo trong đó có báo Sàigòn Mới hấp tấp ủng hộ ngay nhóm của đại tá Nguyễn Chánh Thi và báo đã lên khuôn với những bài chỉ trích kịch liệt chế độ gia đình trị của nhà họ Ngô, suýt nữa thì bị đóng cửa, nếu không nhờ bà vợ ông bác sĩ Tuyến che chở giùm, năn nỉ bác sĩ Tuyến tìm cách bỏ qua, chỉ kêu lên răn đe rồi cho mở lại báo sau mấy ngày đóng cửa. Vì vậy cuối cùng chị đã không dám phản đối quyết định của bà Nhu. Chị đã nói trong buổi họp mặt đông đủ chị em trong Ban trị sự:
- Mình đâu dám cãi lại bà cố vấn. Mấy chị thì không sao chớ còn tôi cần có tờ báo trong tay để nuôi gia đình tôi và gia đình các ký giả, công nhân máy in, có bề gì thì khổ cả đám.
Thế là chị Bút Trà gọi điện thoại cho chị Khánh Trang, bí thư của bà Nhu, để trả lời đồng ý sáp nhập Hội phụ nữ Việt Nam vào phong trào Phụ nữ Liên đới. Bà Nguyễn Văn Là, vợ của tướng Là, tổng thư ký phong trào Liên đới Trung ương, có gọi điện nói chuyện với tôi là bà chỉ vâng theo chỉ thị của bà cố vấn, và nhờ tôi nói giùm vớí chị Bút Trà đừng hiểu lầm việc này có ý kiến của bà.
Lễ bàn giao hội đã cử hành tại trụ sở Hội phụ nữ Việt nam ở Bàn Cờ. Đại diện cho phong trào Liên đới là phu nhân tướng Nguyễn Văn Là, Tổng thư ký phong trào Phụ nữ Liên đới Trung ương, bà luật sư Nguyễn Phước Đại – đại diện cho Hội phụ nữ Việt Nam (vì tôi là Tổng thư ký).
Thật là chuyện khó xử giữa ba chúng tôi. Tôi và bà Đại quen nhau khá thân. Qua công việc của bà, tôi phục bà có tài ăn nói, nhiều vụ kiện do bà cãi đã làm nổi bật vai trò của bà ở pháp đình; còn bà thì hiểu tôi qua những bài tôi viết. Bà tướng Là thì xuất thân là một nhà giáo, cũng hiền lành và cũng thông cảm cho vấn đề khó xử của Hội chúng tôi, nên đến dự mà mặt mày không vui. Tôi không thân với bà Là, chỉ gặp bà qua những cuộc họp. Tôi thấy bà có tài điều khiển, có thái độ cởi mở và khiêm tốn, và nhất là bà tuy hoạt động ngoài xã hội vẫn là một người vợ biết lo cho gia đình con cái.
Bà Là đọc báo cáo xong, đến khi ký vào biên bản thì bà Nguyễn Phước Đại hỏi tôi: “Bà Bút Trà là sáng lập viên của hội từ bao nhiêu năm, từ thời Pháp thuộc, duy trì đến nay là một công lao lớn, tại sao không có mặt? Còn thế nào gọi là sáp nhập? Nếu tất cả hội viên không đồng ý thì sao, và ai có quyền bắt tất cả hội viên phải vào phong trào Liên đới? Họ có quyền lựa chọn chứ? Còn trụ sở nầy của hội thì sao?”.
Bà Là nói:
- Theo bà cố vấn thì giải tán trụ sở nầy, chị em từ nay là đoàn viên của phong trào Liên đới. Bà Bút Trà phải cho chỉ thị xuống các tỉnh để giải tán các chi nhánh hội ở tỉnh. Và bây giờ, xin mời bà Tùng Long đại diện cho hội và cho bà Chủ tịch, bà luật sư Nguyễn Phước Đại ký vào biên bản.
Tôi liền nói:
- Đã có chỉ thị của bà cố vấn, và hiện giờ có bà Là là Tổng thư ký phong trào Trung ương ký vô là đủ rồi, tôi thiết nghĩ tôi không cần thiết phải ký. Sau này, chị em nào của Hội phụ nữ Việt Nam có gì thắc mắc thì chúng tôi chỉ cần đưa chỉ thị của bà cố vấn ra là đủ. Vả lại tôi thiết nghĩ tôi không có thẩm quyền để ký…
Ý tôi ngầm nói là việc làm của bà cố vấn sai với pháp luật, là một việc cậy quyền ỷ thế. Ngay như tại Quốc hội, bao người có học thức, khoa bảng đã nhận thấy Bộ luật gia đình của bà là vô lý, không phải để bênh vực phụ nữ mà chỉ nhắm cho quyền lợi của chị bà là bà Trần Thị Lệ Chi, vợ của tổng trưởng Nguyễn Hữu Châu, vậy mà ai nấy có phản đối thì đạo luật vẫn được thông qua. Thì với cái Hội phụ nữ này, bà Bút Trà đã tránh mặt, tôi còn bàn cãi làm gì?
Nghe tôi nói thế, bà Là xoay lại hỏi bà Nguyễn Phước Đại:
- Vậy thì xin bà luật sư đứng về mặt tư pháp ký vào.
Bà Nguyễn Phước Đại vẻ mặt buồn xo nói:
- Tôi thấy chuyện giải tán Hội phụ nữ Việt nam là một việc không đúng pháp lý, tôi cũng không có thẩm quyền ký vào, sau này có tội với lịch sử vì mình là một người hiểu luật, làm luật, sao lại ký vào một văn bản như thế này? Thôi, một mình bà Là, đại diện bà cố vấn ký vô là được rồi.
