HỒI KÝ CỦA BÀ TÙNG LONG - KỲ CUỐI

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

 

PHỤ LỤC 1. NGU Í – NGUIỄN HỮU NGƯ CHÚ EM CỦA GIA ĐÌNH TÔI

Tôi không nhớ chúng tôi đã quen với Nguiễn Hữu Ngư 1 trong trường hợp nào. Kể về tuổi tác thì Ngư nhỏ hơn tôi khoảng 6,7 tuổi. Ngư lại là bạn học ban Tú tài trường Trung học Pétrus Ký với Lê Thị Hàn, cô em gái thứ tư của tôi.

 

Lúc ấy tôi đã lập gia đình với anh Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy và đã là mẹ của hai con, sau khi tôi không còn chủ trương tờ báo Tân Thời. Anh Hồng Tiêu cũng chưa hề quen biết Ngư. Và khi tôi bước vào làng báo thì Ngư mới chỉ là một học sinh trung học.
Nhưng rồi tại sao sau này Nguiễn Hữu Ngư lại là một người bạn vai em thân thiết của gia đình chúng tôi, và các con tôi gọi Ngư bằng chú rất thân tình?

Có lẽ tôi quen Ngư qua những câu chuyện do em Hàn kể về Ngư. Theo lời em tôi, Ngư là một học sinh thông minh, học giỏi, có tài hùng biện, đối đáp mau lẹ. Và Ngư cũng là con một nhà cách mạng lão thành chống thực dân, đã từng bị đưa đi đày ở nhà tù Lao Bảo. Ngư còn có năng khiếu làm thơ từ thời còn đi học, mà sau đây là hai bài tiêu biểu làm tặng bạn bè (trong đó có Giáo sư Trần Văn Khê) mà tôi còn lưu trữ trong tư liệu riêng:

Rồi sẽ ra sao
Đời tôi rồi sẽ ra sao
Đò đưa không khách ai rào đường đi
Tình tôi? Nói đến làm gì
Đi hoài không lại, thôi thì từ đây
Tôi xin giữ chặt kẻo bay
Hương lòng sót để cho vay kiếm lời
Nhưng bao giờ mới gặp người
Mượn tuy có một mà bồi hơn trăm?
Ngoài kia rực rỡ trăng rằm
(Trung học Trương Vĩnh Ký 1938)

Lưu luyến

Thôi nhé, Trường em, hãy đợi chờ
Vì anh từ giã chốn nên thơ
Sắp xa cảnh cũ người quen biết
Với cái tương lai mờ mịt mờ

Con đường nho nhỏ nhánh gòn nghiêng
Máy nước êm êm gió nhẹ hiền
Bãi cỏ xanh xanh ngồi thủ thỉ
Hành lang rộn rã guốc đua chen

Lớp học nghiêm trang thầy đếm bước
Nhà ăn chén dĩa mệt người xem
Bao nhiêu xe đạp chờ chuông đổ
Tà áo màu chì dáng dáng mềm

Cái bụng nhà ai đi lúc lắc
Giọng ai sang sảng ngâm thơ Đường
Gậy ai khuya khoắc còn lên xuống
Khiến bóng đèn xanh nói với giường…

Thôi biết tìm đâu bao cảnh cũ
Tìm đâu cho thấy ít người thân
Xa em, Trường hỡi, là chôn kỹ
Cả một trời thơ chết chín phần

Những phen mơ ước này kia nọ
Những phút hờn căm đợi những gì
Thương, ghét, gần, xa ai chẳng nhớ
Tình người trai trẻ rộng đường đi

Nhưng Đời đợi sẵn nhăn mày đón
Bao kẻ lo âu giã mái Trường
Mặt trắng còn đâu trong trắng nữa
Đầu xanh giờ tắm bụi mười phương

Trường ơi, em hãy như người chị
Để một ngày nao có kẻ nào
Lặng lẽ trở về thăm chốn cũ
Thì em chớ đón với mày cau
(Trung học Trương Vĩnh Ký – 1938)

Bấy giờ Ngư được giáo sư Phạm Thiều của trường Pétrus Ký đem về nuôi cho ăn học. Thầy Phạm Thiều cũng có một cô em gái học đồng lớp với Ngư và em Hàn, đó là cô Phạm Thị Nhiệm, về sau là phu nhân tỉnh trưởng Kiến Hòa Phạm Ngọc Thảo (thời Ngô Đình Diệm).

Những người học trường ấy, sau này phần đông tham gia phong trào yêu nước chống thực dân Pháp, trong số đó có nhiều nhân tài xuất sắc như nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, tiến sĩ Trần Văn Khê, cùng nhiều nhân tài trí thức khác mà tôi không nhớ hết.

Các bạn gái của Hàn đến nhà chơi hay kể chuyện về Ngư, nên tôi đã có được vài nét chấm phá về con người kỳ lạ này. Các cô bảo rằng Ngư rất thông minh, cái thông minh của một người mắc bệnh tâm thần, khi vui không kềm chế được suy nghĩ và hành động của mình. Cũng có người nói Ngư khùng, Ngư điên, nhưng theo tôi nhận xét như vậy là khắc khe, vì điên khùng thì sao có thể là một học sinh giỏi, lanh trí và còn xuất khẩu thành thơ nữa.

Có lẽ tôi biết và quen Ngư gián tiếp vào lúc bấy giờ mà không hay, còn Ngư thì qua em Hàn và các bạn gái của Hàn đã biết về tôi, “chị Bạch Vân của Hàn”, nhưng chưa gặp mặt lần nào, và tôi cũng chưa hề biết mặt Ngư.

Có lần em Hàn mang vào lớp tập thơ tôi chép tay những bài thơ hay của các nhà thơ Pháp như Victor Hugo, Lamartine, Alfred de Musset, Alferd de Vigny và nhiều nhà thơ nổi tiếng khác, cùng với những bài dịch ra Việt ngữ. Và những bài thơ Tiễn chân anh Khóa của Á Nam Trần Tuấn Khải, thơ dịch của Băng Dương, thơ của anh Hồng Tiêu, và thơ của các thi sĩ Việt Nam đương thời. Nhưng trong tập ấy, tôi chép nhiều nhất là thơ của Comtesse de Noailles. Vì em Hàn đem ra xem trong giờ chơi, cùng các bạn xúm lại đọc nên giáo sư Nguyễn Văn Nho ngó thấy, cầm lên xem rồi bảo em Hàn cho mượn về đọc mấy ngày sau mới trả. Khi trả, giáo sư Nho có nói với Hàn: “Chị của em thế nào rồi cũng viết văn, vì đã có một tâm hồn yêu thích văn thơ đến thế này”.

Sau khi quen với gia đình chúng tôi. Ngư cho biết: Vì lẽ đó cho nên lúc ấy Ngư đã tò mò muốn biết về tôi.

Rồi năm 1942, Mỹ thả bom Sài Gòn, tôi phải đưa các con về Quảng Ngãi quê chồng. Khi đó tôi sống tại thị xã Quảng Ngãi với ba đứa con và đang có thai chờ sanh, thì vừa lúc quân Nhật đầu hàng, Cách mạng tháng Tám bùng lên dưới sự lãnh đạo của nhà cách mạng Hồ Chí Minh. Không khí hăng say cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi bừng lên với cờ đỏ sao vàng trong khí thế chưa từng thấy.

Giữa lúc ấy, anh Hồng Tiêu vào Nam, còn mẹ con tôi thì hòa trong hy vọng của nhịp sống đất nước đang thay đổi tưng bừng. Thời gian ấy, tôi sanh đứa con thứ tư, cũng dịp này tôi quen với cô Thoại Dung, một thiếu nữ thích hoạt động xã hội và thường ghé qua nhà xem chừng tôi có cần gì khi sinh, để giúp đỡ. Và Thoại Dung cũng là người hàng xóm vui vẻ trẻ trung của chúng tôi.

Thế rồi, một hôm tôi đang bồng đứa con sơ sinh đứng chơi trước cửa – nhà tôi ở sát con đường thiên lý (Quốc lộ I) cạnh Bangalow (nhà khách của tỉnh Quảng Ngãi bấy giờ). Có một đoàn người vai mang balô đi ngang qua, đó là những sinh viên từ miền Nam ra Bắc để tham gia phong trào kháng chiến cứu nước. Trong đoàn người ấy (về sau tôi được Ngư cho biết là có nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), bỗng có một người đang đi chợt lùi lại nhìn, rồi tạt vào ngó sững tôi và hỏi:

- Sao trông chị giống chị Hàn quá? Có phải chị là chị Bạch Vân không?

Tôi đang ngơ ngác chưa biết người khách này là ai, thì người ấy quả quyết:

- Ồ, đúng là quả đất tròn. Tại sao chị lại ở đây?

Tiếp theo đó, người khách ấy đọc luôn mấy câu thơ gì đó, nay tôi không nhớ rõ. Khi ấy, đoàn người đi đã khá xa, trong đoàn có người chạy ngược lại kêu lớn:

- Ngư, đi chớ! Phải ra đến Châu Ổ trước khi trời tối nhé.

Ngư! Khi nghe tên Ngư làm tôi nhớ lại lời em Hàn và các bạn thường nói với nhau, một Nguiễn Hữu Ngư tóc húi ngắn, mang kính cận dày, người ốm nhom, ốm nhách. Đúng đây là Nguiễn Hữu Ngư và đó là lúc Ngư đang tỉnh, sau những cơn tâm trí rối loạn đến phải bỏ học trường Cao đẳng Sư phạm.

Rồi mấy năm sau, khi anh Hồng Tiêu từ Sài Gòn trở về Quảng Ngãi với vợ con được vài năm, chúng tôi nghe bạn bè kể với nhau là có một người điên, đeo kính cận, vai mang ba-lô đi từ Bắc vào Nam, bị bắt giam ở nhà lao Quảng Ngãi. Khi bị bắt, anh ta la hét om sòm rằng mình đã ra Hà Nội để gặp Hồ Chủ Tịch, nhưng không muốn ở lại, nên mang ba-lô trở vào Nam can chi mà bắt, ta đâu phải Việt gian. Vì la hét om sòm cả ngày cho nên người ta phải chuyển về trại giam của huyện lỵ Nghĩa Hành. Thời gian Ngư bị giam ở Quảng Ngãi bao lâu tôi không nhớ rõ. Chỉ còn nhớ lời một người công an ở đó kể lại, anh ta cứ đòi gặp các cấp lãnh đạo để tường trình cho biết anh là thành phần yêu nước phải thả cho anh về Nam để tiếp tục chiến đấu chống xâm lăng. Rồi ngày nào anh ta cũng sắp sẵn ba-lô ngồi chờ giấy ân xá. Đợi hoài không được, một hôm, anh ta làm ra vẻ hiền lành, thản nhiên cười nói với người công an đang canh giữ mình:

- Tôi ra một câu đối nhá, nếu anh đối được thì tôi để anh bắt. Không, thì phải thả tôi đi.

Rồi Ngư đọc: - Râu rĩ râu ria ra rậm rạp.

Người công an nhìn thấy người đang bị nhốt râu ria đầy hàm, mặt mũi vì thiếu ăn nên choắt lại chỉ còn da bọc xương, đôi mắt trắng dã lờ đờ sau cặp kính cận dày mụp. Người công an còn đang lúng túng vì có phần thương hại ngươi điên, thì Ngư liền đọc vế đối tiếp theo: Ngông nghênh ngốc nghếch ngó ngu ngơ. Rồi nhào đại ra bỏ chạy mất dạng.

Chúng tôi nghe, biết ngay đó là Ngư. Cũng may hôm ấy Ngư gặp được người công an có lòng nhân cho nên anh ta mới để cho Ngư chạy thoát… Rồi không biết sau đó Ngư làm cách nào ra được khỏi tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ biết trong thời gian này, dù điên điên khùng khùng, Ngư cũng vẫn làm thơ rất hay, trong đo có bài Má mà tôi chỉ còn nhớ được hai câu đầu và hai câu cuối vì chúng quá ấn tượng, như sau:

Má ơi, con Má điên rồi
Má còn trông đứng đợi ngồi mà chi?

Và:

Ầu ơ… Ví dầu con Má có sao
Có điên có dại Má nào hết thương

Có lẽ đây chính là những câu thơ hay nhất mà một người điên có thể làm cho mẹ mình!

Trong thị xã Quảng Ngãi lúc bấy giờ có trường Mẫu giáo Tơ Vàng do cô Thoại Dung vừa làm hiệu trưởng vừa làm giáo viên, dạy dỗ một số thiếu nhi trong thị xã. Trường cũng nằm trên Quốc lộ 1. Cô giáo Thoại Dung người nhỏ thó, học trường Trung học Vinh về, cũng là hạng nữ lưu thích làm công tác xã hội. Ngày Cách mạng bùng nổ ở Quảng Ngãi, cô là người đầu tiên hăng hái tham gia, cầm cờ đi đầu trong cuộc biểu tình và tham dự nhiều buổi tiếp chiến sĩ ở các chiến khu về. Qua những ngày sôi động, cuộc sống trở lại bình thường, thì cô Thoại Dung mở lớp Mẫu giáo.

Cô Thoại Dung dạy các em vừa học vừa múa hát, cô bày những trò chơi để các em ham thích đến trường và siêng năng học. Sau buổi học trong lớp, cô dẫn đám học trò cỡ năm, sáu tuổi, trong số ấy có hai con tôi là Nghi Xương và Trạch, ra khoảng sân vườn rộng sau trường. Nối đuôi một đoàn thầy trò trước sau, bước nhịp nhàng, cùng múa hát: Một ngón tay nhúc nhích này! Cũng đủ cho ta vui này! Hai ngón tay nhúc nhích… và lần lượt vừa hát vừa đếm đủ mười ngón tay! Cây lá trong vườn xanh um, mặt trời chiếu qua kẽ lá, cảnh vật mát mẻ êm dịu làm bối cảnh cho thầy trò hát ca nhảy múa trong bầu không khí trong lành rất thơ mộng thanh bình.

Thế rồi một hôm, thầy trò cô Thoại Dung đang chạy nhảy múa hát trong mảnh vườn thơ mộng ấy, bỗng từ đâu xuất hiện một thanh niên vai mang ba-lô, tóc hớt ngắn, đến nối đuôi nhau phía sau đoàn trẻ, rồi thản nhiên nhảy múa tung tăng và cũng hát một ngón tay nhúc nhích, hai ngón tay nhúc nhích… y như cô giáo với học trò đang múa hát. Cô giáo và học trò vô tình cứ chạy vòng vòng và múa hát, chẳng ai để ý đến cái anh chàng tham gia bất ngờ vào cuộc chơi một cách lý thú như vậy. Nhưng đến một khúc quanh, cô giáo mới giựt mình khi trông thấy người ấy chạy nhảy múa hát vui đùa hăng say còn hơn thầy trò mình nữa. Rồi ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ tập hát thì anh chàng ấy lại xuất hiện theo cái kiểu “ban đầu ngoài sân sau lần vào bếp”. Rồi anh ta đứng ngoài cửa sổ nhìn vào lớp trong giờ dạy để nghe thầy trò cô giáo Thoại Dung ê...a... đánh vần.

Đây không phải là cảnh tượng một khách giang hồ dừng chân dưới lầu hoa, say sưa lắng nghe tiếng đàn thánh thót du dương của một giai nhân; mà là nỗi đam mê của tuổi trẻ, sau lúc tâm hồn mệt mỏi bởi một chuyến năng nổ hăng say chạy theo lý tưởng mà chí nguyện không đạt thành. Đang khi mệt mỏi tạm dừng chân, bỗng gặp một tâm hồn giản dị hồn nhiên, sống cho thế hệ, bồi đắp dắt dìu những mầm non của đất nước để phục vụ cho đời một cách thản nhiên, không vụ lợi và cũng không hề nghĩ là mình đang làm một công việc hữu ích.

Và rồi hai tâm hồn cùng một ý hướng muốn phục vụ cho mục đích cao cả ấy gặp nhau, thông cảm nhau. Để rồi sau đó, bất chấp cơ quan an ninh đang truy lùng. Ngư quyết định ở lại Quảng Ngãi chỉ vì cô giáo Thoại Dung và đám trẻ ngây thơ vui đùa múa hát với những “ngón tay nhúc nhích” đầy quyến rũ. Và, mối tình Dung-Ngư nẩy nở vào dịp thị xã Quảng Ngãi có lịnh tiêu thổ kháng chiến. Dung theo gia đình tản cư lên Đồng Cọ, chúng tôi cũng dắt díu đàn con chạy về chợ Gò vùng Mỹ Thịnh nơi có thắng cảng Thạch Bính Tà Dương.

