Trại Kiên Giam : Chương Hai Mươi

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Chương Hai Mười

Tình cờ trước khi đi, tôi gặp một số bạn của thời trung học. Đặng Thao đến thăm tôi tận nhà. Cha của Thao là một giáo sư Việt văn của một trường trung học tư thục. Thao ngồi sát tôi, Thao làm thơ và đưa cho tôi đọc. Tôi không làm được thơ nhưng rất thích đọc thơ. Tôi khâm phục và yêu mến thi sĩ, họ là người được Thượng Đế ưu đãi cho một tâm hồn nhậy bén, phong phú và khả năng diễn tả làm rung động lòng người. Từ chỗ thơ, tôi được Thao cho mượn nhiều truyện đọc và có hôm Thao đưa cho tôi đọc cuốn ”Bàn Về Vấn Đề Thanh Niên” của Lénine, một số bài thơ của Tố Hữu và thỉnh thoảng lại một tác phẩm khác của các nhà lãnh đạo Cộng sản, một tuyển tập của Mao Trạch Đông. Thuở còn bé được đọc lén những tác phẩm của Cộng sản quả là thích thú và nhiều xúc cảm. Sau khi đưa tôi đọc. Thao hỏi ý kiến tôi về những vấn đề liên hệ trong sách, tôi trả lời Thao là tôi thấy điều Lénine và Mao Trạch Đông viết đáng suy nghĩ nhưng với tôi, Cộng sản luôn có một giới hạn mà tôi không vượt qua được. Cái giới hạn đó hình thành trong tôi không phải bằng lý trí mà bằng tình cảm, bằng những kỷ niệm ăn sâu vào ký ức của tôi lúc còn thật bé chưa cắp sách đến trường ở quê tôi làng Thanh Quít. Tôi kể cho Đặng Thao nghe về những điều tôi thấy lúc bé và tôi thù người Pháp, khinh người Việt Nam theo Pháp và ghét Việt Minh. Từ đó, giữa tôi và Thao có giới hạn- Thao không thuyết phục tôi nữa. Năm 1966, tôi được tin Đặng Thao vào khu khi đang học Sư Phạm Huế. Đầu năm 1976, Thao đến thăm tôi tại nhà, lúc đó, Thao là Trưởng Ban Chấp Pháp Quận Gò-Vấp, biết tôi trốn trình diện, Thao khuyên tôi cố tránh đừng để bị bắt, và theo Thao thời gian qua rồi mọi việc sẽ xóa hết và tôi có thể trở lại đời sống bình thường. Tôi biết Thao đến thăm tôi để hàm ý xác nhận với tôi là Thao đúng và tôi sai, hoặc Thao là kẻ chiến thắng và tôi là kẻ chiến bại. Ngay lúc đó tôi biết Thao là cán bộ Cộng sản nhưng chưa hiểu biết hết chế độ vì đối với Cộng sản không có việc thời gian sẽ xóa hết, vì theo lý thuyết Cộng sản, họ đấu tranh không khoan nhượng đối với kẻ thù, đã là kẻ thù của họ, họ sẽ đuổi tận giết tuyệt hay câu thúc mãi mãi trong nhà tù cải tạo, chỉ có khi nào chế độ đó bị loại bỏ thì mới xóa được.

Lần này, Thao lại đến thăm tôi khi tôi đi tù về, Thao đã thôi ngành công an để chuyển qua ngành giáo dục. Chúng tôi chỉ nhắc lại những chuyện thời thơ ấu, vì chỉ có tình bạn đậm đà với những kỷ niệm, tôi không muốn gợi lại chuyện tù đày của tôi và có lẽ Thao cũng tránh. Sau tuần cà phê thuốc lá đầu tiên, thì Thao muốn uống rượu, tôi phải nhờ người nhà đi mua rượu cho bạn, Thao nói mỗi ngày có thể uống hai lít rượu và anh than phiền là không có rượu ngon.

Tôi hỏi Thao:

– Tại sao bạn ra khỏi ngành công an, tự xin hay bị loại trừ?