Nói xong bà Đại liền xin phép phải đi gấp vì có một phiên tòa đang đợi bà.
Bà Là nhìn tôi hỏi ý kiến:
- Như vậy tôi cứ ghi vào đây là mọi người đều chấp thuận chỉ thị của bà cố vấn và tôi ký vô là đủ rồi phải không?
Rồi bà nói nhỏ với tôi:
- Làm lấy có thôi, mọi việc đã an bài rồi.
Thế là từ đó coi như Hội phụ nữ Việt Nam của chị Bút Trà đã bị giải tán.
Sau việc nầy, một hôm tôi gặp chị Khánh Trang trong một buổi họp về bảo vệ phụ nữ và nhi đồng. Tôi ngồi ở hành ghế thứ ba, thì bỗng chị Khánh Trang xoay lại nhìn thấy tôi và đưa tay ngoắc tôi lên ngồi gần chị. Chị nói:
- Tôi có chút việc nói với chị, định gọi điện thoại về nhà báo thì không tiện. Chị không có điện thoại riêng phải không?
- Vâng, tôi không có. Thế có chuyện gì hả chị?
- Chuyện như thế này. Bà cố vấn thấy rằng khóa I Quốc hội chỉ có 5 dân biểu nữ, và khóa II chỉ có 9 người. Như vậy bà cho là ít và lần này khóa III, muốn đề cao vai trò của phái mình, bà cố vấn đưa ra 25 phụ nữ để tranh cử với phái nam.
Tôi liền hỏi:
- Vậy chắc là chị được đề cử chứ gì?
Khánh Trang cười:
- Ồ không, tôi là người trong bóng tối vì là bí thư riêng của bà. Với số cũ 9 người, trong đó cũng có giáo sư, luật sư, nghiệp đoàn lao động, bác sĩ. Lần nầy với 25 người, tôi thấy toàn là phu nhân các ông tướng, các công chức cao cấp, chẳng hạn là bà Là, bà Cao Văn Viên, bà Quách Tòng Đức, bà Trương Công Cừu, thêm vài bà luật sư như bà Huỳnh Ngọc Anh, bà Trần Thanh Phương. Luật sư, giáo sư, bác sĩ đã có, chỉ còn thiếu một nhà văn, nhà báo.
Tôi vội vàng nói:
- Bà Bút Trà sẽ được nhiều phiếu lắm đó.
- Nhưng về trình độ học thức…
- Thế chị quên rằng bà Huỳnh Ngọc Nữ…
Chị Khánh Trang nói:
- Ờ, chị Nữ khá hơn nhiều, lại thuộc thành phần lao động.
Rồi chị nhìn tôi cười:
- Hay là chị ra ứng cử đi? Chị thì không ai không biết. Chị vừa từ chối chức Hội đồng tỉnh Gia Định phải không?
Tôi thở dài:
- Tôi bận nhiều việc lắm. Cả lũ con…
Chị Khánh Trang nói:
- Ồ, những chuyện đó tính sau. Chị còn dám từ chối cả một căn phố lầu của tỉnh Gia Định muốn giúp chị nữa mà.
- Sao chị biết?
- Bà cố vấn cũng biết.
- Vậy thì bà cố vấn còn bảo tôi ra tranh cử làm gì?
- Thì vì quyền lợi của phụ nữ. Nam giới họ ghét mình chỉ vì mình đòi ngang hàng với họ, và phụ nữ lúc nào cũng thiệt thòi.
Tôi cười:
- Chị biết vậy thì chị cứ để tôi viết báo, với cây bút của tôi có thể làm được nhiều việc cho chị em hơn là vào Quốc hội đầy mùi chánh trị (tôi muốn nói “bù nhìn” nhưng ngăn lại kịp).
Thế là một cuộc tranh luận giữa tôi và Khánh Trang về vai trò của người phụ nữ đã diễn ra. Chị Trang nói:
- Mình cứ vào đó rồi sẽ có cách để giúp chị em đắc lực hơn.
Tôi liền nói:
- Chúng mình sẽ bàn lại sau…
Tôi về và có hỏi ý kiến anh chị Bút Trà và nhà tôi. Anh Bút Trà khuyên gặp việc cứ làm, còn nhà tôi thì nói:
- Em liệu làm được thì làm.
Riêng chị Bút Trà rất thực tế:
- Thím muốn làm được việc của mình thì không nên từ chối nữa. Thím có thấy ai dám cãi lại lời của bà Nhu không nào?
Đó là vào khoảng tháng 4 năm 1963.
Thế rồi tôi được mời họp liên miên ở dinh Độc lập và bà Nhu chấp thuận cho Khánh Trang ghi tên tôi vào danh sách 25 phụ nữ ra ứng cử kỳ III của Quốc hội. Nhiều người nói với tôi, chánh phủ Ngô Đình Diệm đang gặp nhiều khó khăn, chống đối. Dân chúng không còn tin cậy như lúc Ngô Đình Diệm mới về. Lúc này mà ra không khéo kẹt. Nhưng làm sao bây giờ, tôi đã từ chối nhiều lần, từ chối lần này nữa e khó được yên ổn để làm việc.