Vì sinh kế vật chất, tôi quên bẵng mối tình thơ mộng của hai người bạn trẻ ấy. Mãi một hôm, Ngư tìm đến Mỹ Thịnh nhờ anh Hồng Tiêu đứng chủ hôn. Thì ra người yêu mà Ngư định cưới là cô giáo Thoại Dung của các con tôi và cũng là cô bạn trẻ của chúng tôi.

Vợ chồng tôi có trực tiếp lo lắng một cách chân tình với cô Thoại Dung, cho Dung biết Ngư là một người không bình thường, làm vợ Ngư chưa hẳn hạnh phúc, mà phải mất mát nhiều, hy sinh nhiều, bởi vì Ngư còn nuôi mộng quá lớn, chưa hẳn đã chịu dừng chân trong mái nhà tranh với hai quả tim vàng. Nhưng cô Thoại Dung quả quyết trả lời: “Em sẵn sàng hy sinh để giúp anh ấy đạt chí lớn”.

Vậy là sau đó anh Hồng Tiêu đứng ra thay họ nhà trai lo đám cưới cho Ngư-Dung. Cũng từ ngày ấy, Ngư là em của vợ chồng tôi. Còn cô giáo Thoại Dung của con tôi đã trở thành thiếm Ngư của gia đình tôi.

Tôi còn nhớ thời đó chúng tôi quá nghèo, cho nên tôi chỉ tặng đôi tân hôn Dung-Ngư một cặp gối thêu hai con chim én đang tung cánh.

Năm 1952, tôi dẫn đàn con thơ lặn lội về Sài Gòn, anh Hồng Tiêu còn ở lại Quảng Ngãi một thời gian mới vào sau. Còn Dung-Ngư hình như vào Sài Gòn cuối năm 1952 thì phải.

Vào Sài Gòn, Ngư cũng dạy học, viết báo, còn cô giáo Thoại Dung dạy trường mẫu giáo Aurope ở đường Phan Đình Phùng (nay là trường Lương Định Của đường Nguyễn Đình Chiểu), bởi tâm hồn Thoại Dung vốn rất yêu thương trẻ.

Thời gian đó Ngư viết báo Bách Khoa, phụ trách mục phỏng vấn các nhân vật, nghệ sĩ, nhà văn, nhà giáo. Thỉnh thoảng tôi cứ bị “Phóng viên Ngu Í” phỏng vấn về vấn đề viết văn, dạy học.

Còn nhớ năm 1965, khi tôi ổn định phần nào cuộc sống ở Sài Gòn, một hôm đang làm việc tại tòa soạn báo Sàigòn Mới, Ngư gõ cửa bước vào nói liền: - Chị Tùng Long, chị đi với tôi đến gặp một người…

Tôi ngắt lời: - Người nào vậy? Chú không thấy tôi đang viết gấp mấy trang tiểu thuyết cho báo kịp lên khuôn sao?

- Vậy tôi ra ngoài chờ, chị cứ viết xong rồi sẽ đi.

Sau khi viết bài cho trang báo xong, tôi ra gặp Ngư, mới biết Ngư đã lãnh trách nhiệm với ông hiệu trưởng và ông giám học trường Tân Thịnh, muốn mời tôi dạy chương trình Pháp văn và Việt văn. Tôi ngần ngại nói: - Bộ chú không thấy tôi không còn thời gian để lãnh viết thêm cho vài tờ báo đang mời viết sao. Còn giờ đâu mà dạy học nữa?

Ngư thản nhiên nói như ra lịnh: - Chị phải thu xếp để dạy học. Chị quên là chị còn nghề dạy học nữa sao? Chị Tùng Long à! Ở đất Sài Gòin này phải có hai nghề, một nghề tay phải và một nghề tay trái thì mới sống nổi.

Thế là Ngư lên xe đạp, tôi lên xích lô, theo Ngư đến nhà ông Phan Ngô là giám học trường Tân Thịnh. Tôui phải lãnh dạy hai môn Việt văn và Pháp văn.

Sau đó có mấy trường nữa cũng muốn mời, nhưng tôi chỉ thu xếp công việc để lãnh dạy thêm hai trường Đạt Đức và Les Lauriers.

Cũng nhờ Ngư mà hôm nay đã tám mươi hai tuổi, vẫn có học trò cũ của tôi ở các trường ấy nay đã trên dưới sáu mươi tuổi đến thăm. Những người ấy đều thành đạt, có địa vị trong xã hội. Thật là một niềm vui rất hiếm với tôi lúc này.

Lại một lần nữa, vào lúc 16 giờ, khi tôi vừa dạy hai tiết ở trường, ra gọi taxi chạy về tòa báo Sàigòn Mới, đến nơi đã thấy Ngư chờ ở phòng khách.

Thấy tôi, Ngư mừng quá, nói ngay: - Cứ lo là chiều nay chị không về tòa soạn. Thôi, mời chị đi ngay với tôi.

- Chú mời tôi đi đâu vậy?

- Đi gần đây thôi. Đến Đài phát thanh Pháp Á.

- Chú lại bày trò gì nữa đây?

Ngư cười hề hề nói: - Giới thiệu chị với ông giám đốc, theo yêu cầu của ông ấy…

Tôi khựng lại, toan kiếm cách từ chối, thì Ngư năn nỉ: - Chị được ổng mời viết và sẽ lên đài nói về vấn đề phụ nữ hoặc nhi đồng, vào mỗi chiều thứ năm lúc 18 giờ hằng tuần. Đây là một việc có ích cho quyền lợi phụ nữ của phụ nữ trong xã hội, là một dịp hiếm có, chị không thể bỏ qua.

Tôi đành phải đi bộ theo Ngư – Ngư dắt theo chiếc xe đạp – từ đường Phạm Ngũ Lão qua Hàm Nghi đến đài Pháp Á.

Rồi đó, mỗi tuần lại có tiếng nói của tôi trên đài phát thanh Pháp Á theo yêu cầu của ông giám đốc đài này. Và chị em độc giả của tôi gởi thư về cho biết họ rất vui khi nghe tiếng nói của tôi.

Cũng nhờ Ngư bắt ép như vậy, mà từ đó về sau, mỗi lần có những dịp nói về vấn đề phụ nữ hoặc nhi đồng, là đài phát thanh Sài Gòn thường mời tôi lên nói chuyện.

Ngư thường giúp bạn bè như vậy, nhưng không bao giờ nghĩ là mình đã giúp, mà cho đó là bổn phận đối với bạn mà thôi.

Bao nhiêu năm trôi qua cho đến một hôm, Ngư ôm một mớ sách, áo quần xộc xệch, vai đeo túi vải, đến thăm chúng tôi và nói với anh Hồng Tiêu:

- Tôi và Dung đã ly dị nhau.

Nghe vậy, tôi và nhà tôi không lấy gì làm ngạc nhiên, mà chỉ nghĩ rằng với tánh nết của Ngư, thế nào rồi cũng có ngày phải như vậy. Nhưng lúc ấy, tôi nói với Ngư:

- Chú nói cái gì lạ vậy? Tại sao lại ly dị? Tại sao tôi không nghe Dung nói?

Về sau, tôi có nghe một người bạn thân của Dung cho hay là Dung không còn chịu nổi tánh bốc đồng của Ngư, vì khi Ngư nổi cơn thì chả lo gì vợ con mà còn làm Dung rất mệt. Dung và Ngư có xin một bé trai về nuôi để làm “đầu con” vì sau thời gian dài chung sống mà không con. Sau khi có đứa con nuôi (Nguiễn Hữu Tuiền) được vài năm thì Dung có thai và sinh được một thằng cu (Nguiễn Hữu Nguiên) rất kháu khỉnh. Dung phải nhận thêm giờ dạy ở trường Aurope để nuôi con. Lại nữa, Ngư cứ nổi cơn điên đi lang thang nay nhà này mai nhà khác, khi về kiếm chuyện gây gổ với Dung.

Tôi vốn không chủ trương cho vợ chồng ai phân ly khi đã làm cha làm mẹ của đám con cái. Tánh tôi vốn tội nghiệp đám trẻ thơ sống thiếu tình thương dù cha hay của mẹ, bởi hậu quả những cuộc ly hôn! Cho nên lúc ấy tôi đã viết một truyện ngắn đăng trong phụ trang báo Sàigòn Mới, nội dung kể lại mối tình êm đẹp của hai tâm hồn hiểu nhau, yêu nhau, tay nắm tay bước vào đời cốt xây dựng cho đời một cái gì êm đẹp, vậy mà chỉ vì một sự bất hòa trong chốc lát đã bỏ nhau. Mối tình cao quý, đẹp đẽ ngày nào tưởng rằng sẽ đi vào lịch sử, nay lại phải gãy đổ nửa chừng. Qua truyện ngắn ấy, các bạn cũng hiểu là tôi muốn nhắc Dung nhớ lại lời hứa trước ngày nhận làm vợ Ngư. Truyện ngắn ấy Dung có nghe một người bạn đã đọc và kể lại, Dung có ý phiền tôi. Nhưng sau đó, tôi hiểu ra là Ngư cố gây chuyện để phao tin ly dị chỉ vì lý do chính trị, không muốn vợ liên lụy bởi những hoạt động của chồng.

Thong thời gian này, bịnh điên của Ngư tái phát thường uyên. Có lần Ngư đến thăm chúng tôi, sau khi dùng trà với anh Hồng Tiêu, bỗng Ngư đến quỳ xuống trước mặt tôi vừa khóc vừa nói: - “Chị Tùng Long, chị nghe lời tôi đi. Trong tình thế này, chị không nên viết nữa”.

Tôi cố làm ra vẻ thản nhiên hỏi Ngư: - Nếu không viết thì lấy gì mà nuôi con? Chú tưởng chỉ dạy học là đủ lo cho mấy đứa nhỏ của tôi sao?

Thế rồi, sau khi Ngư ra về, tôi ngồi vào bàn để viết tiếp mấy cái tiểu thuyết để đưa cho các báo, coi lại không còn cây viết nào trên bàn nữa. Tôi vốn có thói quen dùng viết BIC mực màu đen, và trên bàn viết của tôi lúc nào cũng có 3,4 cây để sẵn. Thì ra, khi nãy Ngư đã lén “chôm” đem đi hết rồi!

Đó là thời kỳ Ngư điên trở lại và sau đó bị đưa vào dưỡng trí viện Biên Hòa, hình như có nhà thơ Bùi Giáng với một ông bác sĩ, cũng vào nằm chung với Ngư thì phải. Trong lúc nằm nhà thương điên, Ngư, Bùi Giáng và ông bác sĩ nọ có làm những bài thơ điên thật tuyệt, chả có vẻ gì là điên loạn cả. Rất tiếc, hiện nay tôi không còn giữ được mấy bài thơ ấy.

Sau ngày 30-4-75, bạn bè, thân quyến mỗi người một ngả, rồi mạnh ai nấy lo miếng cơm manh áo. Đâu còn thời gian tìm gặp để thăm hỏi nhau. Cho đến một hôm Ngư tìm đến thăm anh Hồng Tiêu và tôi, chúng tôi mới biết Ngư đã ra Dưỡng trí viện Biên Hòa, về sống với vợ con và gặp bạn bè cũ, cho nên trông Ngư có vẻ tự tin, khỏe mạnh phần nào. Ngư thấy chúng tôi cũng sống thanh bạch như những ngày trước kia, và các con tôi vẫn đi làm kiếm tiền để nuôi cha mẹ, thì Ngư tỏ vẻ yên lòng.

Trước khi từ giã, Ngư gọi con gái lớn của tôi lại dặn nhỏ:

- Nếu thầy mẹ có bề gì, cháu phải cho chú hay lập tức nhé!

Nhưng than ôi, Ngư đã ra đi trước anh Hồng Tiêu của tôi 2! Và giờ này trong khi ngồi viết lại những kỷ niệm về Ngu Í – Nguiễn Hữu Ngư theo yêu cầu tha thiết của Thoại Dung, người bạn trẻ của tôi năm nào, trong ký ức tôi vẫn còn đọng lại hai câu thơ hay của Ngư:

Bao nhiêu chí trẻ rồi tro bụi
Một chút tình riêng cũng ngậm ngùi!

cuối Đông Ất Hợi 1995
--------------------------------
1
Một trong những điểm đặc biệt (và có phải đó cũng là dấu hiệu cho thấy sự bất thường?) của Ngư là từ rất sớm Ngư đã chế kiểu viết chữ riêng: i thay cho y, q thay cho qu, k thay cho kh, c thay cho k, j thay cho gi, f thay cho ph…, đi trước rất xa các nhà “cải cách giáo dục” sau này.
2
Nguiễn Hữu Ngư mất ngày 18-2-1979 tại Sài Gòn.

PHỤ LỤC 2. BÙI GIÁNG VÀ CON TÀU HI VỌNG

Trên báo Thanh Niên số Xuân Bính Tý 1996, tôi đọc thấy hai bài thơ của Bùi Giáng:

Nàng tiên ấy

Nàng tiên ấy đã đi đâu
Hay còn luẩn quẩn giữa màu lá cây
Nàng đi nhớ tháng thương ngày
Thương năm tháng rộng thương ngày cong cong
Nàng đi tôi nhớ tấm lòng
Xiết bao từ ái phiêu bồng nhân gian
Nàng đi như trút lá vàng
Cho người hiệu thể cho toàn chúng sanh
Xóa giùm những nỗi bất bình
Nỗi oan riêng rẽ trong tình tự chung
Chờ mong trong cõi mông lung
Chiêm bao mộng tưởng trùng phùng người ơi

Ly rượu cuối cùng

Uống xong ly rượu cuối cùng
Cơn say choáng váng tưởng mình chúa Xuân
Chào con thể lệ điệp trùng
Đường xuân viễn tuyệt ông dừng chân đây
Cà phê kỳ vọng một ngày
Mưa nguồn dĩ vãng trùng lai một giờ
Các con từng đã bơ vơ
Chân trời mặt đất bao giờ gặp đây
Ông là ai? Ông là ai?
Ông là một kẻ thở dài quá vui
Các con đi trước thụt lùi
Xa xa nhìn thấy ông Bùi chịu chơi

Tôi bỗng có ý muốn ghi lại đây một vài chuyện mà tôi biết về Bùi Giáng. Năm 1952, sau khi xin được nghỉ làm Liên hiệu trưởng ở Nghĩa Kỳ (vùng giải phóng ở tỉnh Quảng Ngãi) và được chính quyền cách mạng cho phép đưa các con tôi từ Quảng Ngãi trở về Sài Gòn để tránh đói, tôi bèn đưa các con ra Châu Ổ rồi từ đó ra Tam Kỳ ra Hội An, vùng cai trị của người Pháp. Nhà tôi không được cùng đi trong chuyến này, phải ở lại làm việc. Anh căn dặn tôi đủ điều, trao tôi cái gánh nặng phải chu toàn cho các con, nhưng rồi anh lại làm một bài thơ đầy thương cảm:

Má bây chừ tránh đói
Bồng bế dắt nhau đi
Cha bây chừ ở lại
Học người hái rau vi
Thú Dương nào ở đâu đây?
Rau vi sánh với củ mì kém xa
No lòng vỗ bụng ngâm nga
Rằng trời đất đã sinh ta làm gì
Ngang tàng một đấng nam nhi
Phải chăng ngồi xực củ mì làm no.

(viết tháng 5-1952 tại Mỹ Thịnh)

Khi ghe đến Cẩm Phô, ở đây đã có sẵn một số công an của chính phủ Pháp (nhưng là người Việt Nam) đón chúng tôi, hỏi giấy tờ và lục lạo đồ đạc. Khi lục thấy các bằng cấp của tôi, họ bảo nhau: “Bà này về Sài Gòn sẽ làm ra khối tiền”. Và họ không làm khó dễ gì, cho tôi được mang theo một số đồ kỷ niệm. Rồi có xuồng máy của họ mang chúng tôi về Hội An, ở viện tế bần chờ một tuần lễ để làm giấy tờ đi Đà Nẵng rồi từ Đà Nẵng sẽ đi Sài Gòn.