Không có vẻ tức giận với câu hỏi có phần soi mói của tôi, Thao nói:

– Tôi tự ý xin ra, tôi thấy ngành công an không hợp, bạn có nhớ lúc nhỏ, tụi mình đứa nào cũng không ưa cảnh sát?

Tôi không buông tha nên tiếp tục hỏi:

– Cảnh sát thì khác, còn công an của bạn là cán bộ cách mạng phải khác chứ, tinh thần cách mạng của bạn, mơ ước một xã hội công bằng của bạn từ lúc nhỏ, bây giờ có dịp thi thố hoài bão.

Thao không trả lời ngay câu nói châm chọc đó, rất thành thật hỏi tôi:

– Lúc bạn làm trong chính quyền, bạn có thưc hiện ước mơ của mình không?

Tôi đáp:

– Ai cũng biết ước mơ và thực tế xã hội bao giờ cũng có khoảng cách rất xa, đi làm gặp nhiều trở ngại, nhưng ít ra tôi cũng làm được một phần những gì mà lúc trẻ mình gọi là hoài bão. Cụ thể khi tôi làm việc, tôi biết là tôi có thể giúp được nhiều người, dù không chủ quan nhưng tôi nghĩ ít nhất mình cũng có ích một phần chứ không phải là người có hại cho xã hội.

Thao thở dài nói:

– Cũng vì lý do đó tôi chuyển qua nghề dạy học, không tiếp tục ở công an nữa.

Tôi hỏi Thao dạy học có sống nổi không? Thao trả lời là nhờ vào vốn liếng của người cha để lại trước khi chết. Cuối cùng buổi gặp gỡ, Thao khuyên tôi nên ra đi. Thao nói không có chỗ đứng nào cho tôi ở đất nước này. Tôi đồng ý với bạn là hiện tại tôi khó ở lại Việt Nam. Tôi muốn tìm một việc để chờ đợi vận hội mới như tôi tin tưởng, cũng chưa được và bấp bênh. Tôi có thể bị bắt lại bất cứ lúc nào vì lý lịch cải tạo không tốt của tôi. Tôi không thể nói với Thao là tôi tin sẽ có những biến chuyển trong tương lai mà trong đó mọi người có lòng với đất nước dân tộc phải dấn thân thêm một lần nữa để xoá sạch Cộng sản xây dựng dân chủ.

Tôi không thể ngồi chờ đợi giải pháp ra đi có trật tự đang được thảo luận giữa người Mỹ và Việt cộng. Tất cả những người cải tạo về đều đặt hy vọng vào đó. Tôi không muốn chờ đợi người ta ban phát tiện nghi cho mình. Tôi phải tự quyết định lấy đời tôi, một lần quyết định sai lầm đã phải chịu đựng một giá quá đắt. Tôi phải vượt biên.

Một người em gái họ đến thăm tôi, rủ tôi đi nghe đêm đọc thơ tiền chiến của sinh viên Sài Gòn tổ chức. Theo phong trào cởi mở, các loại thơ đỏ của Tố Hữu và thơ con cóc của Hồ Chí Minh, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ, thơ đặt theo hoá đơn của Huy Cận, Xuân Diệu bị xếp xó. Báo Tuổi Trẻ đã đăng nhiều thơ của các thi sĩ trẻ, họ làm thơ ca tụng tình yêu (không còn ca tụng Đảng và lao động), thơ hay, kỹ thuật cao. Thơ Quang Dũng và Hữu Loan được giới trẻ yêu chuộng, giống như thời kỳ trẻ, chúng tôi yêu thơ Quang Dũng, những bài thơ vừa hung vừa lãng mạn, như đời của một thanh niên chỉ biết hiến thân cho đất nước không cần đến công danh, thành bại hay lập trường chính trị, giai cấp hay đảng phái. Phong trào nói thẳng nói thật là dịp để văn nghệ sĩ giải bày tâm tình của họ sau thời gian bị câu thúc vì kỷ luật tổ chức, hay vì miếng cơm manh áo, tương lai, sự nghiệp, công danh. Nguyễn Văn Tý viết bày tỏ tâm hồn thực với tác phẩm đầu tay là bài Dư Âm, Tý thú nhận là với bài Dư Âm ông đã phải viết hằng trăm lần kiểm điểm, tự phê tính lãng mạn đi quá khuôn khổ lập trường của một nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa, nhưng ông vẫn yêu bài nhạc kỹ thuật non nớt đó hơn là những bản nhạc làm theo khuôn khổ đảng đặt ra trong chức vụ chủ tịch hội nhạc sĩ, như bài “Dáng Đứng Bến Tre” mới vừa được phổ biến.