Tôi bỗng có ý nghĩ xin ra ứng cử ở ngay tỉnh Quảng Ngãi, để có thể làm được một cái gì cho quê chồng, cho nơi tôi đã sống những năm nghèo khó nhưng lại đầy kỷ niệm về tình cảm của học trò. Tỉnh Quảng Ngãi là một tỉnh tích cực trong các phong trào đấu tranh, trong tư tưởng vì nước vì dân, ra tranh cử ở đây thế nào tôi cũng có thể giúp cho tỉnh này một phần nào. Tôi vốn sanh ra ở Quảng Nam, lẽ ra tôi nên xin ứng cử ở Quảng Nam thì hợp lý hơn, dễ dàng hơn, nhưng không hiểu sao trong đời tôi cứ thích làm những việc cần đem tài sức ra tranh đoạt, chớ ra ứng cử với cảnh một mình một cõi, không có người tranh thì chẳng ra cái gì cả.
Thật ra với 25 ứng cử viên nữ đó, trưởng ban vận động tranh cử của bà Nhu lúc bấy giờ là Hà Như Chi, dân biểu của hai khóa đầu, đã nghe theo chỉ thị của cấp trên bố trí thế nào để không một ai bị thất cử. Nói như vậy các bạn cũng hiểu thời ông Diệm, độc tài là như thế nào rồi, và bà Nhu đã có một quyền lực như thế nào ở chánh quyền này.
Hôm tập họp để chia địa phương cho 25 phụ nữ ra tranh cử Quốc hội khóa III lần này, phần nhiều bà mệnh phụ phu nhân đều được đưa đi những quận xa xăm, không có người tranh cử. Các bà ấy một mình một chợ, nắm chắc phần thắng trước khi bầu. Hôm ấy bà Nhu ngồi ở đầu bàn, hai bên là hai phụ tá Hà Như Chi và Khánh Trang. Phần đông các bà chịu đặt đâu ngồi đó, theo sắp xếp của cấp trên. Duy chỉ có chị Nguyễn Phước Đại ra ứng cử ở Sài Gòn, đơn vị cũ của chị hồi khóa II. Khánh Trang cũng được điều động đến một đơn vị khỉ ho cò gáy. Tôi xin ứng cử tại Quảng Ngãi và người ta bố trí cho tôi ở huyện Sơn Tịnh. Tôi liền nói với mấy bà ngồi gần tôi là tôi không muốn ra ứng cử ở Sơn Tịnh, mà chỉ muốn chọn huyện Tư Nghĩa, nơi có thị xã Quảng Ngãi. Các bà ấy tỏ ý sợ sệt:
- Làm sao dám nói?
Tôi nói tôi sẽ xin lên phát biểu ý kiến chớ có gì khó đâu.
Họ cản tôi:
- Chị làm thế phật ý bà cố vấn mới sao?
Thấy chúng tôi bàn tán, bà Nhu hỏi:
- Chị em có ai có ý kiến gì không?
Tôi liền đưa tay lên xin phát biểu ý kiến. Chị Hồ Thị Chi, bạn thân cùng học ở Gia Long với tôi ngày nào, không kịp kéo tay tôi thì bà Nhu đã nói:
- Mời bà Tùng Long lên phát biểu.
Thế là tôi đi lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Tôi trình bày là tôi đã từng sống ở Quảng Ngãi và biết rõ tỉnh này. Tôi xin ra ứng cử ở Tư Nghĩa mà không phải ở Sơn Tịnh theo sự giới thiệu của Ban vận động ứng cử, vì tỉnh Quảng Ngãi càng đi xa thị xã, đi ra các quận huyện thì sự an ninh càng phải giữ gìn. (Lúc đó tôi thật ngớ ngẩn: mấy bà ra ứng cử ở các quận huyện xa xôi đâu cần phải đến đó ra mắt hay tranh cử. Vì có ai ra tranh cử đâu? Và có ai dám không bỏ thăm cho các bà đã đứng ra tranh cử trong phong trào Liên đới? Nhưng không ai giải thích cho tôi cả, tôi cứ nghĩ ra tranh cử như chị Phước Đại ở Sài Gòn thì phải vất vả hơn nhiều, phải lên diễn đàn, phải tranh với những ứng cử viên khác như với Phạm Văn Thùng được đồng bào lao động ủng hộ kịch liệt ở quận Nhì. Đành rằng rốt cuộc chị cũng thắng và Phạm Văn Thùng dù được dân lao động ủng hộ cũng phải chịu thua. Bấy giờ khi đã dẫm chân vào con đường chánh trị tôi mới thấy không phải là chuyện đơn giản, đôi khi còn phải dối trá, gian lận, cúi lòn, miễn sao được việc là được). Bà Nhu nghe tôi trình bày xong liền chỉ thị ngay cho Hà Như Chi:
- Ông Hà Nhu Chi, ông sắp xếp lại để bà Tùng Long ra ứng cử ở Tư Nghĩa, đơn vị mà bà yêu cầu.
Hà Như Chi cúi đầu vâng dạ, còn mấy bà khác khi nghe bà Nhu nói thế đều không khỏi ngạc nhiên là tại sao bà Nhu lại có thiện cảm với tôi như vậy. Tôi cám ơn bà Nhu rồi trở về chỗ ngồi. Chị Hồ Thị Chi nói nhỏ: - Chị Tùng Long gan thật đấy. Mấy ai dám xin đổi đơn vị như vậy.