Đến Đà Nẵng, khi biết quê ngoại của tôi ở thành phố này, họ làm giấy cho tôi về ngay nhà dì tôi ở chợ Cồn. Thật là chuyện bất ngờ khi bà con của tôibỗng thấy tôi kéo một đoàn con đến, đứa nào cũng gầy ốm xanh xao và mệt nhừ. Tình bà con thật là tốt đẹp. Dì tôi vội vã thu xếp chỗ ăn, ở. Còn mợ tôi ở nhà đối diện lo ngay chuyện nấu nướng cho một đám khách bất ngờ. Tôi còn được gặp lại bà ngoại tôi, năm ấy đã ngoài bảy mươi nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Bà tôi rất vui mừng khi thấy cả một lũ cháu, và hàng ngày bà lại mang quà bánh cho các con tôi ăn sáng. Còn cậu tôi làm thợ may, cắt may ngay cho các con tôi những bộ quần áo mới…

Được tin tôi sắp đưa các con về Sài Gòn, cha mẹ tôi mừng lắm, lại biết được trong thời gian ở Quảng Ngãi tôi có thêm ba đứa con trai thì càng vui hơn. Cha mẹ tôi liền gởi tiền ra cho tôi để lo may mặc cho các cháu. Các em tôi đều đã có gia đình, hùn tiền gửi ra tiếp. Tôi được biết trong thời gian tôi ở Liên khu 5, anh chị Bút Trà có gửi về cho tôi một lượng vàng và áo quần, cha mẹ tôi cùng một số bạn bè cũng gởi tiền, đồng hồ… về, mà người bạn cùng quê nhận đem đi lại quá bất lương lấy hết không trao đồng nào ngoài tấm ảnh của mẹ tôi. Sau cái thằng bất lương ấy khi lụt tràn vào làng Phổ An, vội vã mang của chạy lụt, ghe lật mất cả tài sản. Thì ra trời ở gần chứ đâu có xa! Lượng vàng anh chị tôi gửi cho mà đến tay chúng tôi, chúng tôi đâu phải sống vất vả nhiều năm và đâu phải dắt díu nhau đi tránh đói.

Ở Đà Nẵng, tôi nhận được nhiều thông tin đáng khích lệ. Anh chị tôi vẫn còn làm tờ Sàigòn Mới và các trường tư cũng đang cần một số giáo sư giảng dạy hai môn Việt văn, Pháp văn. Tôi nghĩ với sức học và những kinh nghiệm lượm lặt được trong bao nhiêu năm tạm gác bút, tôi có thể trở lại với nghề tự do để nuôi các con và chờ ngày đoàn tụ với nhà tôi.

Mọi giấy tờ rồi cũng làm xong, chỉ chờ có phương tiện là đi Sài Gòn. May sao trong lúc đi phố tôi gặp một bạn học cũ thời tiểu học. Tôi còn là học trò học nữ công gia chánh với chị của chị nầy. Người bạn cũ ấy lúc bấy giờ là vợ ông Bửu Đài, tỉnh trưởng Đà Nẵng. Thế là chị bạn liền can thiệp với chồng xin cho mẹ con tôi được đi tàu thủy vô Sài Gòn khỏi tốn tiền. Thật là dịp may hiếm có! Chúng tôi đi trên tàu Espérance (Hi Vọng), đi chuyến nầy là về luôn bên Pháp để sữa chữa. Tàu chở toàn binh lính Pháp, còn dư chỗ họ lấy một số hành khách đi Sài Gòn. Không quen đi tàu thủy, nhiều người say sóng nằm ngổn ngang. Trong gia đình, chỉ có tôi cùng đứa con trai lớn mười tuổi (tên Nguyễn Đức Trạch) là không bị say sóng. Đứa con nhỏ nhất của tôi, lúc đó mới tám tháng tuổi (tên Nguyễn Đức Thông và sau này khi viết văn lấy bút danh là Nguyễn Đông Thức), nằm li bì khiến tôi phải ngồi một chỗ không dám đi đâu. Thằng Đức Trạch đi lãnh thức ăn, đồ hộp cho mọi người, nhưng đa số đều không ăn được vì cứ nôn mửa cả ngày.

Con Nghi Xương, đứa con gái thứ hai lúc ấy mười hai tuổi, cũng không say sóng. Nó theo các hành khách khác đi viếng khắp tàu, qua các cabin và xuống dưới hầm tàu chỗ chứa thức ăn, thấy treo đầy những bò, trừu, gà vịt ở phòng đông lạnh và nghe nói những thức ăn ấy đã được giữ lạnh cả sáu, bảy tháng, mỗi khi cặp bến lớn, tàu mới đổi thức ăn hoặc lấy thêm thức ăn khác. Nó kể lại cho tôi nghe và nói kinh sợ không dám ăn những món thịt trên tàu nữa mà ăn toàn fromage hay đồ hộp. Con bé thật kỳ lạ, ngay từ lúc ấy đã sợ hãi khi phải ăn thịt những con vật đã bị giết chết và treo cả năm, sáu tháng. Sau nầy nó thường ăn chay và có lòng tín ngưỡng đạo Phật, dọn đường đi tu. Còn tôi trong khi cứ phải ngồi ẵm cu Thông trên boong tàu, tôi chỉ đưa mắt ngắm trời biển mênh mông. Trên đất liền, con tàu to như một lâu đài, vậy mà ra biển nó còn bé tí không nghĩa lý gì, không có gì để mình tin tưởng là nó đủ vững chắc để có thể chống trả nổi những phong ba bão táp…

Tôi ngồi nhìn hết trời nước bao la đến quan sát bọn lính Pháp. Chúng cũng say sóng nằm la liệt và khi qua cơn nôn mửa, tỉnh táo lại, chúng thường tập hợp trên boong tàu vào buổi chiều mát để bày trò chơi giải trí, vui cười đùa giỡn cho không khí đỡ buồn tẻ. Các con tôi cũng hay thích thú đứng nhìn họ chơi. Trong những trò chơi của bọn lính Pháp, có trò bịt mắt tìm người nào đánh mình. Người bị bịt mặt đứng giữa một vòng người, rồi một người trong vòng tiến ra đập vào vai người bịt mắt, thật lanh, rồi chạy trở lại chỗ cũ, trong khi người bị bịt mặt giở ngay cái khăn che mắt ra và nhận diện kẻ đã đánh mình, nếu trúng thì người ấy phải bị thay. Tôi thật buồn cười thấy có nhiều anh lính năm lần bảy lượt vẫn chưa nhận diện được kẻ đã đánh mình và cứ bị đứng giữa vòng, mặt mày ngố ngố làm sao ấy. Trong lúc ấy bỗng có một người Việt Nam là hành khách trên tàu, từ khi lên tàu đến lúc ấy tôi chỉ thấy anh ta cắm cúi đọc sách, đến giờ ăn thì đi lãnh cơm, không hề trò chuyện với ai. Thanh niên ấy trạc hai mươi mấy tuổi, mặc áo sơmi trắng và quần tây xám, tóc húi cua, mặt tròn có cái thẹo trên trán, da ngăm đen và có vẻ khỏe mạnh. Anh ta đứng lên xin bọn lính cho được cùng chơi, bằng một thứ tiếng Pháp có học hẳn hoi. Bọn Pháp chấp thuận ngay và anh xin được làm người bị bịt mắt. Thằng Đức Trạch nói với tôi: “Mẹ coi kìa, bọn lính da trắng ngó vậy mà ngu quá! Tụi nó lúc nào cũng không bằng anh lính da đen, anh ta lanh lợi ghê đi, một lần bị bắt là vô chỉ trúng ngay tên nào đã đánh mình. Bây giờ xem thử cái ông Việt Nam này có lanh lợi và thông minh như ông lính da đen kia không”. Quả nhiên anh chàng Việt Nam này cũng không kém phần thông minh, lanh lợi. Hễ bị bắt vào vòng là chỉ đúng ngay kẻ nào đã đánh mình, không cần đến lần thứ hai. Bọn lính da trắng khi đánh ai rồi chạy về chỗ, hoặc đứng sai hàng hoặc nét mặt không giữ được tự nhiên, rất dễ bị phát hiện… Sau vài lần anh xuất hiện gia nhập trò chơi như vậy, các con tôi đã bắt đầu làm quen với anh và anh hỏi gì chúng nó mà chúng nó nhìn về phía tôi. Rồi anh hướng dẫn các con tôi xuống tàu, viếng tàu, gặp các người đầu bếp hay các viên chỉ huy của tàu để trò chuyện. Các con tôi kể lại anh nói anh đã lội qua sống ở Quảng Nam để ra Đà Nẵng xin được vào Sài Gòn…

Tại bến Nhà Rồng đã có cậu Năm Lâm, em trai chị Bút Trà, và cháu Thành, con trai lớn của chị, đi xe hơi ra rước. Tôi đứng dựa vào lan can tàu nhìn xuống bến tìm người quen. Cảnh tấp nập của cảng Sài Gòn khiến tôi không khỏi mừng mừng tủi tủi. Cái thành phố thân yêu mà tôi đã từng sống với cha mẹ suốt trong những năm học ở Gia Long, rồi lập gia đình, rồi năm 1943 lại bồng bế con cái để về Quảng Ngãi khi Mỹ thả bom ở Sài Gòn. Thật cuộc đời đưa đẩy lắm trớ trêu. Dâu bể, bể dâu đến thế! Tôi đứng ở lan can tàu, tìm một chỗ riêng rẽ để những người đi đón dễ trông thấy. Quả thật có hiệu quả ngay. Tôi thấy thằng con trai riêng của nhà tôi, sau mấy năm xa cách đã cao lớn hẳn, đang đứng nhìn lên để tìm người nhà. Vừa thấy tôi, nó đâm đầu chạy lên tàu và vui mừng bồng mấy đứa em lên. Nó tên Đức Thạnh, sau ngày Cách mạng tháng Tám đã lên xe lửa đi vào Sài Gòn một mình để tìm cha, rồi ở luôn trong đó khi cha nó từ Sài Gòn ra Bắc rồi lại từ Bắc về Quảng Ngãi với tôi năm 1946.

Lúc ấy, người thanh niên giỏi tiếng Pháp đã chơi với các con tôi trên tàu, xách cái giỏ đựng những thứ cần dùng đi ngang qua chỗ mẹ con tôi và hỏi:

- Chị về đâu?

Tôi trả lời: “Chúng tôi về nhà cha mẹ tôi. Thế còn anh, anh về đâu?”

Anh ta liền nói:

- Tôi về số 1 Palce Cuniae. Chào chị.

Tôi cố nhớ lại đường Place Cuniae 1 ở đâu. Thì ra nó ở chỗ góc đường Hàm Nghi và đối diện xéo với báo Sàigòn Mới. 1 Palce Cuniae là một công sở của hỏa xa chớ không phải là nhà riêng của ai.

Thế rồi chuyện gặp lại gia đình, bà con, chuyện tìm nơi ăn ở tạm, chuyện đi thăm bà con họ hàng khiến tôi không còn nhớ đến chàng thanh niên mà mình đã gặp trên tàu Hi Vọng. Tôi có bao nhiêu công việc, mà việc thứ nhất là đi trình diện chánh quyền miền Nam, rồi thu xếp ở tạm với cha mẹ tôi. Việc thứ hai là đi liên lạc với các chị bạn dạy chung trước kia để xin cho các con vào học các trường tiểu học. Rồi đến chuyện tìm chỗ dạy tư và mở lớp dạy Việt văn và Pháp văn tại nhà. Tôi không muốn làm phiền cha mẹ tôi trong lúc tuổi già (cha tôi đã về hưu và đang xin làm thêm ở một hãng tư). Mỗi tháng tôi kiếm được 2.000đ, đủ tiền cơm nước, chợ búa. Ngồi nghĩ lại lúc ở Đà Nẵng với giá sinh hoạt ngoài ấy, tôi cứ tưởng với giá gạo 900 đồng một tạ, tôi chỉ cần kiếm vài nghìn là mẹ con đủ sống để chờ ngày đoàn tụ với nhà tôi. Ai ngờ cuộc sống ở chốn phồn hoa đô hội không phải như cái Chợ Gò - Mỹ Thịnh (Quảng Ngãi). Nó đòi hỏi đủ thứ. Tiền xe cộ cho con đi học, tiền xe hằng ngày tôi lên Hội Phụ nữ Việt Nam của chị tôi để dạy Pháp văn cho các chị em lớn tuổi, tiền ăn sáng, tiền quà vặt theo nếp sống bình thường của một gia đình công chức… 2.000 đồng đâu có thấm vào đâu! Rồi thì tiền thuốc men cho con cái, tiền sách vở, tiền học thêm của các con… thật là tốn kém! Vào Sài Gòn lại gặp đúng mùa nắng gắt rồi mùa mưa, mà cứ ngồi nhìn trời, nhìn thiên hạ đi như mắc cửi, thật cũng sốt ruột không kém gì lúc mới tản cư về Chợ Gò – Mỹ Thịnh. Tôi ở căn nhà ngang của cha mẹ tôi, vì lợp tôn nên khi nóng chịu không nổi. Nhưng trời càng nóng, lòng tôi cũng nóng không kém.

Bỗng một hôm tôi nhớ lại lời một người bạn học cũ ở tiểu học Đà Nẵng. Nó có một tiệm đại lý sách báo và khi tôi đến mua báo lúc mới ở Quảng Ngãi ra thì gặp lại nó. Nó hỏi: “Bạch Vân có định khi vào Sài Gòn sẽ viết báo không? Hồi đó cô Điềm, cô Loan đều nói Bạch Vân viết văn hay lắm mà”. Tôi cười: “Cũng không biết chừng, không có nghề gì thì viết báo cũng tốt vậy. Chỉ sợ độc giả không thích thôi”. Nhớ lại như vậy, thế là giữa trưa nắng chang chang và không khí oi bức, khi các con tôi đứa đi học lớp chiều, đứa ngủ, tôi lấy giấy bút ra viết thử một truyện đăng làm hai kỳ. Viết xong tôi đưa cho cháu tôi, con đầu của chị Bút Trà và là chủ nhiệm báo Phụ Nữ Diễn Đàn. Bài được đăng ngay và đây là lần đầu tiên tôi ký bút hiệu Bà Tùng Long. Sau khi đọc bài ấy, anh Bút Trà liền nói: “Sao thím không thử viết cho Sàigòn Mới?”.

Thế là tôi viết chuyện Đứa Con Hoang (khi in sách đã đổi tên là Ái Tình Và Danh Dự) phỏng theo một tác phẩm của Eugène Sue L’orqueil, nhưng đã sửa đổi cho phù hợp với xã hội Việt Nam.

Khi khởi đầu viết, tôi thấy không khó lắm. Tôi viết một mạch không hề nháp, như khi tôi ở Liên khu 5 viết bài để dạy học sinh vì không có sách giáo khoa. Chuyện Đứa Con Hoang có tiếng vang ngay trên báo Sàigòn mới và độc giả của báo tăng lên thấy rõ. Người ta không tin bút hiệu Tùng Long là của một người đàn bà. Thế rồi tờ tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn lại nhờ tôi viết một truyện dài. Tôi viết ngay truyện Dòng Lá Thắm. Vì là báo tuần, truyện dài chỉ cần đăng ba hay bốn tháng nghĩa là 12 đến 15 kỳ là nhiều. Sau Đứa Con Hoang là Lầu Tỉnh Mộng, Chúa Tiền Chúa Bạc… có tiếng vang khắp nơi. Các học trò của tôi và một số bạn bè cũ đã biết bà Tùng Long không phải là một cây bút nam lấy tên phụ nữ mà chính là tôi. Những việc này xảy ra vào khoảng 1953. Khi viết Chúa Tiền Chúa Bạc thì tên tôi đã vững lắm rồi. Truyện nào của tôi vừa kết thúc ở báo là có nhà xuất bản đến hỏi mua để in thành sách ngay.