Bích, cô em họ tôi, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Triết, dạy triết tại trường trung học lớn nhất tỉnh nhà. Cô đẹp người, học giỏi, tính tình cứng cỏi nên không tìm được một ý trung nhân. Trước kia tôi tưởng Bích chỉ là người có tinh thần cấp tiến, muốn đấu tranh cho sự công bằng xã hội, tôi không ngờ Bích là một đảng viên Cộng sản, đã có lúc vào mật khu để tham gia huấn luyện hoạt động nội thành. Việt cộng chiếm miền Nam, đầu tiên, Bích được đề bạt như Chánh văn phòng của Hồ Nghinh, Bí Thư Tỉnh Uỷ Quảng Nam-Đà Nẵng. Thời gian đầu hồ hởi phấn khởi vì cách mạng, Bích sáng tác nhiều thơ ca tụng “bác Hồ”, và dấn thân làm việc trong tinh thần cách mạng. Dần dần Bích nhìn ra sự thật; một lần tranh luận với Hồ Nghinh về chính sách cải tạo người chế độ cũ, Bích tưởng đó là một chương trình học để người “lầm đường hiểu rõ chính sách, hiểu rõ cách mạng, từ bỏ thói hư tật xấu để học tinh thần phục vụ nhân dân”. Nhưng Hồ Nghinh đã cho Bích thấy rõ đó là một chính sách nhằm tiêu diệt và vô hiệu hoá kẻ thù giai cấp. Tiếp tục đến chính sách cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản, Bích không ngờ chính quyền mới chỉ thi hành việc triệt tiệu người tư sản để cào bằng xã hội làm cho mọi người nghèo khổ, chỉ có giai cấp đảng viên là càng lúc càng giàu. Bất công xã hội ngày càng đầy rẫy hơn trước.

Bích nói:

– Xã hội miền Nam trước nổi tiếng là tham nhũng, nhưng không bằng chế độ mới, bây giờ cán bộ có quyền hạn tuyệt đối, không ai chỉ trích, họ lộng hành; một Phường-trưởng miền Nam có tham nhũng cũng chỉ sống qua ngày, bây giờ một Phường-trưởng là một ông vua con có quyền sinh sát, đưa người đi cải tạo, tóm thâu mọi quyền lợi trong phường nên trở nên thật giàu.

Muốn ghẹo Bích một tí, tôi hỏi:

– Tại sao em bênh vực cho chế độ cũ như vậy, trước kia cô là nhân viên chính phủ VNCH, lại hoạt động cho Cộng sản. Bây giờ cô ân hận sao?

– Em làm việc gì, em không bao giờ ân hận, mình nghĩ phải thì làm, thấy sai thì bỏ, thế thôi.

Tôi biết cô em họ bướng bỉnh, mạnh bạo như con trai, tôi chưa kịp nói gì thì Bích tiếp:

– Lúc nhỏ em thấy mến anh. Đến khi anh không đi theo ngành Sư Phạm mà thi vào trường Hành Chánh thì em ghét anh lắm, em nghĩ anh mê công danh, thích bon chen, ăn trên ngồi chóc thiên hạ. Khi anh trở về làm việc tỉnh thì em đã hoạt động trong hội Liên Hiệp Sinh Viên Học Sinh rồi, anh Hà Trọng Xuân, bạn của anh, móc nối đưa em vào tổ chức tại Đại Học Huế.

