Cái Loa

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 
 
loa phuong 104202012

Nhà ông Năm ở vùng Cây Quéo, trong một đường đất nhỏ quanh co không ăn thông qua con đường nào khác. Trong cái ngõ cụt đó chỉ có sáu bảy cái nhà cất theo kiểu xưa, kèo cột gỗ, ngói âm dương. Một vài nhà cũng đã được “tân trang” với mặt tiền đúc bê-tông cẩn gạch màu… Điểm đặc biệt là nhà nào cũng có đất chung quanh đầy cây kiểng và cây ăn trái. Cho nên, tuy ở sát nách thành phố mà thấy như ở đâu trong xa miệt vườn vậy ! Và thật là yên tịnh.

Nhà ông Năm có nhiều cây vú sữa. Giống vú sữa này màu tím, chỉ to bằng nắm tay, nhưng giòn và ngọt lịm. Bà Năm trồng vú sữa một thời với những cây ăn trái khác, hồi mới mua nhà đất. Sau này, vú sữa lại là nguồn huê lợi của ông bà Năm, bởi vì năm nào trái cũng sai quằn. Bạn hàng ngoài chợ Bà Chiểu thường hay vào đây “mua mảo cả vườn” khi cây vừa mới trổ bông…

Cây vú sữa lớn nhứt nằm gần hàng rào phía trước, cành gie ra ngoài. Những cành này lại ít trái. Có lẽ tại vì ngoài đường gió nhiều nên làm rụng bớt bông. Đến mùa vú sữa, trẻ con trong xóm hay tới đó thọc vú sữa, nhưng chúng có xin phép đàng hoàng và không bao giờ làm ồn. Chúng có… “tư cách” như vậy là nhờ lời dặn dò của trẻ con những thế hệ trước: “Đừng ăn cắp ! Ông Năm không ưa đâu. Ổng kêu lính bắt chết. Cứ xin là ổng cho hà. Mà cũng đừng làm ồn, ổng ghét lắm !”. Rồi cứ như vậy, trẻ con thế hệ này truyền cho trẻ con thế hệ sau… vv từ không biết bao nhiêu năm, đã thành nếp. Cho nên, khi vú sữa chín tới là hằng ngày nghe giọng trẻ con “đánh tiếng” từ ngoài rào: “Dạ thưa ông Năm cho tụi con xin vài trái vú sữa, nghen”. Có khi nghe tiếng ông Năm “Ừa” vói ra ngoài. Nhưng thông thường, sau khi xin phép như vậy rồi là chúng yên tâm thọc vú sữa. Và ngầm hiểu “Ổng làm thinh là ổng ừa đó !”.

Một hôm, ăn trộm chuyền theo mấy cành vú sữa vào nhà ông Năm. Thời may, người nhà hay kịp nên nó đu người phóng ra ngoài tẩu thoát. Sau lần đó, các con ông Năm định cưa hết mấy cành gie ra ngoài, nhưng ông Năm không chịu. Ông nói: “Má tụi bây trồng mấy chục năm mới được như vậy. Cưa chi uổng. Để đó qua mùa tới cho mấy đứa nhỏ trong xóm nó ăn, nó vui !”. Rồi ông giải quyết vấn đề: “Sợ trộm vô thì tụi bây kéo kẽm gai chằng chịt trên đó, tía thằng nào mà dám trèo ?”. Nhờ vậy, trẻ con trong xóm vẫn được ăn dài dài mỗi mùa vú sữa.

… Tháng tư 1975. Trong bầu không khí hỗn loạn của miền Nam, mấy đứa con ông Năm kéo hết gia đình về tá túc ở nhà ổng để cùng nghe ngóng, bàn tính. Cuối cùng là quyết định di tản. Ông Năm không chịu đi.

– Tao già rồi. Năm nay tám mươi chớ ít đâu. Đi đứng phải chống gậy mà tụi bây biểu tao di tản cái nỗi gì ? Mà cho dầu tao còn sức, tao cũng không đi đâu hết. Nhà cửa đất đai này là của mồ hôi nước mắt của má tụi bây và của tao, bỏ sao được. Còn mồ mả của má tụi bây ở Gò Vấp, ai coi ? Thôi ! Tụi bây đi, đi ! Đừng lo cho tao !

Vậy là ông Năm ở lại với đứa cháu gái gọi ông bằng ông chú. Cô này – năm nay trên ba mươi, chưa có chồng – ở dưới quê lên giúp việc cho ổng, “coi trong coi ngoài”, từ ngày bà Năm mãn phần, nghĩa là đã bốn năm năm…

Trong lúc bên ngoài đường lớn thiên hạ chạy rần rần, nhốn nha nhốn nháo, ông Năm vẫn bình thản nằm trên võng đọc sách, hút thuốc, uống trà. Lâu lâu, chống gậy ra vườn săm soi mấy chậu kiểng, bắt sâu, tỉa nhánh. Xem rất ung dung nhàn hạ !