Sau chuyện này, mấy bà phu nhân của các ông Bộ trưởng , giám đốc ra ứng cử đều nể tôi lắm, họ cứ nghĩ là bà Nhu nể tôi. Sự thật tôi chưa từng xin gặp riêng bà Nhu để xin xỏ việc này việc nọ. Tôi chỉ muốn làm một cái gì đó cho phụ nữ, và người dân nói chung ở Quảng Ngãi, quê chồng tôi. Người ta cần tôi thì tôi giúp, dù người ấy là ai đi nữa, và tôi giúp vì lợi ích chung mà thôi. Tôi đã từng ở Quảng Ngãi bao nhiêu năm, trong thời kỳ đi tránh bom đạn của Mỹ. Tôi đã sống những năm thiếu thốn về vật chất nhưng về mặt tinh thần thì vô cùng có ý nghĩa, vì nơi ấy tôi đã rút ra bao nhiêu kinh nghiệm để viết lách, đã đào tạo được một nhóm học trò, không phải những học trò giàu có, mà là những nông dân lớn tuổi chưa từng biết chữ i chữ tờ, những trẻ em nghèo bỏ học nửa chừng để phụ giúp cha mẹ trong công việc kiếm sống hằng ngày, giúp các em ấy có một số kiến thức để khi bước chân vào đời nếu có phương tiện có thể học thêm.
Ra Quảng Ngãi để có mặt tại đấy cùng với các ứng cử viên khác ở các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, tôi mới biết là chính Hà như Chi đã giới thiệu em trai mình, lúc ấy làm hiệu trưởng trường trung học Tư Nghĩa, ra ứng cử tại Tư Nghĩa, và điều này đã được bà Như cùng hội đồng duyệt xét đưa người ra tranh cử chấp nhận và đưa lên danh sách. Thật là một việc bất ngờ! Vậy mà Hà Như Chi đành phải vâng lời bà Nhu để đưa tôi ra ứng cử ở Tư Nghĩa và ông em trai của Hà Như Chi đành rút lui. Việc này còn làm cho tôi thêm uy tín.
Khi tôi họp ở tỉnh thì có nhiều người trong giới chính quyền nói cho tôi biết nếu ra ứng cử ở Tư Nghĩa tôi khó mà tranh nổi với Hoàng Vinh, một giáo sư dạy ở Huế, người của ông Cẩn đưa vô tranh cử ở Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa. Họ khuyên tôi để tỉnh bố trí ra tranh cử ở Sơn Tịnh, một mình một chợ, khỏi phải vất vả, vì Hoàng Vinh là một tay chính trị đã từng vào tù ra khám, rể của bà Phạm Hòe, bạn của gia đình tôi. Tôi không lạ Hoàng Vinh, nó thuộc về vai cháu, nhưng việc đã rồi, tôi đã tự nguyện xin ra ứng cử ở Tư Nghĩa thì tôi phải chịu, bây giờ gặp đối đầu và bị người ta hù là rút lui hay sao? Đời tôi lại vốn hay thích làm một chuyện gì mà người khác không làm được và không bao giờ chịu lùi bước trước một khó khăn.
Đến lúc đó tôi mới thấy Hà Như Chi thật nể sợ bà Nhu. Hôm họp ở Sài Gòn ông ta có quyền nói đơn vị này đã được bố trí xong, vànói với tôi là cứ yên lòng vì an ninh trong khi đi bầu cử đã có chính quyền địa phương đảm trách, thì chắc tôi cũng không nài ép làm gì. Hà Như Chi sau việc này cứ tưởng tôi được bà Nhu nể nang vì tôi có uy tín nhiều trong giới phụ nữ. Điều này thì chính tôi cũng không biết.
Ở Quảng Ngãi lúc bấy giờ có em gái tôi cùng chồng là Trần Quang, một đông y sĩ có tiếng ai cũng biết. Trần Quang cũng lăm le ra tranh cử dân biểu ở quận Tư Nghĩa. Ở hai huyện khác đã có hai dân biểu tái ứng cử và là đảng viên của đảng Cần lao Nhân vị, họ nắm chắc sự đắc cử trong tay, dù có người ra tranh cử cũng chỉ là hình thức mà thôi. Ba người mới ra lần đầu là bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, rồi một dược sĩ từ Đà Nẵng vào, thứ ba là tôi, nhà văn.
Khi ra tới Quảng Ngãi, tiếp xúc với chị em trong phong trào Phụ nữ Liên đới và trong các đoàn thể khác do chánh quyền lập nên như Cần lao Nhân vị, Thanh niên Cộng hòa, tôi mới thấy tất cả những đoàn thể này đều có tên mà không có thực lực, đều là những hội bù nhìn thành lập ra để trang sức, quảng cáo cho chế độ mà thôi.
Lúc ấy tôi mới bật ngửa và vô cùng thất vọng, nhưng tiến thoái lưỡng nan, công việc đã đâu vào đó rồi, tôi đâu có thể đùa giỡn với chính quyền được. Sau lần đầu ra Quảng Ngãi, tôi trở về Sài Gòn đến gặp các bạn thân như Hồ Thị Chi, Huỳnh Ngọc Nữ để nói chuyện. Cả hai người này họ đều biết tất cả. Chị Huỳnh Ngọc Nữ đại diện cho đảng Lao Động, chị là vợ của ông Bửu, tất nhiên phải biết rõ, nhưng chị được mời ra ứng cử từ khóa đầu, chị cũng có một mục đích khi nhận lời là nhân cơ hội này giúp đỡ giới lao động được phần nào hay phần nấy. Chị Hồ Thị Chi thì nói: “Mình ra ứng cử, bao giờ đắc cử tùy cơ ứng biến ráng làm sao giúp được dân chúng phần nào thì cứ làm”. Thật ra chị Hồ Thị Chi có chân trong phong trào Cần lao Nhân vị, vì vậy sau ngày quân đội cướp chính quyền và lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, chị Hồ Thị Chi bị bắt giam một thời gian cùng với chị Khánh Trang.