Đa số thanh niên, sinh viên học sinh người Quảng Nam đều quan tâm đến các vấn đề đất nước. Một số đã có lập trường quốc gia vững chắc thì đứng hẳn vào chuyến tuyến chống Cộng bằng cách tham gia đảng phái chính trị do quan hệ gia đình, hoặc tình nguyện vào các trường huấn luyện sĩ quan, thi vào trường Hành Chánh. Số khác cũng do quan hệ gia đình móc nối đứng hẳn vào tổ chức Cộng sản. Những người này đã tham dự tích cực vào những biến động chính trị tại miền Trung trong những phong trào tranh đấu Phật Giáo những năm 1964-1966. Viện Đại Học Vạn Hạnh trở thành trung tâm đầu não của hoạt động chống Chính Phủ Cộng Hòa, Sinh viên Cộng sản và thân Cộng từ các tỉnh miền Trung vào Sài Gòn trọ học.

Để câu chuyện giữa tôi và Bích không đi sâu vào các vấn đề chính trị, tôi hỏi Bích:

– Cô nghĩ tôi ham mê danh lợi nên thi vào trường Hành Chánh, vậy khi tôi làm việc, cô có thấy tôi có nhiều danh lợi không?

– Anh chỉ là một Don Quichote thời đại, anh có lý tưởng, nhưng một đời anh chỉ đánh cối xay, người ta đua nhau làm giàu, còn anh lo làm việc. Bây giờ em cũng giống như anh lúc đó nên em hiểu và thương anh trở lại như lúc nhỏ. Mình có chút lòng muốn đóng góp cho xã hội, thì chính quyền là cơ hội mình có thể giúp được nhiều người. Nhưng cũng chính ở chính quyền càng mau chán vì biết được tận gốc những điều bất công của xã hội, thấy quả tình mình khó xoay chuyển được một hiện tượng trong xã hội nó đã trở thành có hệ thống và nề nếp. Anh có tưởng tượng được chỉ là một Ty-trưởng Giáo Dục mà có đủ quyền hạn để làm mọi hành động bỉ ổi và được bảo vệ không?

Lúc em làm ở Tỉnh Uỷ em mới biết được nhiều chuyện, lúc đầu em cho đó là những hiệng tượng riêng rẽ, nhưng rồi em nghĩ không thể dùng lý luận hiện tượng, bản chất để biện minh cho những xấu xa được. Những sự xấu xa tồi tệ đầy rẫy và liên tục thì hiện tượng đồng hoá thành bản chất. Em đụng chạm với Hồ Nghinh nhiều lần vì cương vị Bí Thư Tỉnh Uỷ, hầu như ông ta chỉ lo triệt hạ và trả thù những người chế độ cũ, và trịệt phá tất cả những gì của xã hội miền Nam cũ dù những cái đó có lợi cho dân. Có những lúc em hoang mang tự hỏi con đường mình đi có đúng hay không, có những lúc em biện luận, an ủi, chịu đựng và hy vọng vào thời gian, hy vọng vào ngày mai một cách lơ mơ, vu vơ không có gì là chuẩn xác. Có những lúc em không kềm được tính nóng rồi em đụng chạm. Lần đụng chạm mạnh nhất là trường hợp tên Trưởng-ty Học Vụ Nguyễn Văn Dạng. Em không thể tưởng tượng được những xấu xa bỉ ổi lại xảy ra trong ngành giáo dục, em là nhà giáo nên em càng đau xót. Dù em đã tự nguyện đứng về phía chính quyển Cộng sản nhưng em cũng phải công bình. Trước kia, chính quyền miền Nam có nhiều khuyết điểm đến đâu, nhưng về phía giáo dục cũng không không đến nổi tệ, cũng có người bán điểm thi lấy tiền, hoặc nhân viên văn phòng kiếm tiền vặt vãnh nhưng không có hiện tượng trầm trọng gây thương tổn đến luân lý.

Thấy Bích cao hứng, tôi hỏi thẳng vào chuyện:

– Có gì bi phẫn mà cô mà cô nói hăng hái như vậy, mà chưa cho tôi thấy trường hợp cụ thể?

