Tại Washington Hilton, một khách sạn rộng lớn được thiết kế bằng bê tông Brutalist uốn cong, có một tấm bảng ở gần lối đi riêng của khách VIP. Ít người nhận ra tấm bảng này, theo The Guardian.
Tấm bảng đánh dấu vị trí 40 năm trước, vào ngày 30/3/1981, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan bị đối tượng ám sát John Hinckley bắn trọng thương.
Người này nã 6 viên đạn chỉ trong vòng hai giây, khiến thư ký báo chí Nhà Trắng lúc đó Jim Brady, cảnh sát Thomas Delahanty và mật vụ Tim McCarthy cũng bị trúng đạn.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan nhăn mặt và giơ tay trái khi ông bị bắn bên ngoài khách sạn Washington Hilton. Ảnh: AP.
Ông Reagan, tổng thống thứ năm của Mỹ bị ám sát, đã thoát chết trong gang tấc hôm đó. Còn Brady bị thương nặng ở đầu khiến ông bị liệt một phần vĩnh viễn. Sau này, ông trở thành một nhà hoạt động kiểm soát súng đạn nổi tiếng.Thoát chết trong gang tấc
David Prosperi là trợ lý thư ký báo chí cho tổng thống, có mặt ở khách sạn để quản lý nhóm báo chí của Nhà Trắng để theo sát tổng thống mọi lúc mọi nơi. Ông kể lại sau buổi trưa, ông Reagan đã có một cuộc họp của công đoàn trong phòng khiêu vũ, nơi tổ chức bữa tối hàng năm của Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng.
Sau bài phát biểu, các phóng viên hòa mình với công chúng, trong đó có cả Hinckley đang ẩn ấp và chờ đợi Tổng thống Reagan xuất hiện. "Tôi đã nghe thấy một tiếng nổ vang như tiếng ai chọc vỡ bóng, rồi tất cả lắng xuống trong khoảnh khắc ngắn, tiếp theo là năm tiếng nổ khác, sau đó tôi mới biết có người đang nổ súng", ông Prosperi, 67 tuổi, thuật lại qua điện thoại từ Chicago.
“Theo bản năng, tôi cúi sập người xuống và kéo nhà báo Judy Woodruff cúi cùng mình. Tiếp đó, một đoàn xe đang chạy ngay phía bên phải tôi và khi chiếc xe cuối cùng lướt qua với tốc độ cao, tôi mới đứng dậy và nhìn thấy tình hình trước mặt".
“Tôi thấy viên cảnh sát Washington, Thomas Delahanty bị trúng đạn, đang nằm sõng soài trên mặt đất. Tim McCarthy, một nhân viên mật vụ và là thành viên của đội bảo vệ tổng thống, cũng bị bắn. Sau đó, mật vụ ép John Hinckley vào tường. Trớ trêu thay, cơ quan mật vụ lại đang bảo vệ John Hinckley: Có một đặc vụ rút súng ra và chĩa về phía đám đông đang bảo vệ sát thủ".
“Và cuối cùng là Jim Brady nằm úp mặt xuống đất với vết đạn ở đầu. Rick Ahearn, người dẫn đầu cho chuyến thăm này, đến bên Jim Brady và giữ chiếc khăn tay lên đầu Jim, cố gắng cầm máu. Rick hét vào mặt tôi: 'Anh có khăn tay không?'. Tôi có một chiếc khăn tay của bà, tôi đã ném cho Rick rồi chạy vào trong khách sạn vì tôi cần gọi điện đến Nhà Trắng”, ông thuật lại.
Một nhân viên mật vụ rút súng sau khi Tổng thống Ronald Reagan bị bắn. Ảnh: Reuters.
Điện thoại di động ngày ấy vẫn còn sơ khai và ông Prosperi không có một chiếc nào bên người. Cuối cùng, ông cũng tìm được một chiếc và báo gấp cho văn phòng báo chí của Nhà Trắng.
Rick Ahearn, từng là nhân viên cấp cao của Nhà Trắng, cho biết: “Tôi thấy Jim Brady vô cùng vội vã. Tôi nhớ rất rõ anh ấy đang cầm một tập giấy ở tay trái, một cây bút ở tay phải hoặc là ngược lại, và chỉ cúi mặt xuống để cố gắng không bị ngã. Rõ ràng là anh ấy đã bị thương".