Có một chuyện thật lạ là khi tôi bước vào kho bạc để đóng lệ phí ra ứng cử, lòng tôi hồi hộp một cách khó hiểu, và khi tôi lấy bút ra để ký tên thì năm lần bảy bận đều viết không ra chữ. Thật kỳ lạ vì cây bút của tôi là cây bút đặc biệt dùng ống mực lắp vào chớ không phải là loại viết phải bơm mực. Viết rất đắt tiền, tôi đã dùng nó để viết văn, dạy học suốt cả thời gian dài không bao giờ trục trặc. Một linh tính cho tôi biết là có người khuất mặt cản trở, báo động trước là cuộc ứng cử này dù có đắc cử cũng không có lợi cho thanh danh của tôi. Tôi mới lâm râm khấn vái là công việc đã lỡ rồi, dù muốn dù không tôi cũng không thể lùi bước lúc nầy, và tôi thề với vong linh các tiền nhân, nếu đắc cử sẽ cố gắng làm một cái gì cho tỉnh nhà. Khi tôi vái xong, đặt viết xuống ký thì có mực ngay. Chính ông thủ quỹ đưa giấy tờ cho tôi cũng không khỏi lấy làm lạ. Hai lần ông đưa viết cho tôi vì tưởng viết tôi hết mực, tôi đều từ chối, cứ đứng như trời trồng. Ông nhìn tôi chăm bẳm cho đến khi tôi quay lại, đi ra cửa và lên xe.
Chuyện bầu cử dưới thời Ngô Đình Diệm là vậy đó, xem ra cũng chỉ là một màn kịch có đạo diễn – và đạo diễn rất vụng về mà thôi.
Lọt vào màn kịch chánh trị ấy và đóng vai trò một ứng cử viên vào Quốc hội, tôi lại không chịu làm diễn viên mà lại muốn chánh thức tranh cử, vất vả không thua gì bà Nguyễn Phước Đại khi tranh cử ở Sài Gòn. Nhưng nói thì nói vậy, dù có tranh cử thật tình, vẫn có sự gian lận và giàn xếp thế nào cho những ai được nhà nước đưa ra đều đắc cử. Mà thật vậy, luôn ba khóa liền không có ai là người của ông Diệm đưa ra mà rớt cả.
Tuy phần lớn dân biểu của ba khóa đều thuộc hàng trí thức, những nhà khoa bảng, những nhà chính trị, nhưng than ơi, một khi lọt vào chế độ phải phục tùng ấy thì dù có thành tâm nhiệt huyết đến đâu cũng chẳng làm được trò gì ngoài việc sai đâu làm đó.
Quay lại chuyện tôi ra tranh cử. Ở các quận khác như Sơn Tịnh, Bình Sơn, Đức Phổ, Ba Gia, … mỗi quận chỉ có một ứng cử viên, riêng quận Tư Nghĩa của tôi là hai. Ứng cử viên kia là Hoàng Vinh, mà dân chúng ở đây nói là người của ông Cẩn. Hoàng Vinh là người công giáo, lại có lần ở tù dưới thời cộng sản. Đi đâu anh ta cũng huênh hoang là sẽ đắc cử như lật bàn tay vì anh ra là người của ông Cậu (ông Cậu ở đây là Ngô Đình Cẩn). Còn tôi, họ bảo tôi ra với danh nghĩa của phong trào Liên đới, tôi là người của bà Nhu. Lúc bấy giờ bà Nhu và ông Cẩn kình nhau tranh giành quyền lực, nên ai cũng bảo tôi khó mà đắc cử được ở đơn vị nầy, vì miền Trung là miền của ông Cẩn.
Riêng tôi, tôi không hề lấy chuyện đắc cử làm trọng, nhưng dù ra ứng cử với danh nghĩa nào thì tôi vẫn nghĩ mình cứ làm hết mình, đắc hay thất không là chuyện đáng kể. Đời tôi từ thuở bé thích làm những gì khó khăn mà người ta không làm được. Làm cái gì mà không có sự cố gắng, tranh đua, làm cái gì mà không hết lòng là tôi không thích. Tôi không hề muốn phụ đời, phụ người, không muốn đối xử thiếu công bằng với bất cứ ai. Vì lẽ ấy, nếu ngưới khác mà gặp cảnh như tôi chắc phải lo nghĩ thối lui hay cầu cứu lung tung. Tôi thì không. Vì vậy ở các buổi ra mắt đồng bào cử tri ở các xã, tôi đã phải tranh đấu với Hoàng Vinh một cách ráo riết và tôi nhất định không chịu thua. Hoàng Vinh đã phải chạy ra Huế để xin gặp Đức tổng giám mục Ngô Đình Thục và cậu Cẩn. Lần đó ai cũng tưởng tôi thất cử, mặc dù ở Tư Nghĩa tôi có một số bạn bè và một số học trò cũ ở Mỹ Thịnh, An Hội. Các học sinh ấy bây giờ là cán bộ trong bộ máy chính quyền Ngô Đình Diệm. Nhưng thật tình mà nói, dân Quảng Ngãi lúc bấy giờ cũng phải nể tôi, vì thấy tôi là một phụ nữ mà lại có tài hùng biện, rất dạn dĩ khi đứng trước quần chúng. Các bạn thừa biết Quảng Ngãi cũng như Nghệ An, là một tỉnh rất nổi tiếng về dân trí trong các phong trào cách mạng chống Pháp. Bao nhiêu anh hùng chí sĩ xuất phát từ hai tỉnh Nghệ An và Quảng Ngãi. Trong Sài Gòn, các bạn tôi đều lấy làm lo cho tôi, nhưng tôi cứ tỉnh bơ. Thậm chí các ông ra ứng cử ở mấy đơn vị khác của tỉnh Quảng Ngãi do phong trào cách mạng quốc gia hay phong trào Cần Lao Nhân Vị cứ lo cho tôi và hỏi: “Chị có báo cáo tình hình tranh cử của chị ngoài này cho Trung ương biết không?”. Tôi nói: “Cần gì phải vậy? Đắc cử hay thất cử có sao. Mình làm hết mình thì thôi. Mấy lần đi các xã để tranh cử với Hoàng Vinh, tôi thấy tôi cũng chiếm được ít nhiều cảm tình của cử tri”.