– À mà quên, em lại đi xa đề tài em đề cập đến trường hợp Nguyễn Văn Dạng, Ty-trưởng Học Vụ mà hắn có quyền đưa những giáo sinh mới tốt nghiệp trường Sư Phạm về làm việc tại Văn-phòng Ty, hắn chỉ lựa chọn toàn các em có nhan sắc; ai cũng muốn làm việc tại Ty vì nhàn và gần nhà, đi xa vừa khổ và không đủ tiền lương sống. Lợi dụng hoàn cảnh đó, sau thời gian ngắn làm việc tại Ty, Dạng bắt đầu đem quyền hạn ra dụ dỗ hoặc cưỡng ép các cô giáo chuyện tình ái, nếu em nào không thuận thì hắn đầy đi dạy học ở một trường đèo heo hút gió. Chuyện ai cũng biết mà Tỉnh Ủy cứ coi như không. Một hôm em nói thẳng với Hồ Nghinh, yêu cầu ông ta có thái độ nhưng ông ta cũng lờ đi. Nhóm trẻ tụi em xấu hổ lắm, mình suốt đời tin tưởng vào cách mạng sẽ đem lại công bằng và no ấm cho toàn dân. Bây giờ dân thì đói hơn thời chiến tranh, còn bị cường quyền bạo lực chèn ép hơn thời lệ thuộc ngoại bang. Tụi em tổ chức rình bắt ngay tại trận, khi tên Dạng cưỡng bức một cô giáo ngay tại Văn-phòng Ty. Việc không thể còn che dấu được, đưa ra xử tại Tỉnh Ủy, ngay tại phiên họp, hắn vẫn giữ thái độ nghênh ngang và nhận lỗi qua loa, anh có biết hắn “bị phạt” ra sao không ? Hắn đổi qua làm Chủ-nhiệm Liên Hiệp Vận Tải của tỉnh, chức vụ này còn lớn hơn và kiếm nhiều tiền hơn là Ty-trưởng Học Vụ. Và cũng từ đó, tụi em bắt đầu bị khó dễ, em chán nên đưa đơn xin thôi việc. Em bỏ luôn tỉnh đi thẳng vào huyện Tuy Phong tỉnh Thuận Hải dạy học.

Tôi hỏi tiếp:

– Cô dạy được bao lâu và vì sao lại nghỉ dạy?

– Em vào đến Tuy Phong hoàn toàn xa lạ, em muốn như vậy, em muốn ít ra cũng làm được công việc gì hữu ích. Làm một cô giáo tại huyện nhỏ buồn và kham khổ lắm nhưng em chịu được. Lương không đủ tiêu, tiện tặn chỉ trong 10 ngày là hết. Em sống nhờ vào số vốn dành dụm gần 10 năm trời dạy học thời trước. Em cảm thấy việc làm của em càng ngày càng vô ích. Phần lớn học trò ở đồng quê phải bận công việc đồng áng giúp gia đình, không có thì giờ để soạn bài vở, còn số ít con cán bộ thì tụi nó không chịu học, vào lớp chỉ quấy phá bạn bè và chọc ghẹo thầy cô giáo. Đối với thành phần học sinh này, chúng em bất lực, không thể la rầy được, rầy la thì bị Hội Liên Hiệp và Đoàn Thanh Niên bảo vệ, cho điểm xấu thì cha mẹ chúng cậy thế cán bộ quyền hành tại địa phương đến thẳng trường cãi cọ với mình. Đó là em cũng là đảng viên mà vẫn bị khó khăn trong nghề nghiệp như vậy, còn thầy cô giáo không là đảng viên thì còn bị chèn ép nhiều hơn, nên cuối cùng họ cũng không cần dạy học nữa, họ đến trường cho có, bài vở chỉ hỏi qua loa rồi cho điểm cao cho học sinh vừa ý, còn thì giờ phải lo sinh kế. Chỉ có ai còn chút lương tâm nghề nghiệp là cảm thấy đau khổ mà thôi. Em sống cạnh người dân em biết, họ đau khổ lắm, không những làm vất vả không đủ ăn còn bị chèn ép đủ thứ, cán bộ tên nào cũng là vua con, tên nào cũng trở thành thứ cường hào ác bá nhân danh cách mạng. Bây giờ cứ nhớ tới hai tiếng cách mạng là em xấu hổ. Nhưng vẫn cố bám lấy trường lớp để dạy tới năm 1984 thì trường đóng cửa, thầy cô giáo và học sinh vượt biên gần hết. Em thấy nổ lực cuối cùng của mình cũng không đi đền đâu nên em bỏ luôn nghề dạy học và xin ra khỏi đảng để trở về Sài Gòn sống.