Nãy giờ viết sa đà quên bẵng là đang viết về Bùi Giáng. Tôi nhắc lại lúc gặp anh chàng trên tàu Hi Vọng và rồi anh chia tay để về số 1 Place Cuniae, tôi không biết tên anh là gì. Nhưng rồi khi lãnh dạy ở Tân Thịnh, ngày đầu tiên họp giáo sư, tôi thấy anh ta lù lù xách cặp táp vào. Tôi nhìn anh, anh nhìn tôi, cả hai cùng mỉm cười khi nhận ra nhau. Lúc bấy giờ anh Phan Ngô mới đứng ta giới thiệu từng tên giáo sư. Anh ta là Bùi Giáng, quê ở Quảng Nam, đã từng học hết ban tú tài trường Quốc Học Huế, đảm nhận dạy Việt văn cho các lớp đệ ngũ, đệ tứ. Học trò bàn tán thầy Bùi Giáng làm thơ hay lắm và dạy rất hấp dẫn, nhiều nữ sinh ái mộ. Nhưng tôi ít có dịp gặp Bùi Giáng ở đây vì giờ dạy của anh ta ít khi trùng với giờ tôi. Có hôm gặp ở phòng họp giáo viên thì anh ta chỉ mỉm cười và không hề nói năng gì. Sau đó khi anh Hồng Tiêu vào dạy ở Tân Thịnh thì Bùi Giáng có vẻ rất thích nhà tôi vì cả hai đều có tâm hồn thi sĩ. Có mấy lần chồng tôi rủ Bùi Giáng về nhà uống trà, đọc thơ cho nhau nghe rất tâm đắc. Lại nữa, Bùi Giáng là giáo sư dạy Việt văn cho con gái riêng của anh Hồng Tiêu và cũng là con đỡ đầu của tôi, tên là Minh Khiết. Nó cũng là một cây thơ, có dòng máu của cha nó. Tuy vậy tôi ít khi nói chuyện với Bùi Giáng và cũng ít đọc những bài thơ của anh. Tôi biết anh rất thích thơ của Cù Huy Cận, thường lấy thơ ông này đem ra dạy học trò. Lúc ấy trong Nam, chúng tôi cũng thường lấy thơ Tố Hữu ra dạy học sinh vì có nhiều chất xã hội và tình người. Bùi Giáng còn viết bài trên báo ca ngợi thơ Cù Huy Cận. Tôi thấy rõ Bùi Giáng cũng có tính khí bất thường như Nguiễn Hữu Ngư. Đến năm 1963, vì bận quá nhiều việc tôi không còn dạy học nữa và rút về làm báo, viết tiểu thuyết.

Khi Nguiễn Hữu Ngư phát điên – không rõ là lần thứ mấy – tôi nghe nói khi Ngư vào nhà thương điên Biên Hòa, ở đây đã có cả Bùi Giáng. Sau này tôi có được đọc qua một tập thơ do một người quen cho mượn, in những bài thơ của hai cây bút điên này làm trong bệnh viện với một bác sĩ nào đó. Thế rồi sau năm 1975, tôi được biết cả Ngư và Bùi Giáng đều được bệnh viện thả ra và chuyện Ngư thì tôi đã viết trong bài trước rồi, duy có Bùi Giáng thì không nghe nói đến nữa.

Một hôm tôi ra chợ trời Bà Chiểu gặp vài cô bán hàng để mua ít đồ cần dùng thì một cô hỏi tôi – họ không biết tôi là ai – là bác có thấy ông Bùi Giáng vừa đi qua đó không. Tôi ngạc nhiên và giả vờ hỏi:

- Ông Bùi Giáng nào vậy?

- Bác không biết ông Bùi Giáng, một thi sĩ nổi tiếng, đã từng dạy học, làm thơ, viết báo hay sao?

Tôi hỏi:

- Vậy sao? Mà ổng ra đây làm gì. Buôn thuốc tây như các cháu hả?

Một cô cười:

- Đâu phải.

Tôi hỏi lại:

- Tại sao cháu biết ông ta là Bùi Giáng?

Một cô khác cướp lời:

- Hồi đó cháu có học với ông ta ở trường Đông Tây Học Đường mà!

- Vậy mà lúc nãy ông ta đi ngang qua đây để làm gì?

Cả bọn đều cười:

- Ông ta điên, bác ạ. Ông ta gánh giỏ đi mua ve chai, vừa đi vừa nói lảm nhảm. Vậy mà ông ta nhận ra em đó bác.

Cô nói chuyện với tôi tên Hoa, Hoa nói tiếp: “Em chạy ra chào: Chào thầy! Ông ta nhìn em và hỏi: Đã đi làm cho các ông này chưa? Em trả lời: Dạ, em bán chợ trời. Ông ta bèn cười rồi tiếp tục quảy gánh đi. Trong hai cái giỏ có một nải chuối, vài cái chai không và mấy tập giấy cũ”.

Tôi nghe kể mà thương cảm, không hiểu anh ta đi mua bán ve chai kiểu ấy thì lấy gì mà sống. Tụi nhỏ còn kể đầu ông trọc lóc, mình mặc quần cụt, áo thun và chân đi giày Bata, có hôm lại đi chân không. Sau đó và cho đến bây giờ 2, Bùi Giáng vẫn đi lang thang ngoài đường và lúc nào có tiền bạn bè ở ngoại quốc gửi về cho thì Bùi Giáng lại sống đỡ hơn. Nhưng cánh tánh gàn, chướng và điên điên dại dại của Bùi Giáng vẫn không khỏi. Cho đến năm 1995, nhân đọc tờ báo Xuân Tuổi Trẻ, tôi thấy một bài thơ của Bùi Giáng:

Theo áng mây bay

Tháng năm dòng nước trôi xa
Người qua, người sẽ đi qua những người
Tôi qua không một hẹn lời
Hẹn hò chi bấy, bước đời về đâu?

Tặng đời đóa đóa hoa sầu
Nhớ nhau từ đóa mộng đầu rã đôi
Giọt nước theo giọt mưa rơi
Mỗi mùa mưa đến tôi ngồi chắp tay

Mưa về đọng ở hàng mi
Mắt tôi hồng lệ dựng xây hồng vàng
Đèo bòng đeo đuổi đa mang
Đẩy đưa u oán đá vàng hiểu cho

Đi đi lỡ bước sang đò
Cuồng ca tuế vũ không dò lênh đênh
Đi đi suốt kiếp mỏi mềm
Nhọc nhằn đã lắm còn lênh đênh hoài

Giọt mưa gõ nhịp kéo dài
Hoàng hôn gõ nhánh cửa cài kín bưng
Đi đi tỉnh mộng vô chừng
Đăm chiêu vô tận, ngại ngùng vỡ toang

Như tia nắng biếc chiều tàn
Lửa đời thoi thóp khôn hàn trái tim
Niềm vui níu nhánh mộng chìm
Tâm hồn cô độc tâm tình tìm nhau

Gom từng con nắng nhỏ nhoi
Nụ cười hiu hắt phanh phôi nỗi đời
Nhành đời gió lộng trùng khơi
Nhặt lên thả xuống chiều vời vợi bay

(L.T.S của báo Tuổi Trẻ:

Sáng ngày 4-1-1994, trong sân báo Tuổi Trẻ có mấy phóng viên đang ngồi tán gẫu trên bàn đá trước khi đi công tác. Bỗng một người kêu lên “Ua, thi sĩ Bùi Giáng đây nè!”. Cả bọn cùng quay lại hết sức ngạc nhiên và thích thú. Bùi Giáng đang đứng trong sân, dưới vòm lá me xanh mởn. Mấy anh em quây quanh ông, chưa kịp nói gì thì ông đã ôn tồn lên tiếng: “Tôi vừa viết xong một bài thơ, muốn gửi các bạn xem”. Ông chào mọi người và thoáng chốc biến mất.

Trong lúc mấy anh em phóng viên xúm nhau đọc bài thơ, Đỗ Trung Quân đã kịp vẽ rất nhanh chân dung thi sĩ Bùi Giáng trong giây phút đáng nhớ hôm ấy).

Thì ra Bùi Giáng vẫn còn làm thơ được, thơ có gì là điên đâu, còn hay hơn bao nhà thơ khác kia mà! Rồi đến số Xuân Thanh Niên năm nay lại có thêm hai bài thơ nữa, lời thơ vẫn tự tin tự hào, có vẻ khôi hài nữa.

Đó là tôi những gì đã biết về Bùi Giáng.

Viết xong ngày 8-3-1996.
--------------------------------
1
Nay là đường Huỳnh Thúc Kháng, Q.1.
2
Bài này được viết lúc nhà thơ Bùi Giáng chưa mất (Ông mất ngày 7-10-1998 tại TP.HCM).

PHỤ LỤC 3. TÔI ĐÃ ĂN CÁI TẾT TUYỆT VỜI NHẤT Ở VÙNG THẠCH BÍCH TÀ DƯƠNG

Trong cuộc đời tôi, tôi đã ăn Tết ở nhiều nơi trên khắp đất nước thân yêu, nhưng chưa bao giờ được cùng gia đình ăn một cái Tết đáng nhớ đến như vậy, ở vùng tôi di tản vào năm 1949, vùng chợ Gò Mỹ Thịnh, nơi có danh lam thắng cảnh Thạch Bích Tà Dương của tỉnh Quảng Ngãi, quê chồng tôi. Thật là một cái Tết nhớ đời, với nhiều kỷ niệm đẹp đẽ, thắm thiết, và không bao giờ tìm lại được một cái Tết thứ hai như vậy.

Tôi đang ở Sài Gòn, hòn ngọc viễn đông thời bấy giờ, tại sao lại chạy về chợ Gò Mỹ Thịnh, một nơi có tiếng là nghèo nhất huyện Tư Nghĩa, chỉ được duy nhất một điều là nó nằm ở trước dãy núi đẹp nhất tỉnh là Thạch Bích Tà Dương?

Năm 1943, khi máy bay Đồng minh thả bom xuống Sài Gòn, chồng tôi đang làm việc ở Huế, nhắn tin là tôi phải dẫn lũ nhỏ về gấp Quảng Ngãi để tránh bom. Mặc dù cha mẹ tôi ngăn cản, mặc dù anh chị chồng tôi không bằng lòng, nhưng tôi vẫn cứ thu xếp sang nhà, bán đồ đạc, sắp xếp đâu vào đó để đưa mấy đứa con về Quảng.

Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo.

Tôi đã làm một cuộc hành trình vất vả nhưng rồi cũng đến quê chồng, một thị xã quá nghèo nàn nhỏ bé so với Sài Gòn hoa lệ và náo nhiệt của lũ con tôi, lúc ấy mới có ba đứa.

Vừa thu xếp tạm ổn cuộc sống ở đây thì sau Cách mạng tháng Tám, quân Nhựt đầu hàng, Quảng Ngãi lại phải tiêu thổ kháng chiến vì hạm đội Mỹ đang đậu ngoài khơi. Chúng tôi lại phải di tản một lần nữa, lần này thì lên chợ Gò Mỹ Thịnh, vì chồng tôi có ông bạn học cũ rất thân trên đó.

Lại một lần nữa tay bế tay bồng đi lánh nạn, phải mất cả năm mới ổn định được cuộc sống ở đây.

Chợ Gò Mỹ Thịnh ở Nghĩa Thắng, một xã nghèo nhất ở quận Tư Nghĩa, nằm giữa bốn xã dân giàu đất rộng là An Mỹ, An Hội, Phước Lộc và Xóm Bùn; những nơi vừa giàu lúa, vừa có những công nghệ như dệt lụa, làm đường, sản xuất nước mắm… Còn Mỹ Thịnh thì đất cằn cỗi, quanh năm chỉ trồng khoai mì, khoai lang, người dân ở đây chỉ biết đi làm thuê, làm mướn; đàn ông đi đốt than trên núi, đàn bà đi đốn củi trong rừng.

Tản cư lên một vùng như vậy, riêng phần tôi, tôi cũng tự hỏi không biết lấy gì để sống đây? Dân ở vùng này mỗi lần thấy tôi đi chợ thường bảo nhau:

- Cái tướng “lưỡng thưỡng như cà cưỡng ăn nho” ấy làm sao sống ở đây được chớ?

Họ còn hỏi tôi:

- Cô có biết giã gạo không? Cô có biết chằm nón không?

Trong lúc ấy thì ông xã tôi vốn là một nhà thơ, cái chất thơ thấm vô máu, vô xương tủy từ bao giờ, cứ nói bên tai tôi:

- Em nghe đồi thông trước mặt nhà mình reo có hay không? Và em có nhớ ông Phan Khôi, khi viết bài thường ký bút hiệu Thông Reo là tại sao không? Tiếng thông reo hay thật đấy!

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.

Rồi những đêm sáng trăng, ông xã tôi còn rủ vài ông bạn tụ tập dưới trăng đối diện với núi Thạch Bích, bên rừng thông vi vu để làm thơ, thưởng nguyệt, và cũng để chửi rủa bọn phá rối đất nước thân yêu của chúng tôi. Sống ở Mỹ Thịnh lúc bấy giờ, tôi đã chết cả người vì cứ phải lo nghĩ về miếng cơm manh áo của lũ con, vậy còn lòng nào mà thấy Thạch Bích Tà Dương là danh lam thắng cảnh và tiếng thông reo vi vu hay ho đến nỗi ông Phan Khôi thích thú lấy làm bút hiệu Thông Reo ký dưới những bài báo “Chuyện hằng ngày” cảnh tỉnh dân tình, nhắc nhở dân phong trên một tờ báo hằng ngày lúc bấy giờ ở Sài Gòn.

Hãy gác chuyện kiếp sau đi đã, để lo nghĩ đến cái chuyện kiếp này có phải là có lý hơn không?

Mỗi buổi chiều, tôi ra ngồi ngoài hàng hiên nhìn thiên hạ đi chợ, nhìn cảnh người đi than đi củi từ trong núi đi ra, tôi càng thấy rõ cảnh sống ở đây. Người ta đi chợ đem một đội rau lang, rau muống để đổi lấy vài lon gạo, một nắm khoai ngô, hay bán một trái mít non để đổi lấy vài lon bắp. Có kẻ bán vài chiếc nón lá mà họ cặm cụi chằm cả mấy ngày để mua vài con cá, một trái bí trái bầu…

Thế rồi một hôm, nhận thấy thằng nhỏ bên hàng xóm vừa chăn bò vừa đọc sách, tôi bèn gọi lại gợi chuyện. Mới biết nó là con ông chủ đất cho tôi xây cất căn nhà tranh, vì cảnh đơn chiếc lại thêm mẹ ghẻ con chồng, nên mới học nửa năm lớp ba đã phải bỏ học để chăn bò, làm rẫy…

Thấy thằng bé ham học, mặt mày cũng dễ thương, tôi liền đề nghị sẽ dạy cho nó. Mỗi ngày vào giờ nó chăn bò, thả bò ăn cỏ trước sân, nó đem bài vở ra hỏi tôi. Tôi dạy nó làm toán, làm luận văn, dạy vẽ bản đồ, tập viết chữ cho đẹp. Có lẽ nó đi khoe với bạn bè, hoặc thấy học một mình không vui, nên đã rủ thêm vài đứa bạn cùng cảnh ngộ bỏ học dở dang vì cảnh nghèo khó.

Ba đứa, rồi năm đứa, rồi tiếng lành đồn xa, ở An Mỹ, An Hội cũng lên xem cách tôi dạy. Thật tình chưa ai tin tôi lại có thể giải một bài toán lớn nhất, khó nhất trong quyển Arithmétique của vợ chồng Brichet, vẽ được bản đồ Việt Nam mà không cần có mẫu, và ghi các tên địa danh, thành thị, sông ngòi trên đó nữa để dạy cho bọn trẻ.

Thấy tôi có khả năng dạy và dạy còn dễ hiểu hơn các ông thầy giáo ở trường công, các em kéo nhau đến xin học. Những học trò tôi có người đã có vợ con, có kẻ là nông dân sáng dậy từ năm giờ cày cấy, đến tám giờ mới đến trường, có người làm ở các cơ sở cách mạng tối mới về học. Thật là một lớp học phức tạp, nhưng được dạy để có việc làm với người ta thì tôi sẵn lòng, miễn sao khỏi bị chê là “lưỡng thưỡng như cà cưỡng ăn no” từ đâu về cái vùng mà dân tình đã đói ăn thiếu mặc như thế này.

Nhà tôi thấy vậy liền hô hào bạn bè giúp đỡ, kẻ tranh người tre, cùng các em học trò dựng lên một ngôi trường vách đất khá rộng rãi, bàn ghế thì em nào có cứ mang lại, xiêu vẹo thì sửa lại, với những học trò tay thợ làm gì mà không được cơ chứ!

Rồi tôi xin mở trường Tiểu học tư thục Tân Dân. Khổ nỗi tôi chỉ có thể dạy từ lớp ba trở lên, chớ các lớp mù chữ vỡ lòng thì tôi chịu. Nhà tôi lúc ấy thấy học trò đông cũng vui, vỗ ngực lãnh dạy số mù chữ và vỡ lòng. Nhà tôi thường nói đùa: “Phần anh chặt xây bỏ vỏ, phần em chạm trổ…”.

Được cái là nhà tôi rất thương trẻ con và đám thanh niên. Mà họ cũng rất thương nhà tôi. Vì học với nhà tôi thì sau khi ê a vài chục phút, khom lưng viết vài trang tập xong là thầy trò kéo ra sân đá banh, đá cầu. Có khi bọn nhỏ đánh bi, nhà tôi và mấy “học trò cán bộ” đánh cờ. Cũng có khi họ còn được nghe nhà tôi kể chuyện Đông Tây Nam Bắc, tha hồ mà thích, còn tôi thì không! Học là học, không có chuyện đùa giỡn, chơi bời. Học suốt ba giờ, sau đó muốn đá banh hay chạy nhảy tùy thích.