Có người la lên:
- Trời ơi! Chị tin như vậy sao? Chị ở trong Nam, chị không biết oai quyền và thế lực của ông Cẩn sao?
Tôi chỉ cười:
- Chuyện đắc cử lúc này chưa hẳn là điều may đối với tôi đâu. Tôi đâu thích làm chánh trị, tôi chỉ thích viết văn và dạy học thôi.
- Vậy chị ra ứng cử làm gì?
Và rồi như hiểu vì lẽ gì tôi ra ứng cử, họ lắc đầu:
- Người ta cần chị thì chị cũng phải làm sao để đắc cử chớ?
- Mấy anh nói chuyện buồn cười thật, tôi cũng đã làm hết mình rồi đó. Các anh có ai không một mình một chợ đâu, chỉ có tôi là gặp Hoàng Vinh.
Nhưng rồi tôi vẫn đắc cử.
Trở về Sài Gòn, tôi phải dự các cuộc họp liên miên trước ngày khai mạc Quốc hội khóa III vào tháng 10-1963. Lúc bấy giờ tình hình chính trị đã thay đổi nhiều. Như trên tôi đã nói, khi ông Ngô Đình Diệm về nước dẹp được Bình Xuyên, Hòa Hảo thì dân chúng thán phục tin cậy biết bao nhiêu, thì sau bốn, năm năm chấp chính, dân chúng từ hàng trí thức đến dân lao động đã bắt đầu bất bình (nên có sự mưu lật đổ chính quyền của quân nhảy dù vào năm 11.11.1960 và sau đó là vụ dội bom vào dinh Độc Lập ở cánh cư ngụ của gia đình cố vấn Ngô Đình Diệm. Cả hai lần này đều không thành công vì còn những tướng lãnh trung thành với Ngô Đình Diệm, tuy thù ghét ông bà cố vấn Ngô Đình Diệm và chính sách gia đình trị của nhà Ngô).
Tôi vừa dự lễ ra mắt dân biểu khóa III thì một tháng sau đã có cuộc đảo chánh 1-11-1963 lật đổ chánh quyền Ngô Đình Diệm. Và thật buồn cười là ngay tháng lương đầu của Quốc hội, lúc bấy giờ là 25.000đ, tương đương với 5 lượng vàng (nhưng còn ít hơn tiền tôi viết ở các báo lúc bấy giờ), tôi còn chưa được lãnh.
Trước đó vài ngày thôi, chủ tịch Quốc hội, ông Trương Vĩnh Lễ, làm việc tại Tòa Đô chánh (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân TPHCM) đãi các dân biểu và một số quan khách. Khi đến dự, tôi thấy không khí buổi lễ thật là buồn tẻ. Một số dân biểu ở tỉnh đã có người về tỉnh, một số quan khách được mời lại không đến, một số dân biểu trong chính quyền cũng vắng mặt, nên phòng khánh tiết của Tòa Đô chánh thấy rộng rãi thênh thang quá. Tôi để ý thấy các ông cứ họp nhau từng nhóm bàn chuyện gì riêng, còn ngay ông Trương Vĩnh Lễ là người đứng ra mời khách lại buồn so. Tôi nói với mấy chị bạn của tôi: “Khách khứa hôm nay sao ít quá! Tiệc tùng như thế mà chẳng thấy ai vui vẻ, chả ai thiết ăn uống gì cả”. Đúng là một số người đánh hơi thấy có chuyện lớn sắp xảy ra. Chắc chắn có người đã hay biết có chuyện đảo chánh nhưng chưa biết vào ngày nào và do ai. Lúc đó bà Nhu vừa đắc cử xong đã từ biệt chúng tôi ở phi trường để đi các nước châu Âu. Khi sắp ra đi tôi còn nhớ bà bị nhà báo Nguyễn Ang Ca phỏng vấn:
- Xin được phép hỏi bà cố vấn, chuyến công du này của bà là bao lâu và với mục đích gì?
Tôi đứng gần đó, nghe bà trả lời:
- Tôi như một cánh chuồn chuồn, khi vui thì đậu, khi buồn thì bay.
Ai ngờ câu nói ấy thật là một điềm gở cho bà, bà đi mà không có ngày trở lại và đã mất tất cả ngay từ ngày ấy.
Về chuyện nầy tôi không cần viết dài vì đã có nhiều người viết về cuộc đảo chánh nầy. Tôi chỉ viết về những gì đã xảy ra cho tôi sau cái ngày 1-11 ấy.
À, tôi quên nói cho các bạn biết là trong buổi tiệc tẻ lạnh ấy, các bạn của tôi có hỏi tôi:
- Chị đã lãnh tháng lương đầu của Quốc hội chưa?