Nhân Bích nhắc đến chuyện vượt biên, tôi hỏi ý kiến Bích:

– Nếu anh vượt biên, em có đi cùng anh không?

Bích trả lời ngay không suy nghĩ:

– Anh vượt biên là đúng, vì anh ở lại cũng không làm được gì, mà còn quá nhiều bấp bênh; nhưng em thì không, nếu muốn đi em đã đi lâu rồi, đâu cần anh phải rủ. Trước đây em tin vào cách mạng, ngày nay em đã hiểu rõ chế độ Cộng sản, chỉ trích thì đúng mà làm không đúng. Em đã bỏ đảng, nhưng em thấy một phần có trách nhiệm và xấu hổ những gì đảng Cộng sản đã làm cho đất nước rách nát tàn hại như ngày hôm nay. Em phải ở lại.

Ý kiến của Bích đã làm tôi nhớ lại những gì chú Bình đã nói với tôi hơn 10 năm về trước: “Đừng tin tưởng tụi nó (Cộng sản) làm được gì cho đất nước”. Tôi tin là những gì người trẻ tuổi, những người có học, và những người còn lương tâm trong hàng ngũ Cộng sản họ đều như vậy. Người đảng viên Cộng sản đều sống với hai tư cách, tư cách một đảng viên: họ phải luôn luôn giả dối để sống, tư cách một người trung trực, họ phải che giấu, chỉ bộc lộ những khi họ thấy không nguy hiểm. Đó là những mầm mống đối kháng chỉ chờ cơ hội là bùng nổ thành lực lượng chống chế độ Cộng sản.

Tôi ra đi mà nhớ chú Bình, nhớ Đặng, nhớ Bích, nhớ Phố, nhớ Đoàn Viết Hoạt, nhớ Hụê Nhật, nhớ anh Cao Xuân Biên, nhớ Ánh cùng tất cả những người bạn trong trại cải tạo. Những người Việt Nam cùng một thế hệ, đứng bên này hay bên kia chiến tuyến luôn luôn nghĩ đến đất nước và mơ ước ngày đất nước thanh bình thật sự và thịnh vượng, cho người dân được yên ổn làm ăn bằng sức lao động của mình mà không bị một câu thúc ép buộc nào, những con người luôn luôn muốn tìm cho tổ quốc một con đường tiến tới và sẵn sàng dấn thân, nhưng mỗi lần dấn thân là học được bài học đau thương mà vết tích hằn rõ trong cả linh hồn và thể xác . Tôi nhớ đến lời nói của một người bạn của những năm đầu trong tù. Cộng sản là một bài học chua cay, mà khi học xong rồi thì kinh nghiệm không bao giờ có cơ hội áp dụng.

Bây giờ tôi đã học bài học chua cay đó, nhưng với một tin tưởng là đất nước sẽ qua một giai đọan mới, mà vận hội mới đã bắt đầu ló dạng bằng những ánh sáng tươi đẹp như một buổi bình minh mùa xuân, trong đó hy vọng là có cơ hội đóng góp bàn tay của mọi người từ Hội, Hụê Nhật, Hoạt, Cao, Ánh, Đèn đến những người như chú Bình, như Bích, có thể cả Đặng Thao nếu Đặng biết tìm một lối tranh đấu mới mà không cần hai lít rượu để quên mỗi ngày. Trong vận hội mới đó, hận thù không còn chỗ phát triển mà phải dành cho tình yêu thương giữa con người với nhau và tình yêu đối với đất nước và dân tộc.