“Khi tôi chạy đến bên cạnh, anh ấy đang áp mặt lên vỉa hè cạnh một cái lưới và cố gắng đứng dậy. Anh ấy đang cố gắng nói và khi quay đầu lại, tôi có thể thấy viên đạn đã găm vào trán bên trái trông rất nghiêm trọng, nên tôi lập tức rút khăn tay trong túi ra cầm máu và giữ chặt đầu anh ấy".
"Tôi nhớ mình hét lên: 'Có ai có khăn tay không?' vì lúc đó không có y tế và xe cấp cứu ở đó. Dave Prosperi đã bước lên và lặng lẽ đưa tôi chiếc khăn tay. Tôi rất biết ơn anh ấy", ông Ahearn kể lại.
Lúc đó, Prosperi còn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn hơn khi tiếp xúc các phóng viên khát tin tức tại khách sạn, ông nói: “Họ liên tục hỏi 'Tổng thống có bị bắn không?'. Tôi trả lời rằng tổng thống là mục tiêu nhưng chưa thể xác nhận rằng ông ấy bị trúng đạn hay không".
Tin chấn động cũng đã gây xáo trộn Nhà Trắng khi Prosperi quay về, chỉ cách đó 3,2 km. "Phòng họp báo lúc đó rất hỗn loạn, mọi người tranh giành nhau yêu cầu được cung cấp thông tin. Phía Nhà Trắng đã cố gắng hết sức dàn xếp mọi chuyện nhưng thực sự chưa có lúc nào để xử lý khủng hoảng này", ông kể lại.
Lúc đó, chính quyền của tổng thống mới hoạt động được 69 ngày sau khi ông nhậm chức.
Viên đạn cuối cùng đã bắn ra từ hướng chiếc xe limousine của Tổng thống, trúng cánh tay trái của ông Reagan, xuyên vào phổi và cách tim ông 2,54 cm. Tổng thống được đưa đi cấp cứu ngay lập tức và khi đến nơi, ông nói với phu nhân Nancy: "Anh xin lỗi, em yêu, anh quên không cúi xuống". Ông thậm chí còn nói đùa với các bác sĩ phẫu thuật: "Tôi hy vọng các anh đều là đảng viên Cộng hòa". Bác sĩ phẫu thuật khi ấy là Joseph Giordano, một thành viên của đảng Dân chủ, trả lời: "Hôm nay, tất cả đều là đảng viên Cộng hòa".
Nhờ sự hóm hỉnh và lòng dũng cảm, ông Reagan tạo ra đột phá trong nhiệm kỳ của mình. Theo nhận xét của Prosperi, phong cách lãnh đạo cá nhân của ông ấy khiến mọi người yêu mến.
Ông Prosperi cho rằng việc tổng thống thoát chết sau vụ ám sát cũng trở thành cơ hội đáng giá cho ông và các cộng sự nắm bắt để thể hiện khả năng lãnh đạo và đưa ra những ý tưởng của mình.
Tay súng được thả
Hinckley, 25 tuổi, bị cho là bị rối loạn tâm thần cấp tính và muốn gây ấn tượng với nữ diễn viên Hollywood Jodie Foster, sau khi xem bộ phim Taxi Driver năm 1976 do cô đóng vai chính.
Sau âm mưu ám sát bất thành, Hinckley được tuyên không có tội, do mắc bệnh mất trí. Anh ta được thả khỏi bệnh viện tâm thần vào năm 2016 và chuyển đến nhà mẹ đẻ ở Williamsburg, Virginia.
Năm 2020i, một thẩm phán đã tuyên bố Hinckley có thể trưng bày công khai các tác phẩm, tác phẩm nghệ thuật và âm nhạc của mình.
Người đàn ông này đã mua khẩu súng lục gây án tại một cửa hàng cầm đồ ở Dallas, mặc dù mắc chứng tâm thần và đã bị bắt vì tội mua bán vũ khí bốn ngày trước đó. Vụ ám sát Tổng thống Reagan diễn ra chỉ ba tháng sau khi huyền thoại âm nhạc John Lennon bị sát hại ở New York, và đưa việc kiểm soát súng đạn trở lại tâm điểm chính trị.