Năm đó tôi đưa năm em học sinh đi thi Tiểu học. Các em học với tôi mới được sáu tháng, khi vô học trình độ chỉ lớp ba, lớp nhì, vậy mà cả năm em đều đậu tiểu học, em xếp hạng thứ 15 toàn tỉnh là đứa học trò… chăn bò đầu tiên của tôi. Sau đó có em đậu vô trường Trung học Bình dân, trường Trung học Rừng Xanh… thế là trường của tôi được tiếng thơm. Đầu niên học kế đó, nhiều bậc cha mẹ có con em đang học ở trường công cũng kéo về cho học với tôi.

Nhưng các bạn chưa nghe tôi nói về chuyện học phí phải không? Chúng tôi không đòi hỏi về học phí, chỉ ra một điều kiện: các em năng học và có gì trả nấy. Em nào cha mẹ giàu thì đóng tiền, em nghèo thì năm mười lon gạo, mùa nào đóng tiền mùa nấy. Mùa đường cho đường, mùa đậu cho đậu. Ôi thôi, trong nhà tôi lúc ấy có cả khạp đường, cả hũ đậu đen, đậu đỏ, các con tôi trưa nào cũng có chè ăn. Rồi thì khoai lang, khoai mì, bắp tươi, cho đến bầu bí, rau cải, trứng gà, trái cây, không thiếu thứ gì. Có nhiều em nghèo quá, chúng tôi càng thông cảm, không nề hà và cũng đối xử như các em có cha mẹ đóng tiền sòng phẳng.

Tháng chạp năm 1948 đến. Trước đó, năm 1945, tôi có thêm một thằng con sanh tại thị xã Quảng Ngãi vào ngày Cách mạng tháng Tám, bây giờ lên đây đã được bốn tuổi. Tháng 11 năm 1948, tôi sanh một đứa con trai nữa ở chợ Gò Mỹ Thịnh, tại ngôi trường Tân Dân của tôi. Thế là trong lúc đi di tản, tôi có thêm hai miệng ăn nữa.

Cái Tết 1949 đến, bà con ở đây vui vẻ chuẩn bị đón Xuân… nhưng đối với gia đình tôi, cái Tết năm ấy thật bất ngờ, quá đầy đủ. Hằng ngày, với tiền học phí của học trò con nhà giàu, cùng các thứ ngũ cốc của các học trò khác, chúng tôi cũng ăn “giáp hột”.

Chị chồng của tôi từ dưới Sáng Tích (cách chỗ tôi ở cả hai mươi cây số) gánh lên cho chúng tôi một gánh gạo và rất nhiều bánh chưng, bánh tét do chị làm để các con tôi ăn Tết. Lúc bấy giờ di chuyển toàn là đi bộ. Thật cái tình bà con ở quê sao mà đẹp vậy!

Em gái tôi cùng chồng ở Phước Lộc ngày 28 cũng mang qua cho một con vịt và nhiều thịt heo, thịt bò…

Học trò thì lần lượt đứa đem gạo, đứa đưa tiền. Em nghèo để mấy ngày nghỉ đi bắt cá và đem cho mấy xâu cá giếc, cá bống còn nhảy soi sói. Thôi thì bấy nhiêu cũng đủ cho gia đình tôi ăn một cái Tết trưởng giả sau bao nhiêu năm di tản.

Đêm 29, người ta kêu ơi ới đi chia thịt. Họ xẻ heo rồi chia cho từng nhà với giá rẻ, ai có tiền xách vài xâu về kho để ăn đến mồng ba mới có chợ.

Chúng tôi nghĩ, ở miền rừng núi mà ăn Tết như vậy là quá đầy đủ rồi. Chồng vợ, cha con, chị em ai có phần nấy, nấu nướng, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa cho ra vẻ Tết. Ông nhà tôi lại cặm cụi viết hai câu đối dán trong nhà.

Cái tục “Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy”, năm đó ở vùng nầy tôi mới thấy hết ý nghĩa, thật đậm đà thắm thiết.

Ngay từ bảy giờ sáng, mỗi em mỗi quả bánh mứt nối nhau đến xông đất nhà tôi. Có em được cha mẹ cùng đi, áo quần mới, mặt mày rạng rỡ, tay bưng quả bánh sơn đỏ. Rồi thì lời chúc mừng, cảm tạ nổ lên thay pháo.

Một ngày thật vui, bánh trái học trò đi Tết bày khắp nơi trong căn nhà chật hẹp. Thôi thì bánh thuẩn dòn, bánh nổ, bánh in bột đậu xanh, bột nếp, bánh ít, bánh tét. Cả trà rượu, mứt trái không thiếu thứ gì.

Bao nhiêu tình nghĩa trải ra trước mắt bằng những hiện vật được làm công phu, khéo léo với cả tấm lòng.

Tối lại, tôi chọn một số bánh ngon, sắp cúng ở bàn thờ ông bà cha mẹ chồng. Còn lại, tôi tìm tất cả cái gì có thể đựng được để sắp bánh mứt vào mà trong lòng cứ nghĩ: làm sao ăn cho hết đây?

Nhưng cái điều tôi lo ấy lại là chuyện thừa. Sáng hôm sau, khi còn nằm trên giường, tôi đã nghe ở phòng ngoài nhà tôi và đứa con gái lớn mới lên 12 tuổi thì thầm trò chuyện. Thì ra hai cha con đã lấy ra hai cái túi vải, cha một túi lớn, con một túi nhỏ, loại túi may để chạy giặc, sắp bánh mứt vào, rồi cha trước, con sau, rón rén ra khỏi nhà. Nhà tôi đi trước, con bé lạch bạch chạy theo sau, đi đến cái xóm nghèo ở đầu làng phát tặng bánh cho các gia đình suốt ngày làm thuê làm mướn mà cái Tết chỉ là những bữa cơm đạm bạc.

Phân phát xong, hai cha con lại trở về lấy đầy hai túi khác, lần này lên xóm trên. Rồi sau đó lại đến xóm ngoài. Ba lần đi như vậy thì bánh mứt cũng chỉ còn vừa đủ cho gia đình tôi hưởng một cái Tết vui.

Cũng may, hướng trước nhà tôi nhìn sâu thăm thẳm vào dãy núi Thạch Bích, dân cư ở đó là đồng bào dân tộc của suối Tơ, xa lắc xa lơ, cha con nhà họ không đi nổi, nếu không thì chỗ bánh mứt kia chắc cũng không còn nữa.

Thằng con lớn lên tám tuổi đang chơi đánh bi với đám bạn gần đó, thấy thầy 1 nó cứ mang bánh đi đi về về như vậy, chạy vào hỏi tôi:

- Mẹ, sao thầy cứ mang bánh đi đâu hoài vậy? Có còn cho tụi con ăn không?

- Thầy đem cho mấy gia đình nghèo, mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn, con ạ.

- Vậy hả mẹ?

Rồi nó bỏ chạy ra chơi đánh bi tiếp. Con gái tôi mặt mày tươi hẳn ra sau một chuyến đi làm công tác xã hội đầu tiên trong đời, nó vui vẻ nói với tôi:

- Thật cảm động, mẹ ạ. Người ta đón tiếp thầy và con như là đón tiếp ông già Noel vậy!

- Thế con cũng là ông già Noel à?

- Thì con là… con ông già Noel mà!

Hôm ấy, khi tà dương sắp buông màn, ngồi ở hàng hiên tôi thấy Thạch Bích Tà Dương quả đúng là một danh lam thắng cảnh của xứ Quảng, không thua gì Thiên Bút Phê Vân, Thiên Ấn Niêm Hà, Long Đầu Hý Thủy, Cổ Lũy Cô Thôn, La Hà Thạch Trận…, những thắng cảnh khác của quê chồng mà trước đây tôi đã từng chiêm ngưỡng. Tôi chỉ chưa đến Sa Kỳ Điếu Tẩu mà thôi.

Hôm nay ngồi nhớ lại cái Tết kỳ diệu, ấm áp tình người, đầy tình nghĩa thầy trò của năm 1949 ấy, tôi thật không khỏi bùi ngùi cảm xúc, và chính tình cảm cao quí của đám học trò lúc ấy đã cho tôi một niềm tin về đạo lý con người, và cho tôi có đủ can đảm bất cứ nơi đâu, gặp bất cứ hoàn cảnh nào, khi cầm viên phấn đứng trên bục giảng tôi luôn luôn làm tròn phận sự của mình.

31-12-1994
--------------------------------
1
Người miền Trung thường gọi cha là “thầy”.

PHỤ LỤC 4. MỘT BỮA TIỆC BẤT NGỜ

Hôm 16-6, có một cú điện thoại gọi đến nhà lúc tôi đang ngủ trưa. Con gái lớn của tôi là Nguyễn Thị Thanh Hương nhận điện. Bên kia đầu dây là một vài em học sinh cũ của tôi gọi đến tìm tôi. Những em học sinh này đã học với tôi cách đây 40 năm, nghĩa là vào năm 1956, khi tôi bắt đầu dạy ở trường trung học tư thục Tân Thịnh, do ông Phan Ngô làm giám học. Năm ấy vì quá bận công việc nhà báo nên tôi chỉ nhận làm giáo sư chính (bây giờ gọi là giáo sư hướng dẫn) môn Việt văn một lớp đệ thất và môn Pháp văn một lớp 6 è Moderne. Trong cuộc đời dạy học của tôi, nếu hỏi thời kỳ nào tôi có nhiều kỷ niệm êm đẹp nhất thì có lẽ đó chính là thời kỳ tôi dạy ở Tân Thịnh.

Đám học sinh của tôi cả nữ lẫn nam đều thật dễ thương, mà dễ thương nhất có lẽ là những học sinh thuộc chương trình Pháp-Việt của niên khóa này. Sau niên khóa này tôi còn dạy thêm cả năm, sáu năm nữa ở Tân Thịnh và ở cả Đạt Đức (ông Phan Thuyết làm hiệu trưởng), Les Lauriers (ông Chơn lên làm hiệu trưởng sau khi ông Ngô đi làm hiệu trưởng trường Văn Hiến).

Đến năm 1963, tôi phải nghỉ dạy vừa vì lý do sức khỏe vừa vì công việc quá đa đoan cứ phải đi công tác ở các tỉnh, lại thêm có chân ở nhiều đoàn thể, nhiều Hội phụ huynh học sinh… Khi tôi nghỉ dạy thì học sinh ở lớp đầu tiên này (1956) có em đã ra đời, có em còn tiếp tục học đại học. Thầy trò ít có cơ hội gặp nhau. Thỉnh thoảng các em đến thăm tôi vào dịp Tết mà thôi. Rồi năm 1974 tôi không còn ở cư xá Chu Mạnh Trinh, dọn về sống với Thanh Hương ở cư xá SICOVINA. Tôi lại nghỉ viết và chỉ ở nhà lo việc gia đình, vì vậy một số học trò cũ của tôi dù muốn gặp tôi cũng không biết tìm tôi ở đâu.

Rồi 30-4-1975 đến, sự phân tán càng nhiều, dâu bể bể dâu, vật đổi sao dời, phần ai nấy lo cho cuộc sống trước một sự thay đổi quá lớn. Một số học trò cũ và độc giả cứ tưởng tôi đã bỏ nước ra đi, cho đến những nhà văn nhà báo các bạn đồng nghiệp cũ cũng đều in trí là tôi đã đi khỏi đất nước Việt Nam rồi.

Nghề dạy học luôn được tôi xem là nghề tay mặt, còn viết văn chỉ là nghề tay trái mà thôi. Khi dạy học, tôi luôn để hết tâm trí vào việc giảng dạy, với ước mong các em học sinh của mình ngày sau phải là những người hữu ích cho đời, cho xã hội. Dù dạy cho các trường tư thục, tôi vẫn dạy hết sức tận tình, lúc nào cũng tự khuyên mình phải làm một nhà mô phạm như các bậc thầy của tôi ngày xưa. Vì vậy ngoài bài vở ra, tôi còn dạy các em về cách đối xử ngoài đời. Việc này không khó lắm cho tôi vì tôi dạy hai môn văn chương Việt Pháp, có đủ thì giờ để nói dông dài, Đông Tây Nam Bắc, thời xưa thời nay, chớ không phải chỉ nói đến những con số, những công thức này công thức nọ như các giáo sư dạy Toán hay Lý Hóa. Có lẽ vì vậy mà tôi gần với học sinh hơn. Và mặc dù đã nghỉ dạy trên 30 năm, tôi vẫn không quên các em học sinh của tôi, thỉnh thoảng có dịp là tôi lại nhắc. Cũng có lẽ vì vậy mà giữa các em học sinh và tôi mới có được sự đồng giao cách cảm để ngày nay sau 40 năm, khi các em đã là những giáo viên, hiệu trưởng, công chức về hưu, những kẻ đã thành công trên thương trường hay đang vất vả vật lộn với cuộc sống…, vẫn chưa quên tôi, tìm đến tôi trong ngày một số em cùng sinh trong tháng 6 tổ chức sinh nhật chung, mời tôi đến dự.

Tôi đã quá già rồi, năm nay đã 81 tuổi, từ lâu không dự tiệc tùng nữa. Thời trẻ đã dự quá nhiều rồi, ở đời việc gì cũng phải theo luật bù trừ phải không các bạn? Vậy mà tôi rất vui khi nhận lời mời, làm sao từ chối một đám học sinh cũ mà mình đã để bao tâm huyết ra dạy, đã đặt bao kỳ vọng nơi các em, và ngày nay các em đã thành đạt trên đường đời, trong gia đình đã là ông bà nội, ngoại.

Em Chúc đứng ra làm tiệc, một tiệc chay rất khéo, rất linh đình với bánh sinh nhật, và đi rước tôi bằng xe taxi. Hôm ấy trời lại mưa lất phất khiến lòng người, lòng thầy trò chúng tôi cùng se lại. Các em đã đón tôi với sự nồng nhiệt và cũng như ngày nào, những cặp mắt đầy thân yêu lại hiện ra, mừng rỡ. Tôi đến bữa tiệc mà như đến lớp học, vào ngày tôi còn dạy lớp đệ thất Tân Thịnh, hay lớp 6 è Moderne. Em Tôn dìu tôi vào phòng tiệc và la lớn: “Cô đến!”. Thế là các em ùn ùn ra đón, trong khi em Châu chạy tới chạy lui quay phim chụp hình. Có khác nào ngày xưa khi các em tổ chức lễ Tân niên và kéo nhau đi mời tôi đến dự vì tôi là giáo sư chính cả hai lớp.

Cảnh hội ngộ mừng vui nói sao cho xiết! Các em lo bày tiệc, mời tôi và các bạn ngồi vào bàn rồi cử một em đứng ra nói vài lời, tôi đáp từ và mừng những em cùng có sinh nhật trong tháng 6 này.

Các em bảo tôi không thay đổi, 82 tuổi mà chưa già nhiều, còn phong độ… Nhiều giáo sư cùng dạy với tôi ở Tân Thịnh đã qua đời. Kẻ chết ở Việt Nam như Nguyễn Hữu Chỉnh, Phan Ngọc Châu, Nguiễn Hữu Ngư, Thái Châu… Người chết ở nước ngoài như Trịnh Chuyết ở Tây Đức, Lê Đình Duyên ở Mỹ… Tôi sống lâu, nên mới có ngày nay, một ngày đáng nhớ.

Trong buổi tiệc, tôi để ý đến một em. Đó là em Hồ Thị Vinh, học với tôi ở đệ thất, rất đẹp và có tật ở chân. Tôi để ý đến em vì thấy ở em có một nỗi buồn gì đó mà không thể tâm sự cùng ai được. Trong khi nhìn các em khác, tôi thấy nhiều em hân hoan vui vẻ ra mặt. Sau đó tôi đã hỏi riêng một em và hiểu cuộc đời của em Vinh đã không được may mắn như các em khác. Vẫn biết với nhà Phật, mọi sự đều vô thường, có đó rồi mất đó, nhưng ở em Vinh, khi tôi về nhà nằm nghỉ vẫn thấy một chút bùi ngùi thương cảm. Không phải ai đem tận tâm tận lực ra làm một việc gì đó, đeo đuổi một chí hướng nào đó, đều hưởng được thành công. Mưu sự tại nhân mà thành sự tại thiên cũng là vậy!