Tôi thú thật là tôi đã quá mệt mỏi, con người tầm thường như tôi thì 12 năm trong tù quá nặng, nhưng tôi tin vào bạn bè của tôi, những người đã quen biết và những người chưa quen biết, những con người Việt Nam: sau những biến động quá lớn của lịch sử dân tộc, biết rút kinh nghiệm từ bỏ những thiếu sót và những thành kiến cũ, để cùng nhau bước qua một giai đoạn mới, trong đó chủ nghĩa Cộng sản bị vứt bỏ, tổ chức Cộng sản bị giải tán, và mọi người có thể sống hài hòa với nhau để xây dựng đất nước.

Tôi hy vọng vào những người đã ra khỏi đất nước. Ở ngọai quốc có điều kiện để họ nhìn thấy rõ vấn đề hơn, tìm hiểu rõ Cộng sản và không còn sợ Cộng sản nữa. Trước kia, chúng ta có khuyết điểm là thù ghét Cộng sản nhưng quá sợ Cộng sản – xem Cộng sản là một chủ thuyết không thể thay thế và lực lượng Cộng sản không thể bị đánh bại. Từ tâm lý sợ hãi đó, cả Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không nghiên cứu và làm được gì khi Liên Xô và Trung Quốc mâu thuẫn lẫn nhau. Lúc đó còn có người xem sự mâu thuẫn đó là một chiến lược để đánh lừa khối Tây phương. Tính cẩn trọng là tính tốt, nhưng quá cẩn trọng để lo sợ là một hình thức khiếp nhược và đầu hàng. Tôi sợ rằng cái tính e dè đó lan truyền thành một thứ bệnh trong hàng ngũ người quốc gia để rồi họ không chuẩn bị gì cả để mất thời cơ. Trong khi Cộng sản đang rữa nát từ bên trong mà người quốc gia cứ e sợ không khác gì Tư Mã Ý sợ tượng gỗ của Khổng Minh để mất nhiều cơ hội chiếm thành .

Tôi cũng e rằng người quốc gia lại quá trông chờ vào Mỹ mà không chuẩn bị sức mạnh cho riêng mình. Để rồi đến một lúc nào đó, nếu Mỹ không còn cấm vận đối với Việt Cộng và bang giao thì nhiều người sẽ thối chí bỏ cuộc. Qua sự bỏ rơi miền Nam năm 1975, ai cũng hiểu Mỹ là đồng minh, nhưng họ vẫn quyết định trên quyền lợi của đất nước Mỹ – điều đó hẳn nhiên – Tuy đã nhìn ra điều đó, nhưng thói quen trông chờ vào Mỹ vẫn chưa bỏ được, hầu hết những lực lượng chống đối sau ngày 30-4-75 đều đặt trên cơ sở lý luận Mỹ sẽ đánh đổ Cộng sản và người Việt Nam chỉ chờ nắm cơ hội. Có thể Việt Cộng nhìn ra điều đó nên chúng vẫn bình chân không thay đổi đường lối tuy đang gặp nhiều khó khăn .

Tóm lại, sự kết hợp lực lượng của người quốc gia lúc này là cần thiết, nếu chưa trực tiếp đánh đổ được chế độ Cộng sản cũng tạo niềm tin cho người trong nước nổi dậy trong đó có cả cựu cán bộ và đảng viên Cộng sản, những người đã giác ngộ nhìn thấy rõ Cộng sản không còn hợp thời và không còn cần thiết nữa, đã là mối họa và một trở ngại cho sự phát triển. Hoặc nếu không thì ít ra sự kết hợp đó tạo thành một đối lực đáng kể buộc Cộng sản phải thay đổi dần đi đến chế độ dân chủ thật sự là con đường tất yếu của trào lưu tư tưởng con người thời đại cuối thế kỷ 20.

Viết xong tại San Jose tháng năm 1990
Nguyễn Chí Thiệp

 

nguyenchithiep

Những bài mới đăng

Mùa Thu Lá Bay