John Hinckley được cảnh sát hộ tống vào ngày 30/3/1981 sau khi bắn và làm Tổng thống Ronald Reagan bị trọng thương. Ảnh: Getty Images.
Jim Brady đã phải nằm viện 239 ngày. Mặc dù không tiếp tục làm thư ký báo chí của Nhà Trắng, ông vẫn giữ tước vị này trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Reagan. Khi Brady qua đời vào năm 2014, các giám định y khoa cũng cho thấy một phần nguyên nhân là vết thương mà ông đã phải hứng chịu vào ngày 30/3/1981.Người Mỹ vĩ đại - thư ký báo chí giỏi nhất của Nhà Trắng
Prosperi đến thăm Brady trong bệnh viện vài ngày sau vụ nổ súng. “Điều khiến tôi ấn tượng là tinh thần và phong thái của Jim rất tỉnh táo và nhớ được những điều mà tôi thậm chí còn không nhớ. Tôi không thể tin được rằng anh ấy mạnh mẽ đến vậy".
Jim được biết là một người kiên cường. Ông luôn hướng về tương lai, và cùng người vợ Sarah trở thành những nhà hoạt động chống súng đạn rất mạnh mẽ. Cặp đôi cũng nhận được sự tôn trọng của nhiều người trên khắp đất nước.
Ông Prosperi tin rằng cho đến ngày nay, nếu không có vụ ám sát, Jim Brady có lẽ đã là một trong những thư ký báo chí giỏi nhất của Nhà Trắng. Ông ấy biết cách đối phó với giới truyền thông. Ông ấy hiểu cách truyền tải thông điệp của tổng thống. Cuộc ám sát là một bi kịch khiến ông không thể thể hiện hết khả năng của mình.
Jim Brady, cựu thư ký báo chí Nhà Trắng và vợ vào ngày 16/6/2009, trở thành một nhà hoạt động kiểm soát súng đạn sau vụ ám sát.
Ảnh: Getty Images.
Di sản của ông Brady được lưu giữ với tổ chức Brady - một tổ chức phi chính phủ phòng chống bạo lực súng đạn tại Nhà Trắng.Jim và Sarah Brady đã cùng phát triển nghiên cứu Dự luật Brady, đưa việc kiểm tra lý lịch và thời gian chờ đợi những người định mua súng. Dự luật này được thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng vào năm 1993. Tuy nhiên, một số nội dung chính của luật đã bị loại bỏ dưới áp lực vận động hành lang của Hiệp hội Súng trường Quốc gia, một đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Donald Trump.
Ngoài ra, mỗi khi các Tổng thống George W.Bush, Barack Obama, Donald Trump hoặc các thư ký báo chí Nhà Trắng phát biểu từ bục tại Cánh Tây, họ đều lựa chọn Phòng báo chí James S. Brady. "Tôi nghĩ đó là một cách tuyệt vời để tôn vinh một người Mỹ vĩ đại", ông Prosperi nói.
Trong khi đó, Ahearn, 71 tuổi, người từng làm việc cho 6 đời tổng thống Mỹ, cho biết vụ việc không khiến ông thay đổi quan điểm về việc kiểm soát súng đạn: “Tôi nghĩ rằng hiện tại chúng ta có rất nhiều luật về súng và nếu chúng ta thực thi những luật đó nghiêm ngặt hơn thì những người xấu sẽ có ít cơ hội sử dụng". Ông cũng là một nhà tư vấn chính trị có trụ sở tại Alexandria, Virginia.
Ahearn cũng phản đối kịch liệt với quyết định trả tự do cho Hinckley. "Ngày mà Jim Brady có thể đứng dậy khỏi xe lăn và đi lại không cần nạng và không phải chịu đựng những cơn đau triền miên hàng ngày là ngày tôi sẽ cân nhắc việc trả tự do cho John Hinckley", ông nhấn mạnh.
Ông bổ sung: “Anh ta sẽ còn là mối đe dọa đối với những quan chức trong hiện tại và tương lai của cơ quan mật vụ Mỹ và lẽ ra không được thả anh ta ra. Anh ta đã suýt giết chết tổng thống Mỹ và giờ lại được tự do ngoài kia. Đó là một sự ô nhục, theo quan điểm của tôi".