Bữa tiệc hôm ấy đã làm tôi thật cảm động trước tình cảm của các em, trước niềm vui mà Trời Phật, số phận đã dành cho tôi trong lúc tuổi già bóng xế. Dạy học, lại dạy ở trường tư như tôi, mà được học sinh yêu thương như vậy, tôi thiết tưởng cũng là một vinh dự lớn lao cho mình. Nhân buổi tiệc này, khi về nhà tôi đã nghĩ thật nhiều về các em và bỗng có ý nghĩ nên viết cho em Hồ Thị Vinh một bức thư – vì em không có điện thoại nên tôi không thể nói chuyện với em được. Viết cho Hồ Thị Vinh tức là viết cho các em, các em chắc cũng hiểu thâm ý của tôi. Và tôi đã viết:

Em Hồ Thị Vinh thương,

Trong buổi họp mặt sinh nhật của các em, cô được mời đến dự. Mặc dù đã 82 tuổi, sức khỏe không cho phép, cô vẫn ráng đến để gặp lại những học sinh cũ mà cô rất thương khi còn dạy và khi xa các em rồi cô vẫn luôn nhớ đến với bao kỷ niệm êm đềm. Hôm ấy cô thật sự cảm động và nhớ lại cả một quãng đời rất đẹp của mình khi còn cầm viên phấn đứng trên bục giảng nhìn xuống các em, với những cặp mắt thông minh ham học đang nhìn lại cô chăm chú. Ôi! Thật là một quãng đời đáng nhớ, một quãng đời mà không một cái quí giá trên đời này có thể đổi lấy được. Những khuôn mặt của các em quen thuộc với cô quá. Hồi cô còn dạy, còn trẻ, cô nhớ từng tên các em cả họ lẫn chữ lót, cả chỗ từng em ngồi trong lớp ở bàn nào, dù là bàn đầu hay bàn chót . Vậy mà bây giờ, những khuôn mặt ấy cô vẫn còn nhớ, nhưng tên thì em nhớ, em quên. Thời gian có bao nhiêu cái hay, nhưng lại có cái dở đó các em ạ. Với khoảng thời gian dài 40 năm, với một số học trò quá đông đúc qua gần 10 năm cô đứng lớp, các em cũng hiểu cô làm sao mà nhớ cho hết phải không các em?

Tất cả các em đều để lại trong lòng cô một tình thương bao la sâu đậm và cũng chính tình cảm này đã nuôi dưỡng cô đến ngày nay, giúp con người cô vẫn còn phong độ trong lúc tuổi già. Nhưng riêng với các em, em Hồ Thị Vinh thân mến, cô vô cùng cảm động nhìn thấy sự hân hoan hiện rõ lên nét mặt của em khi em nhìn cô. Sự hân hoan này các em khác cũng có, nhưng không bộc lộ một cách tự nhiên như em. Em nhìn cô rồi ôm hôn cô, em lại cầm bàn tay đã già nua, nhăn nheo của cô mà vuốt ve từng ngón tay. Cái bàn tay ấy ngày xưa đẹp biết bao em nhỉ? Khi bàn tay cô cầm viên phấn đặt lên bảng đen để viết những nét chữ thì bàn tay ấy đâu phải nhăn nheo như bây giờ phải không em Vinh?

Cô thương các em quá, cám ơn các em đã cho cô cái dịp quí hóa này để gặp lại các em, để nhớ một thời tươi đẹp của mình.

Về đến nhà, đầu óc đã gần đi vào sự quên lãng của cô đã hồi phục nhớ lại tất cả những khuôn mặt thân thuộc ngày nào, những khuôn mặt đã giúp cô đứng vững trong thời gian trẻ còn nhiều vất vả. Nhớ đến các em, nhớ đến em Hồ Thị Vinh bé bỏng của cô ngày nào, cô ngồi lại bàn viết cho em – viết cho em tức là viết cho tất cả các học sinh cũ để ghi lại một kỷ niệm êm đềm của cuộc đời người cầm viên phấn đứng trên bục giảng và cầm bút để viết những gì mà mình mong mỏi con người đi vào đường thiện mỹ.

Cô viết cho em vì nhìn vào bảng danh sách của Tôn đưa, cô thấy em không để số điện thoại, nên cô không thể nói chuyện với em qua điện thoại như các em khác. Lúc em rảnh hãy nhớ lời hứa với cô nhé. Hãy đến thăm cô với vài người bạn nữa. Khi cô ngồi trên bàn dạy, dưới mắt cô, tất cả các em dù ở hoàn cảnh nào đi nữa thì cũng đều bình đẳng. Bây giờ điều đó vẫn không hề thay đổi. Thành đạt hay không thành đạt, cô vẫn dành cho các em tình cảm như nhau, nếu không muốn nói là cô càng thương hơn những em không gặp được may mắn trong cuộc sống.

Cô thăm em và chúc emvượt qua tất cả mọi sự, mọi việc không vừa ý.

Thân ái
(Viết và gởi ngày 23-6-1996)
PHỤ LỤC 5. GẶP GỠ NHÀ VĂN LÃO THÀNH BÀ TÙNG LONG
Lê Phương Chi

Quá trình đi học:

- Học hết bậc tiểu học trường Tiểu học Đà Nẵng.
- Học một năm Trung học Đồng Khánh – Huế.
- Chuyển vào học năm 2è Année (Đệ nhị niên) trường Aùo Tím (Collège Des Jeunnes Filles Indigènes) – Sài Gòn.

Quá trình đi dạy:

- Dạy Pháp văn các trường Trung học Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauriers ở Sài Gòn (1950 – 1954).
- Làm Hiệu trưởng, Liên hiệu trưởng các trường Tiểu học Bình dân Học hội ở Nghĩa Kỳ – Quảng Ngãi.

Quá trình hoạt động Văn học – Báo chí:

- Chủ bút Tuần báo Tân Thời (1935).
- Phụ trách mục Gỡ Rối Tơ Lòng trên nhật báo Sàigòn Mới.
- Phụ trách mục Tâm Tình Cởi Mở trên nhật báo Tiếng Vang (1962 – 1972).
- Thư ký tòa soạn tuần báo Phụ Nữ Diễn Đàn.
- Đã cộng tác với các tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Ngày Mai.
- Đã viết tiểu thuyết (feuilleton) cho các báo ở Sài Gòn từ năm 1954 – 1972.
- Đã có trên sáu mươi đầu sách được xuất bản từ năm 1956 đến 1972.
- Sau 1975 đã tái bản và in mới trên mười cuốn sách.

(Hiện nay tác phẩm của Bà tùng Long đã bị thất lạc trên năm mươi phần trăm).

Ý niệm của nhà văn Bà Tùng Long:

“Tôi vừa viết tiểu thuyết cho báo, vừa dạy con học, vừa thảo thực đơn cho con gái đi chợ. Viết văn đối với tôi đã trở thành chuyên nghiệp chớ không phải viết theo cảm hứng”.

“Tôi ngồi đâu cũng viết được và viết bất cứ lúc nào, khi có nhu cầu… Tôi thích viết loại bút Bic mực màu đen, viết trên giấy báo đã in một mặt.”

“Tôi viết văn để nuôi con. Khi các con tôi những đứa lớn trưởng thành, dìu dắt được các em chúng, bấy giờ tôi sẽ nghỉ viết.”

“Tôi làm báo chẳng những không bị gia đình rẻ rúng, mà còn được cha tôi khuyến khích và chồng tôi dìu dắt. Tôi tự xét mình, thấy trong hai mươi năm làm báo, tôi chưa hề “nói láo ăn tiền”…”

GẶP GỠ BÀ TÙNG LONG: “VIẾT LÀ NIỀM VUI LỚN NHẤT ĐỜI TÔI”

Nhà văn nữ BÀ TÙNG LONG đã nổi tiếng là cây bút có biệt tài về tiểu thuyết tình cảm, tâm lý của bạn gái, với hàm ý giáo dục đạo đức các thành viên trong gia tộc vươn lên nếp sống lý tưởng, thanh cao, hướng thiện, để lành mạnh xã hội đang manh nha suy thoái thời bấy giờ.

Với số kiến thức căn bản, đa dạng, Bà Tùng Long có thể viết lối văn mà giới phê bình văn nghệ mệnh danh là “văn bác học”. Nhưng bà chỉ thể hiện một văn phong bình dị dễ hòa nhập vào giới bình dân ít học, trình độ hiểu biết còn hạn hẹp, cho họ cảm nhận được, nâng cao kiến thức anh chị em trong giới lao động.

Có thể so sánh nhà văn nữ Bà Tùng Long với nhà văn nữ Quỳnh Giao của Đài Loan là những nhà văn nữ đi vào lĩnh vực tâm lý của giới thanh niên nam nữ bình dân đương thời. Nhưng ở Sài Gòn, Bà Tùng Long đã bước sớm hơn Quỳnh Giao một thập niên.

Nhà văn nữ BÀ TÙNG LONG tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh ngày 1-8-1915 tại Đà Nẵng, quê nội ở thị xã Hội An. Khi cha về Hội An khai sinh cho con, nhân viên hộ tịch ghi ngày 21-4-1915. Sở dĩ có sự ghi sai ngày sinh của bà như vậy vì bấy giờ Đà Nẵng (tức Touranne) là thuộc địa của thực dân Pháp, nên thân phụ của bà không muốn con mình là dân xứ thuộc địa, mới về Hội An, quê nội, làm giấy khai sinh cho con. Còn ngày tháng trong khai sinh ghi lộn xộn là vì lý do chính trị: Thân sinh của bà lúc đầu làm việc trong một công ty tư của ngoại quốc, có tham gia phong trào Duy Tân do nhà các mạng Phan Thành Tài (cha của Phan Bá Lân và Phan Thuyết, sau này là giáo sư các trường Trung học tư thục Chấn Thanh và Đạt Đức) dẫn đầu. Thân phụ bà làm liên lạc viên cho phong trào. Khi phong trào tan vỡ, ông Phan Thành Tài bị thực dân Pháp bắt đưa lên đoạn đầu đài, và một số khác bị đày Côn Đảo.

Trước hiểm họa ấy, thân mẫu bà lánh về Hội An ẩn náu với mẹ chồng. Bấy giờ bà nội của bà cũng đã già yếu. Vì chữ hiếu, buộc lòng thân phụ bà phải thi vào sở Douanes (Thương chánh – nay gọi là Hải quan). Đó là lý do cô bé Lê Thị Bạch Vân khai sinh ở Hội An và ghi lệch ngày chào đời ở Đà Nẵng.

Vừa rồi, ngày 1 tháng 8, các con của bà có tổ chức buổi tiệc họp mặt mừng mẹ tám mươi tuổi, ngày đó đúng là sinh nhật của bà.

Thời gian thân phụ và làm vệc tại Sở Thương chánh Đà Nẵng, bà theo học hết bậc Tiểu học tại đây, rồi ra Huế học trường Trung học Đồng Khánh.

Năm 1932, thân phụ bà đổi vào Sở Douanes Sài Gòn thì bà học những năm cuối ban Trung học tại Collège Des Jeunes Filles Indigène (Nữ trung học Bản xứ), vì nữ sinh mặc đồng phục áo dài màu tím, cho nên người Sài Gòn quen gọi là trường Áo Tím. (Sau đổi lại là trường Gia Long, mãi cho đến sau ngày miền Nam giải phóng, trường đổi tên Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai cho đến nay).

Bà đã viết cho Trang Phụ Nữ của báo Sài Thành (sau đổi tên là Sàigòn Mới) hồi còn ngồi ghế nhà trường. Ngoài bút danh Bà Tùng Long, bà còn ký Lê Thị Bạch Vân.

Riêng bút danh “Bà Tùng Long” bà đã ký trong mục Gỡ Rối Tơ Lòng cho nhật báo Sàigòn Mới, mục Tâm Tình Cởi Mở cho nhật báo Tiếng Vang, và trên bốn mươi đầu sách đã xuất bản, với mười mấy truyện dài đăng báo chưa in ra sách.

Nhà văn Bà Tùng Long đã đi vào văn đàn Việt Nam với sự ưu ái của độc giả nhiều lứa tuổi thời bấy giờ.

Năm 1935, Bà Tùng Long kết hôn với nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy tại Sài Gòn. Nhà báo Hồng Tiêu là người Quảng Ngãi, chủ bút nhật báo Sài Thành bấy giờ, chuyên trách mục Tranh Xã Hội (Film du Jour), đả phá thói hư tật xấu xã hội đương thời, dưới bút danh Như Hoa.

Bấy giờ Bà Tùng Long thuê manchette (bảng hiệu) tờ báo Tân Thời, chuyên về vấn đề phụ nữ, vì lúc ấy báo Phụ Nữ Tân Văn đã đình bản. Khi biết bà chủ trương tờ Tân Thời, một số bạn bè cũ ở trường Gia Long, trường Pétrus Ký (Sài Gòn), trường Pellerin (Huế), đã góp sức cổ động cho báo. Nhờ báo Tân Thời chủ trương đề cập những vấn đề thiết thân của chị em trong giới phê bình dân, báo được nhiều độc giả ủng hộ. Bà lại qui tụ được nhiều bạn học cũ cộng tác. Người ở xa thì gởi bài về, những người ở quanh vùng Sài Gòn, Gia Định thì đến làm việc luôn tại tòa soạn. Những cây viết ấy phần đông tên tuổi còn xa lạ với độc giả, và cũng mới chân ướt chân ráo bước vào làng báo như bà. Nhưng về sau, sau năm 1952 bà ở Quảng Ngãi về lại Sài Gòn, thì bút danh Tùng Long của bà đã được “cầu chứng” trong làng văn làng báo; như Nguyễn Trọng Trí đã nổi danh là nhà thơ Hàn Mặc Tử đang dưỡng bệnh ở Qui Hòa; Nguyễn Đức Nhuận cũng là nhà thơ đã được ghi tên trong quyển Thi Nhân Hiện Đại của Hoài Thanh, Hoài Chân (Nguyễn Đức Nhuận này không phải Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận, anh chồng Bà Tùng Long); và một người là Nam Quốc Cang, đã trở thành người hùng, hy sinh trong cuộc biểu tình chống Pháp của phong trào Trần Văn Ơn.

Nhắc đến nhà báo Nam Quốc Cang, bà nhớ kỷ niệm khi Nam Quốc Cang giữ mục Chuyện Hằng Tuần trên tờ tuần báo Tân Thời, nhà báo này viết; “Người Việt Nam chúng tôi chỉ có bốn quyền Tư do, đó là Tự do cờ bạc, Tự do rượu chè, Tự do hút sách và Tự do đĩ điếm”.

Thế là trong một buổi họp báo tại dinh Thống đốc Nam Kỳ (Thống đốc bấy giờ là ông Khrautemer), họ cho đọc bài ấy giữa cuộc họp báo, bấy giờ gồm có các ông Nguyễn Phan Long chủ nhiệm báo Việt Nam, Nguyễn Văn Sâm chủ nhiệm báo Đuốc Nhà Nam, Bút Trà chủ nhiệm báo Sài Thành, và bà Thụy An, vợ của Băng Dương, chủ nhiệm báo Đàn Bà. Vì tác giả Nam Quốc Cang vắng mặt, nên Bà Tùng Long đã lãnh đủ những lời chỉ trích ác liệt, nào là tác giả có tư tưởng đen tối, công kích chính phủ Pháp… Và Viên Thống đốc không quên kèm theo lời đe dọa, làm mọi người đều quay lại mỉm cười nhìn bà – chẳng biết mỉa mai hay thương hại – chắc họ nghĩ là bà mới bước vào làng báo, chưa biết sự lợi hại và nguy hiểm của lưỡi kéo kiểm duyệt!

Sau đó, người chủ cho thuê bảng hiệu báo, thấy báo bán chạy liền tìm cách lấy báo lại, mặc dù chưa hết giao kèo. Bấy giờ (1936) bà đang ốm nghén, và trong giao kèo thuê báo còn lỏng lẻo, lại nữa chủ báo cũng là người bên nhà chồng, nên bà bỏ luôn tờ báo, về nhà cụ thân sinh (đang ở Sài Gòn) để nghỉ ngơi chuẩn bị sinh con. Bà sinh con gái đầu lòng xong, sau đó vẫn đi dạy trường Tôn Thọ Tường và chỉ còn viết cho trang Phụ Nữ của nhật báo Sài Thành. Rồi năm 1994, Sài Gòn bị máy bay phe Đồng Minh thả bom, thân sinh của bà đổi xuống Sở Douanes tỉnh Trà Vinh; ông bà Bút Trà về Tân An tránh bom. Bà cũng bế con theo chồng về quê Quảng Ngãi.