Thấy cô cháu gái cứ “chạy ra chạy vào”, ông cười:

– Mầy làm cái gì mà như gà mắc đẻ vậy, Hai ?

– rời ơi… Người ta nói Việt Cộng nó vô tới rồi mà ông biểu con không lo sao được ?

– Lo cái gì ? Người ta có chức tước, có vòng vàng, có tài sản to, có cơ sở lớn… mới sợ tụi nó vô nó giết nó lấy. Chớ… cái thứ dân quèn như tao với mầy thì có khỉ gì cho tụi nó lấy ?

– Dạ mà sao con cũng hồi hộp quá hà !

– Cái mà mầy phải lo là coi gạo nước ở nhà còn đầy đủ không.

– Dạ đồ dự trữ mấy cô chú mang lại đây để đầy nhà. Ông với con ăn cả mấy tháng mới hết !

– Ờ ! Vậy là yên tâm một phần. Bởi vì mình không biết cái vụ này nó kéo dài tới bao lâu đây !

“Cái vụ này”, mà ông Năm nói, chỉ kéo dài có mươi hôm rồi chấm dứt vào ngày 30 tháng tư…

Tiếp theo đó là kiểm kê – kiểm kê đủ thứ – là khai báo – khai báo cũng… đủ thứ (biết cũng khai, không biết cũng khai !), là hội họp học tập từ đường lối chủ trương đến sổ hộ khẩu sổ gạo… Ông Năm cứ phải chống gậy đi với con nhỏ cháu nay tới tổ, mai tới phường, bữa khác tới ban… vv. Ông Năm có phàn nàn rằng ông già rồi mà cứ bắt đi tới đi lui, thì được “mấy ông cách mạng” giải thích : “Ai cũng phải học tập hết. Không như thế thì làm sao thông suốt được đường lối chủ trương của Đảng và Nhà Nước, làm sao thực hiện được quyền làm chủ của nhân dân ? Ngoài ra, sự có mặt thường xuyên của các chú các bác trong buổi họp càng làm cho bọn trẻ chúng cháu thêm hồ hởi phấn khởi. Các chú các bác có nhất trí không nào ?”.

Mỗi lần đi họp, về đến nhà là ông Năm ngã người lên võng, vừa đong đưa vừa hút thuốc liên miên, không nói một tiếng. Thấy vậy, một hôm đứa cháu gái an ủi:

– Ai sao mình vậy. Đều trời hết chớ phải có mình mình đâu mà ông buồn.

– Tao đâu có buồn ! Tao giận chớ đâu có buồn ! Cái giống gì mà ăn nói ngang như cua, không biết lễ nghĩa gì hết. Cũng may là xóm mình không có nhà nào di tản, nên tụi nó không có tiếp thu để chen vô ở như mấy xóm ngoài mặt tiền. Nghe nói tụi nó ồn ào và hay dòm ngó lắm. Cái ngõ của mình còn đầy đủ bà con, nhứt là vẫn được yên tĩnh như từ hồi xưa tới giờ, là mình có phước đó !

Một buổi sáng, đang nằm đọc sách, ông Năm bỗng nghe xào xạc trên mấy cành vú sữa phía trước. Bỏ kiếng lão, nhìn ra, thấy gió thổi từng cơn. Yên tâm, ông tiếp tục đọc sách, không để ý đến nữa. Trưa đó, đang thiu thiu ngủ ông bỗng giựt mình hết hồn vì tiếng la chát chúa phát ra từ một cái loa nào đó ngay trước nhà ông: “Chú ý ! Chú ý ! Phòng lương thực chiều nay phân phối rau cải. Mời bà con khẩn trương kẻo rau cải úng thúi chúng tôi không chịu trách nhiệm !”. Tiếng trong loa phát ra nghe điếc con ráy, còn lập đi lập lại nhiều lần, làm ông Năm phát bực. Ông chống gậy bước ra xem. Thì ra “tụi nào” đã gắn một cái loa to trên mấy cành vú sữa ! Ông hậm hực trở vô, đầu gậy chống xuống mặt sân gạch nghe côm cốp, miệng lẩm bẩm: “Đù cha tụi nó ! Quyền gì mà nó gắn loa ở nhà người ta ? Quyền gì mà nó làm mất sự yên tịnh của xóm người ta ?”.