Tôi nói chưa. Họ bảo về lãnh đi. Hôm ấy là ngày 29. Và 30 hình như cận ngày chủ nhật. Thế là tôi không lãnh được tháng lương đầu của Quốc hội khóa III ấy. Có nghĩa là tôi chưa hề hưởng một ân huệ nào của chế độ NĐD. Con người ta có phần số như vậy đó.
Không được hay chưa được lãnh tháng lương đầu tiên ấy, tôi không một chút tiếc rẻ, nhưng điều làm tôi buồn là mình tốn công, tốn sức với ý nguyện làm được một việc gì cho tỉnh Quảng Ngãi, giúp được cho chị em bị ức hiếp hay bị bạc đãi, nay cái ước nguyện ấy đã thành mây khói.
Những ngày sau cuộc chính biến ấy thật khủng khiếp, nhất là sau cái chết của ông Diệm và Nhu. Làm chánh trị ít ai tránh khỏi những mất mát về tinh thần lẫn vật chất. Các bạn đồng viện của tôi nhiều người bị bắt, trong đó về phụ nữ thì có bà Hồ Thị Chi, bà Khánh Trang. Nhà cửa một số dân biểu, bộ trưởng bị phá phách như nhà bà luật sư Phan Thị Minh Nguyệt. Còn báo chí thì tòa soạn các báo Tự Do, Sàigòn Mới, Tiếng Chuông… bị dân chúng kéo đến phá tan tành. Chị Bút Trà phải vào bệnh viện Dung Anh của bác sĩ Trần Đình Đệ nằm, lấy cớ bị đau nặng. Ngay con gái út của chị là Nguyễn Thị Kim Châu, chủ rạp hát Kim Châu, cũng bị một bọn người vào uy hiếp, đã phải nhảy xuống lầu nhà bà chủ tiệm sách Lê Phan để trốn tránh.
Nhưng riêng về phần tôi, không ai đả động gì đến tôi cả. Khi các báo đã được chính phủ quân nhân mời lên để đưa đường lối mới của chánh quyền thì tình hình bớt căng thẳng. Một nước chẳng lẽ không có một tờ báo, không nhờ vào báo chí để tuyên truyền, để nói lên các chủ trương của chính phủ? Vì vậy mà các báo lại tiếp tục tái bản và cũng xoay chiều đổi hướng để sống và để anh em làm báo khỏi thất nghiệp. Những cây bút viết xã luận hay viết châm biếm nay cũng phải đổi chiều. Nhà báo mà không viết được thế này thì họ viết thế khác. Cái thời Tây đô hộ họ còn chửi xéo chửi xiêng mà nào có ai làm gì được họ. Nhưng cái gì chớ chuyện lật đổ được chế độ độc tài gia đình trị đến nước không còn ai chịu được nữa thì ai mà không tán thành, ai màkhông đồng ý đồng tình? Còn những người viết tiểu thuyết như tôi, hay viết mục Gỡ Rối Tơ Lòng thì đâu ai cấm viết. Nhưng lúc đầu vì tôi có tên trong khóa Quốc hội thứ III, nên anh chị tôi không khỏi lo sợ, bảo tôi tạm ngưng làm việc. Thấy thái độ thay đổi của ông anh bà chị mà tôi không khỏi tức giận, tuy vậy vẫn không nói gì. Lúc ấy cũng có nhiều báo muốn mời tôi viết. Còn độc giả của Sàigòn Mới hỏi tại sao tôi không giữ các mục cũ mà bỏ tiểu thuyết gián đoạn. Anh Bút Trà buộc lòng phải cho in tiếp tiểu thuyết của tôi nhưng thật hèn nhát là… không đề tên tác giả. Lúc bấy giờ có một vài tờ báo của nhóm quân nhân đỡ đầu ngỏ ý mời tôi viết, ông bà Bút Trà mới hốt hoảng và để tên tôi trở lại. Cuộc đảo chính tuy thành công nhưng cái chết của ông Diệm đã khiến một số sĩ quan, một số người trung thành với chế độ cũ, nhất là với cá nhân ông Diệm bất bình ra mặt. Rồi sự tranh quyền của những sĩ quan với nhau khiến tình thế chánh trị lúc bấy giờ rối mù. Hết đảo chính này đến đảo chính khác, riết rồi dân chúng cũng chán ngán vì họ cảm thấy khó làm ăn, không biết phải tin vào ai.
Nói không làm chính trị rồi cũng mắc chân vào. Hai lần, một lần được mời làm Hội đồng tỉnh Gia Định, một lần được mời đứng vô Liên danh ông Nguyễn Thế Trình để ra tranh cử với đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm, để ra tranh cử với đương kim Tổng thống Ngô Đình Diệm, cả hai lần tôi đều từ chối được. Nhưng còn lần ra ứng cử dân biểu Quốc hội khóa III cũng là lần được mời và trong tình thế không thể từ chối được, tôi ra tranh cử và đắc cử nhưng khóa Quốc hội ấy chỉ sống được một tháng rồi cuộc đảo chính nhà độc tài Ngô Đình Diệm đã cho tôi rút chân ra khỏi đường chánh trị và trở về cuộc sống yên lành của nhà văn.
Khoảng thời gian này con cái của tôi đã có ba đứa vào đại học, ba ở trung học và ba ở tiểu học. Tôi vẫn viết đều đặn, đời sống tuy không dư dả, không giàu có như ai, nhưng cũng đủ lo cho con và cũng có được một phương tiện để tham gia các đoàn thể, làm công tác xã hội.