Đúng ra, nguyên quán anh em ông Hồng Tiêu ở tỉnh Quảng Nam, nhưng cụ nội xưa kia làm quan ở Bình Thuận. Khi đau nặng, gia nhân đưa về ngang Quảng Ngãi thì mãn phần tại đây. Cụ bà (là cô của tiến sĩ Phạm Liệu, một trong Ngũ Phụng Tề Phi xứ Quảng) là mẹ của thân sinh anh em ông Bút Trà – Hồng Tiêu sau này, ở lại nơi chôn ông cụ để cư tang đái hiếu. Và rồi nơi đây trở thành quê hương thứ hai của tộc họ Nguyễn Đức…

Khi về Quảng Ngãi, tỉnh lỵ cũng bị bom quân đồng minh, vợ chồng bà lại chạy lên vùng Mỹ Thắng, Nghĩa Kỳ, nơi có thắng cảnh Thạch Bích Tà Dương, mỗi chiều về nắng chiếu vào vách núi tạo nên một vẻ đẹp kỳ ảo, là một trong những thắng tích của tỉnh Quảng Ngãi. Vì ở gần núi nên đêm về gió lùa lạnh thấu xương.

Rồi Cách Mạng tháng 8 bùng lên, bà kẹt luôn ở đấy. Bà xin mở trường Tiểu học lấy tên là Tân Dân, dạy những người lớn tuổi thất học, ban ngày làm việc đồng áng, tối về lớp học. Trong số đó có cán bộ hành chánh, đoàn thể đến học thêm ngoài giờ làm việc. Bà giúp một số anh chị em thi vào trường Trung học Bình dân Chợ Chùa tỉnh Quảng Ngãi.

Sau này, có vài người học trò cũ ở trường Tân Dân thuở ấy, đã là cán bộ cao cấp, nhân dịp vào Sài Gòn, đã tìm đến thăm bà. Gặp số học trò cũ, gợi bà nhớ lại những kỷ niệm thời chín năm kháng chiến chống Pháp…

Bấy giờ là thời điểm UBHC tỉnh Quảng Ngãi chủ trương tiêu thổ kháng chiến, lớp học ban ngày còn nhờ ánh sáng mặt trời, đến lớp đêm dạy anh chị em cán bộ, phải đốt đèn dầu mù u, mỗi lần lên lớp là phải có hai người học trò cầm đèn mù u đứng hai bên cho bà giảng bài. Bà không có sách để dạy môn Toán (Arithmétique) và Hình học (Géométrie), nên phải tự soạn chương trình và soạn những bài giảng Việt văn theo trí nhớ để dạy học (sau này gọi là giáo án).

Dạy học trong hoàn cảnh thiếu thốn như vậy được bốn năm (từ 1945 đến 1949), bà cũng đào tạo nhiều người được đưa vào trường Trung học Bình dân (Chợ Chùa – Quảng Ngãi), giúp anh chị em cán bộ trước kia thiếu điều kiện cắp sách đến trường, nay có thể tự học để nâng lên trình độ Trung học. Sau đó, Ty Giáo dục địa phương thấy bà dạy có hiệu quả, mời làm Liên hiệu trưởng coi thêm các trường học quanh vùng Nghĩa Kỳ.

Đến năm 1952, vì tình trạng khó khăn chung trong vùng kháng chiến, gia đình bà thiếu ăn, các con và đói chỉ vì lương tháng dạy học của bà vừa mua đủ hai mươi ngày gạo, cho dù bà lãnh thêu cờ, khăn, bao gối để kiếm thêm cũng không đủ tiền nuôi con. Giới chức địa phương thông cảm hoàn cảnh bà, chấp thuận cho bà dẫn con về vùng tạm chiến. Khi đó con trai út của bà, nay là nhà văn Nguyễn Đông Thức mới tám tháng tuổi. Bấy giờ bà vào Sài Gòn với các con, ông Hồng Tiêu ở lại.

Vào Sài Gòn, Bà Tùng Long vừa dạy học vừa viết báo để nuôi con. Bà nhận dạy Pháp văn cho các trường trung học Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauriers… đồng thời viết truyện dài từng ngày (feuilleton) cho các nhật báo xuất bản ở Sài Gòn. Sau 1954, bà viết thêm cho các báo Đồng Nai, Tiếng Vang, Tiếng Chuông, và các tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Mới, Phụ Nữ Ngày Mai, Duy Tân, Đông Phương… Và bà chuyên trách mục Gỡ Rối Tơ Lòng trên báo Sàigòn Mới, và mục Tâm Tình Cởi Mở cho báo Tiếng Vang. Đặc biệt hai mục này bà có rất nhiều độc giả, nhất là độc giả trẻ rất ái mộ.

Thời ấy, những truyện dài của bà vừa kết thúc trên báo đã có nhà xuất bản thương lượng mua bản quyền để in sách. Từ năm 1956 đến 1958, bà đã cho xuất bản trên hai mươi đầu sách, rồi từ 1963 đến 1972 bà tiếp tục cho xuất bản trên hai mươi đầu sách nữa. Những đầu sách chúng tôi tra cứu được in kèm dưới đây vẫn còn thiếu. Vì sau 1975 sách báo thất lạc rất nhiều. Mấy năm gần đây bà cũng có cho tái bản mấy cuốn: Đời Con Gái, Hứa Hẹn, Tỉnh Giấc Tình Si, Tìm Về Bến Thương, Mười Hai Bến Nước… nhưng bà không được hài lòng vì nhà xuất bản in giấy xấu quá, thiếu thẩm mỹ.

Bà Tùng Long gác bút từ năm 1972, như bà đã trả lời cuộc phỏng vấn của ký giả Trần Quân báo TIME năm 1961: “Tôi viết văn để nuôi con. Khi nào các con tôi đứa lớn trưởng thành dìu dắt được đàn em nó, bấy giờ tôi sẽ nghỉ viết”.

Cho nên đến khi người con gái lớn của bà đỗ cử nhân Khoa học (hiện đang công tác tại Công ty Dệt Phong Phú) và mấy người con trai của bà cũng đỗ đạt, thành danh trong và ngoài nước, đã là giáo sư, luật sư… là bà toại nguyện.

Và bà cũng “gác bút quy ẩn” từ dạo đó…

Tôi đã xin Bà Tùng Long một cái hẹn từ mấy ngày trước, hôm tôi đến tư thất của bà ở đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, được bà tiếp thân mật ở phòng khách nơi đặt bộ salon đơn sơ, bày trước tủ thờ, bên trên có di ảnh nhà báo tiền bối Hồng Tiêu chồng bà, đã quá cố năm 1985.

Bà khoan thai trong bộ quần áo bà ba trang nhã, tuy tuổi đã bát tuần nhưng thoạt trông ngỡ như mới ngoài sáu mươi, vì tóc chỉ điểm sương, nét trán chưa nhăn, âm hưởng giọng nói vẫn thanh tao, và điều đặc biệt là trí nhớ của bà vẫn còn sắc sảo thể hiện qua những câu trả lời rất gọn gàng mạch lạc trong cuộc mạn đàm với tôi sau đây…

Trong lúc hàn huyên giao đãi, tôi hỏi thăm về nhà thơ lão thành cũng là nhà báo kỳ cựu Hồng Tiêu. Bà Tùng Long nhân lúc vui chuyện, đọc cho tôi nghe hai câu đối của nhà thơ Lam Giang tặng vợ chồng bà:

BẠCH VÂN thiên thượng cô phi ảnh
Dao vọng HỒNG TIÊU luyến ái thê

(Xin lược dịch nôm na:

Mây trắng trời xanh bay lẻ bóng,
Sáo ngọc vang xa nhớ vợ hiền)

Sau đó, tôi mời bà Tùng Long cùng vào cuộc trao đổi về tâm sự của bà:

- Thưa bà, vào thời điểm 1936, người phụ nữ Việt Nam đều có xu hướng làm vợ làm mẹ, và phần đông đều mơ ước được làm dâu trong gia đình tư sản, để về sau làm chủ gia sản lớn, sống trong nhung lụa. Với học lực và dung mạo trên trung bình, bà dễ dàng bước vào ngưỡng cửa giới thượng lưu. Sao bà lại thích theo nghề viết văn làm báo?

Bà Tùng Long: - Tôi viết văn là chịu ảnh hưởng của cha từ khi tôi còn nhỏ. Thuở ấy, cha tôi cộng tác với các báo Hữu Thanh, Nam Phong, tôi đọc các tạp chí ấy khi còn học tiểu học ở Đà Nẵng. Và lên trung học, tôi được đọc thêm sách của Tự Lực Văn Đoàn, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, mộng viết văn của tôi ấp ủ từ đó.

Còn tôi làm báo thì do chồng tôi khuyến khích. Đó là khi cha tôi đổi vào Sài Gòn, tôi theo học trường trung học Áo Tím, chồng tôi bấy giờ chỉ là nhà báo Hồng Tiêu, bạn vong niên của cha tôi, cùng hoạt động trong Hội Trung Ái Hữu, đang là chủ bút nhật báo Sài Thành, thường tới nhà bàn thảo công việc với cha tôi và hay gợi ý cho tôi viết báo, rồi giao tôi phụ trách Trang Phụ Nữ của báo Sài Thành, lẽ dĩ nhiên là được cha cho phép và khuyến khích. Và sau đó cũng cha tôi tác hợp hôn nhân cho chúng tôi.

- Thưa bà, thời bấy giờ đang trong xã hội phong kiến, mọi người còn quan niệm rằng “Làm báo nói láo ăn tiền” cho nên những ai lăn lóc vào nghề này dễ bị gia đình khinh rẻ. Chẳng hay trường hợp của bà có ngoại lệ không?

- Tôi làm báo chẳng những không bị gia đình rẻ rúng mà còn được cha tôi khuyến khích, chồng tôi hướng dẫn. Và tôi xét thấy suốt hai mươi năm làm báo, tôi chưa hề “nói láo ăn tiền” bao giờ. Mặc dù viết văn để nuôi con, nhưng tôi không chiều theo vài ông chủ báo để viết theo thị hiếu xấu của một số độc giả của báo nào đó. Mà tôi chỉ viết theo lương tâm, mục đích xây dựng luân lý và trau dồi đạo đức con người. Vì tôi quan niệm mình phải làm như vậy thì các con của mình sau này mới nên người tốt và có ích cho xã hội.

- Thưa bà, bà thường viết vào lúc nào trong ngày? Viết luôn vào máy đánh chữ hay viết tay? Bà có thói quen gì trong khi viết?

- Tôi thường viết bằng bút Bic mực màu đen, viết trên giấy báo đã in một mặt. Tôi thường ghé tòa soạn mỗi sáng, vào thẳng nhà in lấy tờ ruột đã in trang 2 và 3, để coi lại feuilleton của mình đã đến đâu. Nếu hôm nào người ấn loát trưởng (chef typo) cho biết bài của tôi đã hết, phải đưa thêm, tôi liền ngồi vào bàn tại phòng sắp chữ, viết nối theo đoạn tiểu thuyết hôm trước, đưa liền để thợ kịp sắp chữ, lên khuôn.

- Thưa bà, còn khi viết ở nhà?

- Sau bữa cơm tối, tôi viết từ mười chín giờ đến khoảng hai mươi giờ cho những đoạn tiếp theo đoạn trước, và trả lời thư của mục Gỡ Rối Tơ Lòng để kịp đưa cho các báo sáng hôm sau. Cũng có hôm, báo nào nhờ viết truyện ngắn chẳng hạn, thì tôi cũng viết liền một mạch – sau khi xong các bài nói trên – đến hai, ba giờ sáng cho xong. Đôi lúc vì quá mệt, tôi phải xếp lại để tối hôm sau mới hoàn tất…

- Thưa bà, những lúc đang viết mà mất hứng, bà gợi hứng như thế nào để viết tiếp?

- Vấn đề gợi hứng để viết tiếp ít khi xảy ra với tôi. Bởi vì, nếu viết tại nhà thì tôi vừa dạy mấy đứa con nhỏ học, vừa thảo thực đơn cho đứa lớn đi chợ, vừa viết văn… thì đâu có thể viết theo cảm hứng được! Viết văn đối với tôi bấy giờ đã trở thành chuyên nghiệp rồi.

- Trong hoàn cảnh bận rộn như vậy mà bà viết tiểu thuyết cho nhiều báo một lúc, có khi nào nhân vật truyện này nhẩy qua truyện kia không?

- Tôi luôn lập sẵn dàn bài, tóm lược cốt truyện, phân chương và ghi chi tiết từng chương, định hình nhân vật… cho mỗi truyện. Trước khi viết tiếp cho báo nào, tôi luôn xem lại dàn bài này, nhờ vậy không bao giờ lẫn lộn cốt truyện, hoặc nhân vật truyện này qua truyện nọ. Nói cho đúng, tôi nhờ nghề viết văn mà lần hồi nuôi được chín đứa con, đứa nào cũng vào đại học.

- Bà viết nhiều tiểu thuyết đồng loạt cho các tờ báo, đề tài và chất liệu bà lấy ở đâu mà phong phú quá vậy?

- Tôi được hưởng di sản phong phú về trí nhớ và tâm hồn văn thơ của cha tôi. Bắt nguồn từ căn bản đó, đến những ngày học ở Huế, rồi những ngày theo cha đến những nhiệm sở như Tam Quan (Bình Định), nơi có rừng dừa bạt ngàn, non xanh nước biếc phong cảnh rất nên thơ; và nơi có sự sinh hoạt xô bồ náo nhiệt ngày đêm như ở Sài Gòn. Rồi với những điều mắt thấy tai nghe, tôi còn chắt lọc thêm qua những câu chuyện tâm tình của bạn đọc. Khi viết báo, tôi lại chắt lọc qua tâm sự của học sinh trong các lớp học. Và qua mục Gỡ Rối Tơ Lòng với mục Tâm Tình Cởi Mở, đó là hai nguồn cung ứng tài nguyên cho đề tài và chất liệu trong các tác phẩm của tôi.

- Thưa bà, chúng tôi xin vô phép được hỏi, thuở sinh thời ông nhà có góp sức trong sinh kế gia đình? Và có giúp đỡ bà trong việc viết lách phần nào không?

- Có nhiều lắm chớ! Nhưng nhà tôi say mê hoạt động chánh trị, lợi nhuận của nhà tôi ở lĩnh vực khác. Riêng trong việc viết lách của tôi, khi nào tôi viết mà gặp những danh từ Hán văn, hoặc những điển tích, thì nhà tôi giảng cho. Thuở nhỏ tôi đã được ông nội dạy học chữ Hán, sau này nhà tôi có dạy nhưng tôi bận quá nên không học. Có thể nói cho vui là vợ chồng chúng tôi ví như hai quyển sách tự điển của nhau, chẳng hạn khi tôi cần vấn đề gì về Hán văn hoặc về điển tích thì có nhà tôi, cũng như khi nhà tôi cần gì về địa danh trên thế giới thì tôi đáp ứng. Nhà tôi còn muốn dạy tôi làm thơ Đường luật và các thể loại thơ khác, nhưng tôi không học, chớ không thích làm thơ, tôi tự biết mình không có năng khiếu ở lĩnh vực ấy.

- Bấy giờ bà làm việc nhiều như vậy còn thì giờ đâu mà giải trí? Xin bà cho biết những thú vui của bà?

- Thú thật, tôi ít có thời gian dành cho những cuộc đi giải trí bên ngoài. Ban ngày thì ngoài công việc viết báo, tôi còn dạy Pháp văn và Việt văn cho các trường như tôi đã kể. Tôi còn làm Tổng thư ký Hội phụ nữ Việt Nam (thời Ngô Đình Diệm, lúc bà Bút Trà là Hội trưởng), có chân trong BCH Hội bảo vệ luân lý, và tham gia BCH các Hội phụ huynh học sinh những trường có con tôi theo học như Võ Trường Toản, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Pétrus Ký… Bấy giờ, sau những tiết dạy hoặc những buổi họp, tôi phải nhào lên taxi chạy cho kịp giờ, tôi nghĩ cũng gần giống như hiện nay những danh cha chạy show đến các tụ điểm ca nhạc cho kịp giờ hát vậy.

- Trong bữa cơm hằng ngày bà thường ăn những món gì?

- Hồi nhỏ, lúc còn ở Đà Nẵng, mẹ tôi cho ăn món gì thì khi ra đời và cho mãi đến bây giờ tôi vẫn ăn các món đó. Mà cha mẹ tôi ăn uống rất giản dị, căn bản là cá biển nấu ngót theo kiểu Đà Nẵng, cá chiên giầm nước mắm tỏi ớt, ăn với rau luộc, và món ăn thường bữa của chúng tôi là món cá kho mặn.