Ông Năm không biết – có đi đâu mà biết – rằng công tác “quan trọng hàng đầu” của nhà cầm quyền là cho gắn loa để đưa tiếng nói của Nhà Nước đến tận… lỗ tai của nhân dân. Để đừng ai trách rằng: “Tôi không hay không biết gì hết !”. Cứ nhét riết vô lỗ tai, nhét rồi nhét nữa, không thể nói là không… nghe ! Mà cho dù không muốn nghe, cuối cùng rồi cũng phải thuộc ! Đó là một quy luật máy móc, nó “vô” trong óc hồi nào không hay. Biết như vậy, nên Nhà Nước cho gắn loa cùng khắp: hang cùng ngõ hẻm, ngã tư ngã ba, chợ búa trường học… thậm chí đến bịnh viện là nơi cần sự yên tịnh ! (Có người nói: chung quanh bịnh viện có bảng “Cấm bóp còi” đàng hoàng mà Nhà Nước không tôn trọng luật lệ gì hết. Nói như vậy là sai, là “lý luận chưa đạt yêu cầu”. Bảng “Cấm bóp còi” chớ có cấm bắt loa nói cho dân nghe đâu ?). Tuy nhiên, có một nơi mà Nhà Nước không cho gắn loa: đó là nghĩa địa. Không phải tại vì Nhà Nước biết tôn trọng “giấc ngủ ngàn thu” của những người quá cố, mà tại vì Nhà Nước sáng suốt, biết rằng có nói ở đó cũng không có… ma nào nghe ! Đỉnh cao trí tuệ có khác !

Chịu trận được mấy hôm, bực mình quá, ông Năm nhứt định đi thưa. Ông chống gậy đi một mình – con cháu gái bận đi họp hội đoàn gì đó.

Đầu tiên, ông đi gặp ông tổ trưởng. Ông này dẫn qua ông tổ phó an ninh. Ở đây, sau một lúc bàn qua tính lại (bởi vì họ cũng không rành cái tổ chức cách mạng quá mới mẻ này), cả ba kéo nhau đến công an phường. Anh này tỏ vẻ sành sỏi, giải thích dông dài thế nào là hàng ngang thế nào là hàng dọc, ta tổ chức có khoa học nên theo hệ thống dọc chớ không theo hệ thống ngang… vân vân, rồi vân vân, rồi vân vân. Để cuối cùng kết luận một cách rất… “bài bản”:

– Đấy ! Rõ như thế đấy !

– Tôi không hiểu gì hết ! Tôi chỉ muốn biết bây giờ anh giải quyết cái loa của tôi làm sao đây ?

– À ! Chuyện này không thuộc diện xử lý của tôi ! Cụ nên đến Ủy ban nhân dân quận xem. Không ! Cụ phải đến Ủy ban nhân dân phường trước. Ta theo hàng dọc, phải đi từ dưới lên trên. Phải…

Ông Năm chán nản xách gậy đi ra, bỏ mặc hai ông tổ trưởng tổ phó ngồi ngẩn ngơ với cái mà họ gọi là “vụ việc quá căng” !

Gọi xích lô, ông Năm đi thẳng lên quận. Ở đây, người ta chỉ ông đi đúng chỗ. Mừng quá, ông thuật lại vụ cái loa của ông cho người thanh niên ngồi sau bàn viết đầy hồ sơ (Anh này có vẻ cán bộ, vì thấy ngồi trong văn phòng mà vẫn đội nón cối xiêng xiêng giống như còn đi dưới nắng !). Rồi ông kết:

– Nhờ cậu giải quyết giùm, tôi cám ơn.

– Bác có làm đơn khiếu nại chưa ?

– Ủa ? Phải làm đơn nữa sao ?

– Coi ? Đi thưa thì phải có đơn. Chớ nói khơi khơi vậy lấy gì mà giải quyết ?

Nghe như vậy, ông xách gậy quay ra đi thẳng.

Tối đó, ông ngồi dưới đèn rị mọ viết đơn. Cả đời ông chưa kiện cáo ai bao giờ, cho nên ông cứ viết rồi xé, xé rồi viết. Đến chừng ông đọc được vừa ý thì đã mất gần hai tiếng đồng hồ !