Nhưng rồi người ta vẫn không để yên cho tôi được sống yên lành, người ta vẫn rấp tâm rủ tôi ra ứng cử. Đây là thời Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống. Lần nầy người ta mời tôi ra ứng cử Thượng nghị sĩ!
Buồn cười thật! Đời tôi toàn gặp những chuyện như trò chơi. Cái gì ai có thì mình dù không muốn cũng có như ai. Số là Kiều Mộng Thu, vợ ông Nguyễn Chức Sắc, phó tỉnh trưởng ở Cà Mau, là một cây bút nghiệp dư nhưng có tài và rất lanh lợi khôn ngoan, lại thêm đẹp đẽ dễ coi. Kiều Mộng Thu ở tận dưới đồng bằng sông Cửu Long nên cũng buồn, thường thì viết thư làm quen với các nhà văn nhà báo có tiếng lúc bấy giờ. Với tôi, Kiều Mộng Thu mấy lần viết thư làm quen và thỉnh thoảng có ai về Sài Gòn thì gởi lên cho tôi nào là mắm cá lóc, nào tôm khô… Rồi Kiều Mộng Thu đến thăm tôi và có lần đưa cả Nguyễn Chức Sắc đến thăm nhà tôi và rồi thành bạn thân với nhau.
Cuộc bầu cử Thượng nghị sĩ khóa II của chế độ mới lại đến. Nguyễn Chức Sắc nguyên là một người có địa vị nào đó trong đạo Cao Đài nên giáo phái định đưa ra một liên danh để tranh vào Thượng Nghị Viện. Mỗi liên danh là 10 người, có cả thảy chục liên danh. Tôi còn nhớ có một liên danh trong đó có bà Nguyễn Phước Đại. Liên danh Cao Đài gồm chín người đàn ông và họ mời tôi là phụ nữ để đủ mười ứng cử viên. Kiều Mộng Thu thì được giáo phái này đưa ra ứng cử dân biểu Quốc hội ở Huế.
Một chức sắc Cao Đài (tôi quên tên rồi) đến gặp tôi và nhà tôi để bàn về chuyện nầy, hôm đó có cả Nguyễn Chức Sắc và Kiều Mộng Thu. Nhà tôi không có ý kiến gì, khuyên tôi nên cân nhắc, nếu nhận lời được thì nhận lời. Còn Kiều Mộng Thu thì hết lời năn nỉ tôi nên nhận lời và còn nói có chị liên danh này sẽ đắc cử là vì chín người kia cũng là những người có tên tuổi. Nếu tôi nhận lời họ sẽ tập hợp lại trên Đà Lạt để bàn tính chuyện ra tranh cử, vấn đề tài chính ai tài trợ và phải dựa vào ai để nắm chắc phần đắc cử. Qua các liên danh đã thành lập, tôi thấy liên danh của chị Nguyễn Phước Đại là có hy vọng nhiều nhất vì gồm toàn các người có tên tuổi, có kinh nghiệm trên trường chính trị từ đời Ngô Đình Diệm. Liên danh Cao Đài nầy về tài chánh rất dồi dào, họ cũng có nhiều cử tri trong Giáo phái ủng hộ, nên coi bộ họ có hy vọng đắc cử, và họ nói nếu có tên tôi trong liên danh thì chắc chắn có nhiều hy vọng.
Tôi không từ chối ngay hôm ấy nhưng tôi đã chủ tâm từ chối ngay khi đầu họ yêu cầu. Nhà tôi biết là tôi không nhận lời, nhưng nể tình mấy ông bạn có công đi lại mấy lần nên nói: “Để cho nhà tôi nghĩ lại”. Nhưng tôi không cần nghĩ lại gì hết, tôi nói riêng với Kiều Mộng Thu là tôi không đủ tài đủ sức để ra tranh cử vào Thượng Nghị Viện, Kiều Mộng Thu nên khuyên các ông ấy tìm một người khác.
Sau đó liên danh này cũng có đưa thêm vô một người đàn bà nhưng về tên tuổi thì không ai biết. Và rồi liên danh ấy không đắc cử.
Lần này đâu ai ép buộc tôi phải nhận lời. Về tôn giáo, tôi là Phật tử, tôi không phải ở giáo phái Cao Đài. Và thú thật tôi đã chán ngán chánh trị quá rồi. Tôi nguyền viết thêm năm sáu năm nữa rồi nghỉ việc, nghiên cứu đạo Phật.
Tôi quên nói với các bạn là với cây viết, tưởng mình viết văn để nuôi con; với viên phấn, tưởng mình đứng trên bục giảng để dạy học trò. Nào ngờ nhờ hai cái nghề này mà tên tuổi của mình lại được nhiều người biết và bị lôi cuốn vào con đường chánh trị, người ta toan lấy mình để làm con cờ cho họ đi lên.
Thảo nào Phạm Quỳnh sau một thời gian chủ trương tờ tạp chí Nam Phong đã được mời về làm Bộ trưởng dưới thời Khải Định. Nói là mời cũng không đúng mà phải nói rằng được bọn thực dân Pháp gài vào triều đình Huế. Rồi Nguyễn Phan Long, chủ bút tờ Việt Nam, cũng nhờ viết văn mà gây trên chính trường một tên tuổi để đời. Rồi Nguyễn Văn Sâm nhờ làm chủ nhiệm tờ Đuốc Nhà Nam mà sau này vào năm 1945 có tên trong chính phủ của Trần Trọng Kim với chức vụ Thống đốc miền Nam (tôi không biết có phải chữ Thống đốc không).
Đó, câu chuyện không muốn làm chánh trị mà không thể thoát của tôi chỉ là như vậy!