- Còn những ngày gia đình bà sống ở Sài Gòn, thì các món ăn và giờ giấc những bữa cơm hằng ngày như thế nào?

- Tôi cũng ăn uống theo thói quen của mẹ tôi đã cho tôi ăn thuở nhỏ, cho nên tôi ít ăn cá đồng và các món lạ như ếch, lươn… dù tôi biết là cũng rất ngon. Tôi chỉ ăn ngàyba bữa: Sáng điểm tâm cháo trắng hay là xôi ở nhà nấu, rồi đi dạy học hoặc đến các tòa báo. Trưa và tối ăn hai bữa nữa. Tôi rất ít ăn quà giữa những bữa cơm. Dù có ai biếu món ăn gì, hoặc bánh, trái cây, tôi cũng để dành chờ dọn cho cả nhà ăn sau hai bữa cơm chính.

- Bà có thích ăn những món cổ truyền của Hội An như Cao lâu, và mì Quảng của Đà Nẵng không?

- A, món Cao lâu! Hồi nhỏ, sáng chủ nhật nào tôi cũng đi ăn với cha tôi. Vì bấy giờ bà nội tôi ở Hội An cho nên hễ chiều thứ bảy tan sở là cha con tôi lên thuyền xuôi về Hội An. Ở chơi với bà đến chiều chủ nhật lại theo thuyền trở về Đà Nẵng để sáng thứ hai tôi đi học, cha tôi đi làm. Nhưng hiện nay tôi bị bệnh tim mạch, bác sĩ bắt ăn kiêng các chất béo, nên tôi không dám ăn món Cao lâu và mì Quảng nữa, vì món nào cũng có nhiều mỡ quá.

- Thưa bà, thời gian gần đây bà có đọc tác phẩm của các nhà văn trẻ không? Nếu có, xin bà cho biết cảm tưởng ra sao?

- Ngoài việc dạy học và viết văn, tôi còn hai đam mê nữa, đó là đan len và đọc sách. Hễ rảnh tay là tôi đan, hoặc gặp được cuốn sách nào thích là tôi đọc mải miết cho hết mới chịu buông, nhiều cuốn tôi đọc đến bốn , năm lượt, có cuốn tôi đọc say sưa một lèo đến gần sáng. Vì mê đọc sách, cho nên các bộ kiếm hiệp của Kim Dung tôi đều có đủ, nhưng đâu dám đọc, bởi sợ không dứt được để làm việc khác, mãi sau này nghỉ viết tôi mới đọc hết toàn bộ sách ông ta.

- Còn các nhà văn trẻ hiện nay, thưa bà?

- Gần đây tôi cũng đọc các nhà văn trẻ, tôi nhận thấy các cây bút trẻ bây giờ đã chắt lọc được nhiều khía cạnh của cuộc sống để thể hiện vào tác phẩm, nhờ môi trường rộng và đa dạng. Lại nữa các bạn trẻ còn có điều kiện đi lại nhiều nơi trong nước và ngoài nước, được tiếp cận với muôn mặt của cuộc sống hiện nay, có thể nói đời sống của các bạn trẻ hôm nay phong phú hơn thời chúng tôi trước kia nhiều lắm.

- Bà có thể cho biết vài nhà văn trẻ được bà ưa thích qua tác phẩm?

- Nếu chỉ nói thích đơn thuần, thì tôi thích đọc nhiều cây bút trẻ. Như về thơ, tôi thích thơ Đỗ Trung Quân, Từ Kế Tường và Nguyễn Duy. Nhà thơ Nguyễn Duy khi đi Thụy Điển về, có bài thơ nói về các thiếu nữ nước ấy tắm nắng. Lời thơ dí dỏm có nhiều tứ mới, nhẹ nhàng mà súc tích, dễ cảm nhận. Cũng như những cây bút hàm tiếu trong báo Mực Tím viết rất dí dỏm, tươi tắn và khá hồn nhiên.

Còn văn thì tôi thích đọc tác phẩm của những cây bút đang lên như Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc… Văn phong các bạntrẻ ấy gãy gọn, sử dụng những câu ngắn nhưng sống động với nhiều hình ảnh, rất hóm hỉnh đầy chất trẻ. Riêng về tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, tôi liên tưởng đến nhà văn André Lichtenberger của Pháp…

- Thưa bà, các con của bà, ngoài nhàvăn nhà báo Nguyễn Đông Thức, có còn anh chị nào nối nghiệp của ông nhà và bà không?

- Tôi còn một người con trai, anh của Đông Thức, đang sống ở ngoại quốc, cũng viết báo. Bây giờ anh nhắc đến Đông Thức, làm tôi nhớ khi nó còn học cấp I, có lần tôi chê nó dốt Việt văn, nó nói: “Bộ má tưởng viết tiểu thuyết khó lắm sao? Theo con, chỉ cần thuộc hai mươi lăm mẫu tự là viết được”. Tôi buồn cười và nghĩ nó còn nhỏ mà đã nói lớn lối như vậy, có lẽ sau này nó sẽ viết văn. Mà về sau quả đúng như vậy. Sau khi Đông Thức đi thanh niên xung phong về, nói với tôi là con sẽ làm báo Tuổi Trẻ và viết văn. Tôi hỏi sao con không chọn nghề khác, chớ mẹ thấy sống với nghề cầm viết làm sao nuôi nổi vợ con. Đông Thức trả lới với tôi là: “Con theo nghề báo của Thầy, nghề văn của Mẹ, sau này sướng thì nhờ, cực thì con cũng ráng chịu!”.

- Rồi bà trả lời sao, thưa bà?

- Tôi nghe con nói vậy, chỉ biết im lặng vì xúc động và làm thinh luôn chớ còn biết nói gì nữa?

- Thưa bà, nhà báo Hồng Tiêu cũng là nhà thơ Đường luật kỳ cựu, chẳng hay các con của ông bà có người nào nối nghiệp thơ, hay chỉ viết văn làm báo như Nguyễn Đông Thức thôi?

Bà Tùng Long bảo tôi hãy đợi một chút, rồi bà đi vào phòng trong đem ra một tập vở có nhiều bài thơ chép tay, đưa tôi xem và trả lời câu hỏi của tôi lúc nãy:

- Chị em chúng nó cũng có làm rất nhiều thơ theo thể Đường luật để biểu cảm về tình yêu thương cha mẹ. Trong tập thơ này là bài thơ chị em nó làm trong những dịp chúc thọ tôi.

Tôi đón tập thơ chép tay, đọc lướt qua nhiều bài thơ của các con bà cảm tác để chúc tụng mẹ trong ngày sinh nhật. Tôi chú ý đến bài thơ Lòng con của Nguyễn Đức Thông (Đông Thức) làm theo thể thất ngôn tứ cú, vào dịp lễ sinh nhật của Mẹ ngày 1-8-1962, khi ấy Đông Thức mới 11 tuổi:

LÒNG CON

Từ lâu ơn Mẹ quá cao dày
Viết báo, làm văn suốt tháng ngày
Nuôi đám con thơ ăn học đủ
Mong con khỏi khổ lúc sau này

Ước gì con có đủ quyền uy
Nắm được thời gian chớ vội đi
Để Mẹ chúng con còn trẻ mãi
Nhưng rồi ước vọng lai tan đi

Mái tóc đen nay đã bạc màu
Đôi môi tươi thắm có còn đâu!
Làn da trắng mịn giờ thay thế
Bằng một làn da kém ửng đào.

Con muốn đem ngay mái tóc đen
Cùng dòng máu nóng của con tim
Thay vào tóc trắng, đôi môi héo
Và nếp da nhăn của Mẹ hiền.

Long Nhi – Nguyễn Đức Thông

- Thưa bà, bà đã ký bút danh Bạch Vân cũng đẹp, vì sao bà lại ký Bà Tùng Long và dùng mãi đến bây giờ?

Bà Tùng Long cười: - Các vị nho học của chúng ta có câu: “Vân Tùng Long, Phong Tùng Hổ”, nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp, cho nên thuở xưa, người nào lấy biệt danh Tùng Hổ thì biết người ấy tên là Phong. Tôi tên Vân cho nên lấy bút danh Tùng Long. Và khi ký bút danh này, tôi thấy không trùng với ai, cho nên tôi dùng luôn đến nay.

- Thưa bà, nếu vậy hai từ Tùng Long cũng đủ, sao bà còn thêm từ Bà phía trước?

Bà Tùng Long lại cười: - Vì ký bút danh Tùng Long, tôi sợ độc giả hiểu lầm tôi là đàn ông, nên tôi thêm chữ Bà vào để phân biệt. Lúc đầu tôi nghĩ là dùng tạm một thời gian, nhưng về sau tôi thấy cũng nhiều người dùng từ Bà trước bút danh, chẳng hạn như Bà Đạm Phương. Hồi còn trẻ, bà Đạm Phương thường dùng danh từ Đạm Phương nữ sĩ, và bà Tương Phố cũng dùng bút danh Tương Phố nữ sĩ.

Hồi ấy cũng có một bà Đông y sĩ xưng danh là nữ sĩ Phan Thị Bạch Vân, đồng thời các vị mày râu khi viết bài về phái nữ, cũng ký Huỳnh Hoa nữ sĩ, Ngọc Lan nữ sĩ… Riêng tôi, không dám tự hào là nữ sĩ, nên tôi không ký Tùng Long nữ sĩ.

Hơn nữa, trong thời gian tôi còn dạy học ở Quảng Ngãi và khi vào Sài Gòn, tôi có viết bài để dạy học mà bây giờ gọi là giáo án, hoặc dịch vài bài thơ Pháp đăng báo, tôi cũng thường ký bút danh Bà Tùng Long, chủ đích để cho độc giả khỏi lầm tôi là đàn ông, đồng thời tôi cũng nghĩ rằng mình chỉ là nhà giáo dục, chớ không phải nhà văn. Chẳng hạn như bà Stael và bà Maintenon bên Pháp, lúc nào cũng ký bài báo và những cuốn sách của mình viết về các vấn đề giáo dục các thiếu nữ, là Madame Stael, Madame Maintenon. Rồi về sau trong văn học sử Pháp cũng ghi bút danh của các bà ấy với từ Madame đứng trước bút hiệu.

Còn tôi, trong các mục Gỡ Rối và Giải Đáp, tôi ký Bà Tùng Long là để gần gũi với phái nữ. Vả lại, như vậy các nữ độc giả sẽ tin cậy và dễ bộc lộ tâm tình hơn là chỉ ký Tùng Long, họ có thể nghĩ lầm tôi là phái nam thì họ sẽ ngần ngại khi muốn bộc lộ tâm tình. Chỉ đơn giản có vậy thôi.

- Thưa bà… Yêu văn chương từ thuở nhỏ, lẽ nào và đã thật sự gác bút?

- Cảm ơn anh đã rất hiểu tôi. Thật sự thì hiện nay hàng ngày tôi vẫn viết, khi thì những đoạn hồi ký bất, khi lại là những cảm xúc bất chợt trước những sự việc xảy đến hàng ngày, những con người vừa gặp gỡ… Cũng có khi đó là một đoạn văn tôi viết về một người bạn, một đứa cháu… Viết là niềm vui lớn nhất đời tôi.

TÁC PHẨM CỦA BÀ TÙNG LONG ĐÃ XUẤT BẢN:

1. LẦU TỈNH MỘNG, tiểu thuyết, NXB Huỳnh Văn, 1956
2. TÌNH DUYÊN, tiểu thuyết, NXB Tấn Phát, 1956
3. NGÀY MAI TƯƠI SÁNG, truyện nhi đồng, NXB Sống Mới, 1957
4. ÁI TÌNH VÀ DANH DỰ, tiểu thuyết, NXB Bình Minh, 1957
5. CHÚA TIỀN CHÚA BẠC, tiểu thuyết, NXB Huỳnh Văn, 1957
6. CÒN VƯƠNG TƠ LÒNG, tiểu thuyết, NXB Tấn Phát, 1957
7. GIANG SAN NHÀ CHỒNG, tiểu thuyết, NXB Bình Minh, 1957
8. HAI TRẺ ĐÁNH GIÀY, Truyện nhi đồng, NXB Sống Mới, 1957
9. HOA TỈ MUỘI, tiểu thuyết, NXB Tấn Phát, 1957
10. MẸ CHỒNG NÀNG DÂU, tiểu thuyết, NXB Rạng Đông, 1957
11. NHỊ LAN, tiểu thuyết, NXB Rạng Đông, 1957
12. MỘT NGƯỜI CHỊ, truyện nhi đồng, NXB Sống Mới, 1957
13. TẤM LÒNG BÁC ÁI, truyện nhi đồng, NXB Đồng Nai, 1957
14. VỢ LỚN VỢ BÉ, tiểu thuyết, NXB Tấn Phát, 1957
15. TÌNH VẠN DẶM, tiểu thuyết, NXB Rạng Đông, 1958
16. TÌNH VÀ NGHĨA, tiểu thuyết, NXB Rạng Đông, 1958
17. VỢ HIỀN, tiểu thuyết, NXB Rạng Đông, 1958
18. TRÊN ĐỒI THÔNG, tiểu thuyết, NXB Hương Nam, 1963
19. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC, tiểu thuyết, NXB Thế Kỷ, 1963
20. GIÒNG ĐỜI, tiểu thuyết, NXB Tia Sáng, 1966
21. AI LÀ MẸ, tiểu thuyết, NXB Trung Thành, 1967
22. BÊN SUỐI CHI LAN, tiểu thuyết, NXB Thế Kỷ, 1967
23. BIỆT THỰ MỸ KHANH, tiểu thuyết, NXB Trung Thành, 1967
24. CHỌN ĐÁ THỬ VÀNG, tiểu thuyết, NXB Trung Thành, 1967
25. DUYÊN LÀNH, tiểu thuyết, NXB Đẹp, 1967
26. GIỮA CƠN SÓNG GIÓ, tiểu thuyết, NXB Kim Lệ, 1967
27. MỘT BÓNG NGƯỜI, tiểu thuyết, NXB Trung Thành, 1967
28. NHỮNG PHÚT CHIA LY, tập truyện ngắn, NXB Thiên Tứ, 1967
29. TÌNH CÂM, tiểu thuyết, NXB Hồng Hưng, 1967
30. TỜ DI CHÚC, tiểu thuyết, NXB Trung Thành, 1967
31. CON ĐƯỜNG MỘT CHIỀU, tiểu thuyết, NXB Trung Thành, 1969
32. NGUỜI XƯA ĐÃ VỀ, tiểu thuyết, NXB Thế Kỷ, 1972…

NHỮNG SÁCH TÁI BẢN VÀ IN MỚI SAU NĂM 1975:

33. BÓNG NGƯỜI XƯA, tiểu thuyết (tái bản), NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1989
34. MỘT LẦN LẦM LỠ, tiểu thuyết, NXB Tiền Giang, 1989
35. MƯỜI HAI BẾN NƯỚC, tiểu thuyết, NXB Sông Bé, 1989
36. ĐƯỜNG TƠ ĐỨT NỐI, tiểu thuyết, NXB Tiền Giang, 1990
37. TỈNH GIẤC TÌNH SI, tiểu thuyết, NXB Tiền Giang, 1990
38. CHỈ MỘT LẦN YÊU, tiểu thuyết, NXB Tiền Giang, 1990
39. NẶNG GÁNH ÂN TÌNH, tiểu thuyết, NXB Tiền Giang, 1990
40. HỨA HẸN, tiểu thuyết, NXB Tiền Giang, 1990
41. NGƯỜI XƯA ĐÃ VỀ, tiểu thuyết (tái bản), NXB Mũi Cà Mau, 1990
42. CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC, tiểu thuyết (tái bản), NXB Kiên Giang, 1990
43. TÌM VỀ BẾN THƯƠNG, tiểu thuyết, NXB Đồng Nai, 1990
44. DUYÊN TÌNH LẠC BẾN, tiểu thuyết, NXB Sông Bé, 1990
45. NẺO VỀ TÌNH YÊU, tiểu thuyết, NXB Bình Định, 1990
46. BÊN SUỐI CHI LAN, tiểu thuyết (tái bản), NXB Nghệ Tĩnh, 1991
47. AI NỠ ÉP DUYÊN, tiểu thuyết, NXB Quảng Ngãi, 1991
48. LẦU TỈNH MỘNG, tiểu thuyết, NXB Quảng Ngãi, 1991
49. MẸ CHỒNG NÀNG DÂU, tiểu thuyết (tái bản), NXB Quảng Ngãi, 1991
50. ĐỜI CON GÁI, tiểu thuyết, NXB Quảng Ngãi, 1991

 

Những bài mới đăng

Mùa Thu Lá Bay