Sáng hôm sau, ông “vác đơn lên quận”. Gã thanh niên hôm qua mở ra đọc, châm chú. Và có vẻ… nghiền ngẫm từng câu từng chữ hay sao mà thấy đọc khá lâu. Ông Năm chống gậy ngồi chờ. Một lúc sau, gã đứng lên – vẫn đội nón cối xiêng xiêng – cầm lá đơn đi vào phòng trong. “Chắc là để báo cáo cho trưởng phòng” – ông Năm nghĩ như vậy (Nhờ đi họp đi hội liên miên mà ổng bây giờ nghĩ và nói bằng từ ngữ cách mạng một cách… trơn tru, từ lúc nào không hay biết ! Cái hay của chế độ là ở chỗ đó. “Cứ nhai tới nhai lui cho tụi nó nghe riết là tụi nó sẽ nhập tâm thôi”). Độ mười phút sau, gã trở ra với một người cán bộ khác đứng tuổi hơn. Ông ta vui vẻ chào ông Năm, tay cầm lá đơn phe phẩy như cầm quạt:

– Chào bác. Chuyện này các đồng chí đó làm bậy. Rồi ta sửa sai thôi. Bác về đi, yên tâm. Họ sẽ tháo gỡ trong ngày hôm nay cho bác.

Ông Năm cám ơn, rồi ra về. Ngồi trên xích lô, ông nghĩ: “Ít ra, cũng có người biết điều như vậy chớ ! Lâu nay mình nghĩ quấy cho họ cũng tội.”

Lối gần trưa, ông nghe có tiếng xe máy dầu ngừng phía ngoài rào, kế đó là mấy cành vú sữa dao động một lúc lâu rồi yên. Ông vui vẻ nói với đứa cháu gái:

– Rồi ! Họ gỡ rồi ! Mầy thấy không, Hai ? Họ cũng đàng hoàng chớ đâu đến nỗi.

Xế chiều, đang nằm đọc sách trên võng, ông bỗng giựt mình vì tiếng phát thanh chát chúa ình ình ình ình của nhạc tiến quân. Lần này, nghe còn lớn hơn hồi cái loa nằm trên cành vú sữa ! Ông vội vã chống gậy ra ngoài cổng coi là cái gì. Thì ra cái loa bây giờ đã được gắn trên trụ đèn đường nằm ở phía đối diện, miệng loa hướng về phía nhà ông Năm ! “Tiên tổ nó ! Hèn gì !”. Ông Năm hậm hực trở vô thay đồ rồi hối hả gọi xích lô lên quận.

Lần này, ông đòi gặp thẳng ông trưởng phòng. Ông nói với gã thanh niên ngồi ngoài, mà ông dộng đầu gậy xuống sàn gạch nghe côm cốp. Đủ thấy ông bực mình đến đâu !

Nghe to tiếng, ông trưởng phòng bước ra, ngạc nhiên:

– Họ chưa gỡ cái loa cho bác à ?

– Gỡ rồi ! Mà họ đem gắn ở trụ đèn phía bên kia đường thì cũng như vậy thôi.

– Bác nói không đúng ! Sao cũng như vậy được ? Hồi gắn loa trên cây nhà bác mà không có sự đồng ý của bác, đó là sai, là phạm chủ quyền của bác. Tôi nhất trí điều đó. Còn bây giờ gắn trên cột đèn thuộc phạm vi của Nhà Nước, nằm trên lối đi công cộng, là đúng chớ đâu có sai.

– Đành rồi. Nhưng điều mà tôi muốn nói là tôi già rồi, cần được yên tĩnh, mà cái loa nó ồn quá. Tôi…

– À ! Chỗ này là bác hiểu sai. Nhà Nước đâu phải gắn loa để làm ồn. Nhà Nước gắn loa để hằng ngày báo cáo cho nhân dân những gì Nhà Nước đã làm, những thành quả của cách mạng, từng tháng, từng quí, những đường lối chủ trương của đảng đề ra… Bác thấy không ? Quan trọng lắm chớ ! Đó là trách nhiệm hàng đầu của Nhà Nước đối với nhân dân mà bác nói là làm ồn sao được !

Ông Năm không nói thêm một tiếng, chống gậy côm cốp đi ra mà có cảm tưởng như mình vừa nói chuyện với… một bức tường !

Về nhà, ông nằm ngã người lên võng, chửi đổng mà như tự chửi mình:

– Đu mẹ bà nó ! Nếu biết như vầy, hồi đó tao đã di tản cha nó rồi.

Từ đó, trên cái bàn thấp kê gần võng để để trà, thuốc, sách của ông Năm, thấy có hai cục bông gòn nhỏ ! Và lúc nào đi họp đi hội, ông cũng cố ý nhét vô lỗ tai hai cục gòn bự cho người ta thấy ! Có ai ra dấu hỏi thì ông trả lời lớn tiếng như nói với người điếc:

– Từ ngày tôi nghe loa phát thanh của Nhà Nước, tự nhiên tôi bị… thúi lỗ tai. Kỳ quá !

 

Những bài mới đăng

Mùa Thu Lá Bay